Công nghệ - Sản phẩm

4 công nghệ mới thúc đẩy doanh nghiệp số

(PCWorldVN) Báo cáo của Deloitte Consulting cho thấy thực tế ảo, IoT, phân tích tiên tiến và phần mềm blockchain có triển vọng nhất trong năm 2016.

Được giao trách nhiệm sử dụng công nghệ để tổ chức doanh nghiệp tốt hơn hướng đến khách hàng, các giám đốc CNTT (CIO) ở mọi ngành nghề đang tập trung vào những công nghệ mạng xã hội, di động, phân tích và điện toán đám mây nhằm hiện đại hóa và thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số tại đơn vị mình. Tuy nhiên, phải 1-2 năm tới mới có những công cụ khai thác thực tế ảo tăng cường (augmented and virtual reality), IoT (Internet of Things), phần mềm blockchain và phân tích tiên tiến (advanced analytics).

Những công nghệ này đang đứng đằng sau các sản phẩm và dịch vụ mới làm thay đổi cách thức doanh nghiệp vận hành và tương tác với khách hàng, theo Bill Briggs, giám đốc công nghệ (CTO) của Deloitte Consulting. “Về bản chất, mọi công ty đều là công ty công nghệ", ông nói. Ông cũng là người viết báo cáo có chủ đề “Đổi mới trong kỷ nguyên kỹ thuật số" và “Công nghệ là tài sản có tính chiến lược nhất”.

IoT: Tiến hành một cách thận trọng

Briggs cho rằng giá trị thực sự của IoT ở chỗ thiết bị chúng ta dùng hàng ngày được gắn cảm biến để gửi dữ liệu đến các thiết bị khác, nghĩa là nó cho phép công ty suy xét lại quy trình kinh doanh với việc tự động hóa những việc trước đây làm thủ công.

Công ty Weather thuộc IBM đang phát triển sản phẩm thương mại dùng thuật toán xử lý dữ liệu thời tiết. IBM cũng đang xây dựng một hệ thống phân tích để giúp nhà sản xuất trang thiết bị gia đình Whirlpool dự đoán khi chiếc máy sắp hư. Nhiều công ty khác cũng đang nhắm đến những mục tiêu không quá xa vời. Ví dụ, Intel đã thực hiện gắn cảm biến ở các phòng họp, cho phép nhân viên dùng máy tính hoặc điện thoại thông minh kiểm tra xem khi nào phòng trống. Để tránh bị quá tải bởi dữ liệu kỹ thuật số từ các thiết bị kết nối, Deloitte cho rằng nên đặt kế hoạch quy mô lớn, nhưng bắt đầu từ nhỏ và sau đó mới mở rộng.

Bản chất phân tán của IoT làm tăng rủi ro và các giải pháp triển khai cho doanh nghiệp hiện nay đòi hỏi kiến trúc bảo mật nghiêm ngặt hơn.
Thực tế ảo tăng cường vào cuộc

Giờ là lúc "tất cả các hãng công nghệ cao đều nhảy vào thị trường này", theo Briggs. Việc thương mại hóa các công nghệ như Oculus Rift của Facebook và HoloLens của Microsoft sẽ đưa AR (thực tế ảo tăng cường) và VR (thực tế ảo) vào doanh nghiệp. Chẳng hạn, các kỹ sư của tập đoàn xây dựng Black & Veatch đội mũ bảo hiểm gắn chip định vị trang bị công nghệ AR có thể phủ chồng lên hình ảnh thực địa trước mắt với các dữ liệu kỹ thuật và thiết kế.

Việc kết nối kỹ sư thực địa với dữ liệu theo cách này là một trong rất nhiều ứng dụng tiềm năng của công nghệ AR trong tương lai gần, theo Dan Kieny, CIO của Black & Veatch. "Chúng tôi đang xem xét các ứng dụng AR cung cấp từ xa cho người dùng dữ liệu cần thiết để thực hiện các tác vụ xây dựng và bảo trì".

