Công nghệ - Sản phẩm

4K và HDR: Truyền trực tiếp và Blu-ray

Phim và chương trình truyền hình độ nét Ultra HD cuối cùng cũng ra mắt. Đây là những gì bạn cần biết xoay quanh việc xem nội dung 4K từ đĩa hay truyền trực tiếp (streaming).

Thời khắc đã đến. Nội dung video Ultra HD, hay 4K đã được "lên lịch" sản xuất. Những chiếc TV và máy chiếu 4K cuối cùng cũng đáng để có mặt trong phòng khách. Mặc dù đã nằm trên kệ hàng lâu nay, nhưng các thiết bị trình chiếu 4K lại thiếu nội dung có độ phân giải “siêu nét”.

May mắn là nội dung 4K cũng đã cất tiếng khi ngành công nghiệp điện ảnh bắt đầu tung ra đầu đọc Blu-ray Ultra HD và phim Ultra HD. Hiện vẫn chưa xuất hiện nhiều tựa đĩa nội dung 4K nhưng đầu đọc đĩa 4K đã có trên thị trường, và sắp đến dự kiến phim 4K sẽ tràn ngập. Cũng có một giải pháp khác để xem 4K, đó là truyền trực tiếp từ Internet - streaming.

Hãy nói về chọn lựa đầu tiên trước, vì thực chất nội dung 4K có nhiều trên đĩa vật lý hơn so với có sẵn trên Internet. Đáng buồn là hầu hết chúng ta vẫn chưa thể tiếp cận được những đĩa 4K này. Vì vẫn còn rất nhiều xung đột về chuẩn cho đĩa 4K khiến hệ thống Ultra HD chưa đọc được chúng.

Những ích lợi của 4K

Ultra HD có số điểm ảnh gấp 4 lần so với video chuẩn Full HD (tương đương 1080p), tăng độ phân giải từ 1.920x1.080 lên 3.840x2.160 điểm ảnh. Chi tiết hơn, mỗi khung hình tăng từ 2.073.600 điểm ảnh lên 8.294.400 điểm ảnh.

Thoạt nghe có vẻ rất ấn tượng nhưng thực tế, sự khác biệt này khó nhận diện được trừ khi bạn ngồi thật gần màn hình (như ngồi trước màn hình máy tính), hoặc màn hình của bạn phải có kích thước trên 70 inch đường chéo khi ngồi ở khoảng cách thông thường. Màn hình Ultra HD đời mới cũng có tính năng màu dải động HDR (High Dynamic Range) nhưng màn hình đời cũ thường không hỗ trợ tính năng này. Nếu màn hình của bạn có logo Ultra HD Premium thì nó hỗ trợ HDR. Nhưng rắc rối ở chỗ là HDR cũng chia làm 2 chuẩn nhỏ: HDR10 và Dolby Vision.

Những TV HD đời cũ hỗ trợ dải màu 8-bit, hoặc còn gọi là chuẩn video "Rec. 709". Các màn hình Ultra HD có hỗ trợ HDR10 lên đến dải màu 10-bit thuộc đặc tả video "Rec. 2020". Bằng cách cho phép có thêm nhiều thông tin về màu sắc hơn, chuẩn Rec. 2020 tăng gấp 60 lần số lần kết hợp số màu sắc hiển thị trên màn hình. Đối với người xem, điều này có nghĩa là dải màu chuyển tông mượt mà hơn và độ chính xác màu cao hơn. Điều này thể hiện rõ nhất chỉ khi bạn xem video trên màn hình từ 60 inch trở lên hơn là trên một màn hình nhỏ có hỗ trợ Ultra HD. Nhưng chuẩn mới cũng làm tăng dung lượng video lên rất nhiều.

Chuẩn Dolby Vision thậm chí còn tăng chất lượng ảnh lên cao hơn nữa, với dải màu lên đến 12-bit màu (68 tỉ màu) và chuẩn này cũng làm sáng khung hình hơn so với HDR10. TV hỗ trợ HDR10 thiết lập độ sáng màn hình ngay từ khi phim bắt đầu chiếu, còn Dolby Vision có khả năng thiết lập độ sáng theo từng khung hình hay từng cảnh phim. Giới công nghiệp cho rằng Dolby Vision là công nghệ ưu việt hơn hai công nghệ còn lại vì sự khác biệt này.

