Công nghệ - Sản phẩm

9 công việc về công nghệ tốt nhất năm 2016

(PCWorldVN) Nếu đang tìm kiếm cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ, hãy tham khảo danh sách xếp hạng 9 công việc tốt nhất hiện nay của US News & World Report.

Máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị đọc sách điện tử (e-reader) - công nghệ chạm đến mọi mặt của cuộc sống hàng ngày chúng ta. Nó tạo thuận lợi cho việc kinh doanh, thông tin liên lạc, du lịch, giải trí và chăm sóc sức khỏe, đó chỉ mới là một vài lĩnh vực, và ngành công nghệ tự hào có mức lương cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ dự đoán việc làm công nghệ sẽ tăng trưởng với tỷ lệ 12% trong thập kỷ này, gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng tăng trưởng việc làm tính chung.

Dưới đây là 9 công việc về công nghệ tốt nhất theo xếp hạng của US News & World Report, dựa trên số lượng việc làm dự báo cho 2014-2024, mức lương trung bình và tỷ lệ thất nghiệp.

1. Phân tích hệ thống

Nhà phân tích hệ thống sử dụng cả kiến thức CNTT và kinh doanh để giới thiệu có hiệu quả các hệ thống máy tính và qui trình, giúp khách hàng hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn.

2. Phát triển phần mềm

Nhà phát triển phần mềm đưa ra những sáng tạo công nghệ, các chương trình và ứng dụng mới. Họ còn chịu trách nhiệm viết code, gỡ lỗi và bảo trì và hướng dẫn các nhà phát triển trẻ.

3. Phát triển web

Nhà phát triển web thiết kế và xây dựng các trang web và ứng dụng dựa trên web cho doanh nghiệp. Họ phải có cả chuyên môn kỹ thuật và mỹ thuật; một số nhà phát triển web có thể làm cả phần giao diện người dùng (front-end) và xử lý bên dưới (back-end), nhưng thường các phần này được chia cho hai nhóm chuyên biệt.

4. Quản lý CNTT

Nhà quản lý CNTT có trách nhiệm đánh giá và cung cấp các chiến lược CNTT dài hạn cho doanh nghiệp. Họ làm việc với ban giám đốc công ty về các vấn đề công nghệ liên quan, lên kế hoạch nâng cấp phần mềm hoặc phần cứng và đàm phán với các nhà cung cấp dịch vụ cho các sản phẩm hiện tại hoặc mua mới.

5. Phân tích an ninh thông tin

Nhà phân tích an ninh thông tin là những người gác cổng hoặc người bảo vệ cho hệ thống thông tin; họ giám sát, cố gắng ngăn chặn và đối phó với các hành vi vi phạm dữ liệu và tấn công mạng khác. Họ lên kế hoạch và thực hiện các biện pháp an ninh để bảo vệ hệ thống máy tính và mạng của tổ chức chống lại các cuộc tấn công mạng và xâm nhập.

6. Quản trị cơ sở dữ liệu

Dữ liệu là một trong những thứ quý giá nhất của các tổ chức hiện nay. Nhà quản trị cơ sở dữ liệu (DBA – Database Admonistrator) thiết lập các cơ sở dữ liệu theo nhu cầu của công ty, đảm bảo chúng hoạt động hiệu quả, tinh chỉnh, kiểm tra và nâng cấp các chức năng cơ sở dữ liệu, thực hiện các biện pháp an ninh và đảm bảo lưu trữ đầy đủ.

7. Chuyên gia hỗ trợ máy tính

Chuyên gia này có thể hướng dẫn bạn sửa chữa mọi thứ, từ máy tính để bàn đến một máy in, router, phần mềm, mạng hay cả các vấn đề lưu trữ và nhiều thứ khác. Do tính chất công việc của họ, chuyên gia hỗ trợ máy tính phải có kỹ năng giao tiếp tuyệt vời và thật kiên nhẫn.

8. Quản trị hệ thống

Nhà quản trị hệ thống xác định các vấn đề mạng hoặc máy tính, thực hiện cập nhật cho các thiết bị và phần mềm, đảm bảo các hệ thống email và lưu trữ dữ liệu hoạt động đúng đắn và các máy tính làm việc của nhân viên được kết nối với mạng trung tâm. Họ còn thiết lập và bào trì các máy chủ của tổ chức và đào tạo người dùng mới cách thức sử dụng phần cứng và phần mềm liên quan.

9. Lập trình viên

Lập trình viên viết mã lệnh (code) tạo ra chương trình phần mềm thực thi. Trong nhiều trường hợp, công việc của lập trình viên bắt đầu sau khi nhà phát triển hay kỹ sư phần mềm chuyển giao bản mô tả chi tiết thiết kế cho một chương trình cụ thể. Công việc của người lập trình đòi hỏi phải tinh chỉnh các ý tưởng và giải quyết các vấn đề phát sinh khi chuyển chương trình thành mã lệnh. Lập trình viên còn viết lại, sửa lỗi, bảo trì và thử nghiệm (và kiểm tra đi kiểm tra lại) phần mềm và các chương trình để đảm bảo hiệu suất cao nhất.

PCWorld

ngành CNTT, Thanh Phong, việc làm CNTT


© 2021 FAP
  3,383,920       9/600