Tuy nhiên, AR/VR tại thực địa đòi hỏi một số thay đổi tư duy thiết kế, như "các cú nhấn và kéo chuột thao tác trên màn hình phẳng được thay thế bằng lời nói, cử chỉ chân tay hoặc thậm chí là cái chớp mắt". Tất nhiên, cần xử lý tốt sự thay đổi hình ảnh sao cho người dùng không bị chóng mặt khi đi theo địa hình ảo.

Dữ liệu là năng lượng mới

Hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa tìm được cách khai thác dữ liệu lớn (big data) của mình. CEO của các doanh nghiệp này được xem như là người thay đổi cuộc chơi tiềm năng và là nhân tố quyết định cho việc chuyển đổi kỹ thuật số. Theo khảo sát các CIO năm 2015 của Deloitte, phỏng vấn 1.200 nhà quản lý CNTT, thì việc phân tích dữ liệu là một ưu tiên đầu tư hàng đầu có thể tác động lớn đến kinh doanh. Ví dụ, tập đoàn kinh doanh khách sạn Starwood Hotels đã tạo ra phần mềm máy học để tự động thay đổi giá dựa vào thời tiết, sự kiện địa phương và một số yếu tố khác. Đây là công việc lớn trong một ngành mà phòng trống là hàng hoá dễ hỏng.

Tuy nhiên, hiện rất ít công ty đang đầu tư cho kiến trúc dữ liệu phân tán, xử lý trong bộ nhớ, máy học, xử lý ngôn ngữ trực quan và tự nhiên cần thiết để khai thác dữ liệu và phân tích ở quy mô lớn. Vấn đề chính là trong khi nhiều đội ngũ quản lý dữ liệu sử dụng phân tích mô tả chứ không dùng phân tích dự báo để có những hiểu biết mới.

Blockchain cho mọi người

Hiểu một cách đơn giản, blockchain là sổ kế toán số hóa ghi lại chi tiết tất cả các giao dịch theo một hệ thống toán học nhằm ngăn chặn những can thiệp trái phép. Đây là công nghệ nền tảng cho tiền ảo, cho phép dữ liệu số được ghi lại và chia sẻ. Các ngân hàng như BNY Mellon và Ngân hàng Hoàng gia Scotland đang thử nghiệm phần mềm này cho các giao dịch tài chính. Briggs cho rằng blockchain sẽ là đòn bẩy trong các ngành như y tế và bảo hiểm, có thể phục vụ như là sợi xích giữ an toàn cho hồ sơ y tế điện tử và tạo ra một "kỷ nguyên cởi mở và di động".

Blockchain cũng có thể được sử dụng để chia sẻ tài sản kỹ thuật số trong ngành truyền thông và giải trí, và để trao đổi các hợp đồng kinh doanh. "Nó có thể giúp giảm chi phí quá mức khi các bên mua bán tài sản trực tiếp với nhau, hoặc nhanh chóng chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền tác giả của thông tin", theo Deloitte. Các nhà đầu tư mạo hiểm đã bơm khoảng 1 tỷ USD vào 120 công ty khởi nghiệp liên quan đến blockchain, phân nửa số tiền đó đã được đầu tư chỉ trong năm rồi.

Bảo mật gắn kết mọi thứ

Thứ gắn kết tất cả các công nghệ mới với nhau là an ninh mạng, vấn đề này phải được làm khi triển khai từng công nghệ mới chứ không phải làm sau đó. Các thiết bị kết nối cần phải được theo dõi, quản lý và gia cố để kiểm soát truy cập dữ liệu và các ứng dụng. Các tổ chức sẽ phải cân đối việc ưu tiên để thử nghiệm các công nghệ mới và chuyển đổi các tài sản hiện có nhưng cần đảm bảo giải pháp an toàn và linh hoạt.

PC World VN, 04/2016

PCWorld

Big Data, dữ liệu lớn, IoT, phần mềm blockchain, thực tế ảo


© 2021 FAP
  2,941,479       66/1,231