Do đó, TV có hỗ trợ Dobly Vision cũng tương thích với HDR10 và màn hình HDR10 "cũng nên" tương thích với Dolby Vision, nhưng bạn chỉ tận hưởng được chất lượng của Dolby Vision khi đầu đĩa hoặc màn hình của bạn được chứng nhận chuẩn này. Còn hiện tại, trên thị trường chưa có đầu đọc Ultra HD nào được chứng nhận Dolby Vision.

Nhưng một số dịch vụ streaming lại có hỗ trợ. Giới công nghiệp hy vọng sẽ không có một cuộc chiến về định dạng nào tương tự như trước đây giữa Blu-ray với HD-DVD hay xa hơn nữa là VHS với Betamax, vì kẻ thua cuộc luôn là người tiêu dùng trong những cuộc chiến vô vị này. Nhiều trang tin công nghệ quay sang ủng hộ Dolby Vision nhiều hơn HDR10.

Cần bao nhiêu băng thông?

Netflix là dịch vụ truyền video trực tuyến phổ biến tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác, nhà cung cấp này đưa ra yêu cầu băng thông để xem được nội dung 4K rất "khủng". Theo trang Help của Netflix, kết nối tối thiểu phải đạt 25 megabit mỗi giây (Mbps). Tuy các nhà mạng tại Việt Nam có đưa ra các gói dịch vụ với băng thông rất cao, như VNPT cam kết băng thông kết nối trong nước đạt 120Mbps nhưng kết nối quốc tế chỉ ở mức tối đa là 3072Kbps (gói cước F8). Netflix cũng đề nghị mức băng thông 25Mbps cần phải đạt mức ổn định.

Theo báo cáo của Akamai về Internet 2016 quý 2, là báo cáo được thế giới công nhận về tính chính xác tốc độ Internet trung bình trên toàn cầu, băng thông internet trung bình của Việt Nam chỉ ở mức 5.1Mbps (tại châu Á, đứng đầu là Hàn Quốc với 27Mbps và cuối cùng là Ấn Độ với 3,6Mbps). Nên với tốc độ này và nếu máy chủ Netflix đặt ở nước ngoài, không cách gì người dùng Việt Nam có thể xem streaming 4K được.

Ngoài ra, nội dung 4K sẽ rất ngốn băng thông dùng chung với những ứng dụng và thiết bị khác. Theo Netflix, dịch vụ 4K của họ trung bình sẽ chiếm khoảng 7GB dữ liệu mỗi giờ. Đây có thể xem là cái mốc cho các nhà cung cấp mạng vươn tới nhằm phục vụ người dùng mà thôi. Hơn nữa, người dùng cũng cần một TV hay thiết bị nào đó hỗ trợ chuẩn streaming 4K của Netflix vì chuẩn của hãng không hỗ trợ cho PC vì lý do bảo mật. Tuy nhiên, Netflix cũng vừa cho biết người dùng có thể xem nội dung 4K trên PC nếu thoả hai tiêu chí về cấu hình. Đầu tiên là phải sử dụng trình duyệt Edge của Microsoft. Thứ hai, sẽ phải chạy bộ xử lý Intel Core i thế hệ thứ 7 (Kaby Lake). Ràng buộc thứ hai này khá khó bởi bộ xử lý mới của Intel hỗ trợ mặc định chuẩn bảo mật HDCP 2.2, là giao thức bảo mật DRM dùng để chống sao chép video 4K.

Không chỉ có Netflix

Ngoài Netflix còn có một số dịch vụ cung cấp nội dung 4K trực tuyến khác, mà YouTube là cái tên đáng nói đến nhất. Không cần phải cho biết người dùng cần có băng thông bao nhiêu mới có thể xem được nhưng có lẽ đâu đó vào khoảng 20Mbps. Amazon cũng có video 4K và đề nghị băng thông tối thiểu, ổn định là 15Mbps. Amazon cũng có nội dung HDR được phân ra thành loại video riêng, cũng có yêu cầu băng thông tương tự như 4K. Mặc dù Amazon không đề cập đến độ phân giải của HDR có giống với độ phân giải 4K hay không.

Ngoài ra, cũng có một số trang web đưa ra nội dung 4K, trong đó có Ultraflix, DirecTV, Comcast và PlayStation Video. Tuy nhiên, hầu hết trang web này yêu cầu kết nối VPN để không bị chặn vùng miền truy cập, vì hầu hết đều đăng ký tại Mỹ. Nội dung 4K trên các trang này không tương thích với hầu hết TV, máy tính hay các thiết bị streaming hiện thời, vì bạn sẽ phải kiểm tra lại SmartTV nhà mình xem có ứng dụng liên quan hay không. Trong trường hợp không có, bạn có thể trang bị một thiết bị có chức năng này, như là Fire TV của Amazon.

Như chúng ta thấy, tìm một nguồn nội dung 4K trực tuyến vẫn còn như mò kim đáy bể và vẫn còn nhiều ràng buộc về băng thông, thiết bị tương thích và các định dạng tương thích. Nhưng để khởi đầu, cách tốt nhất là bạn nên tìm hiểu Netflix, vì dịch vụ này có khá đầy đủ thông tin về nội dung và thiết bị hỗ trợ ban đầu.

Ultra HD trên đĩa

Như đề cập trên, tuy về lý thuyết là có thể xem video 4K streaming và nội dung HDR được nhưng vì băng thông thực tế quá thấp đối với đa số người dùng. Nhưng mới đây trên thị trường có xuất hiện một số đầu Blu-ray Ultra HD, hứa hẹn việc xem phim 4K sẽ dễ dàng hơn. Nhưng vấn đề là đầu đọc Blu-ray Ultra HD có khác biệt gì so với đầu Blu-ray chuẩn hiện nay?.

Cả hai đều sử dụng tia laser xanh dương để đọc và ghi dữ liệu, nhưng đĩa Ultra HD lại có dung lượng lớn hơn rất nhiều. Trong khi một đĩa Blu-ray chuẩn có thể chứa từ 25GB đến 50GB dữ liệu thì đĩa Ultra HD chứa từ 33GB đến 100GB dữ liệu. Dữ liệu cũng được đọc nhanh hơn nhiều. Chất lượng đĩa ảnh hưởng đến tốc độ đọc, trong khoảng từ 82Mbps đến 128Mbps, trong khi đĩa Blu-ray chuẩn hiện nay chỉ yêu cầu ở 54Mbps. Kết quả là đĩa Ultra HD không tương thích ngược được với đầu Blu-ray chuẩn, là sản phẩm mà nhiều công ty hiện đang bán kèm theo cả đĩa Ultra HD và Blu-ray. Tuy nhiên, đầu Ultra HD có thể tương thích và đọc được đĩa Blu-ray chuẩn, nên bạn có thể giữ lại những đĩa Blu-ray hiện có để dùng với đầu Ultra HD. Đầu Ultra HD cũng có thể giảm chất lượng xuống còn chuẩn HD nếu bạn xem với màn hình HD thông thường, nhưng lúc này bạn không tận hưởng được chất lượng hình ảnh Ultra HD.

Như đã nói, mọi đầu đọc Ultra HD đều hỗ trợ HDR và cũng chứa nhiều thông tin về âm thanh hơn, ngoài hình ảnh. Nếu bạn có hệ thống loa hỗ trợ cả chuẩn Dolby Atmos hay DTS-X Surround Sound, bạn sẽ có thể thoả mãn với chất lượng âm thanh của đĩa Ultra HD khi chúng hỗ trợ luôn cả hai chuẩn âm thanh này.

Nhưng không may là đầu AV receiver hiện thời có thể chưa hỗ trợ mà bạn phải nâng cấp luôn. Nếu đầu receiver của bạn hỗ trợ HDMI 1.4 thì thiết bị cũng sẽ hỗ trợ âm thanh chất lượng hơn, nhưng cũng vẫn chưa hỗ trợ hai chuẩn âm thanh trên, vì chỉ chạy được tối đa 30 khung hình mỗi giây. Nếu receiver hỗ trợ HDMI 2.0, thiết bị sẽ cho phép hiển thị 4K ở 60 khung hình/giây và sẽ cần đến chuẩn High-Bandwidth Digital Copy Protection 2.2m, viết tắt là HDCP 2.2 mà đĩa HDR hay 4K yêu cầu cần có để chống sao chép. Chuẩn bảo mật này sẽ thấy trên hầu hết các receiver HDMI 2.0 và màn hình HDMI 2.0 nhưng không đảm bảo tất cả thiết bị sẽ hỗ trợ HDCP 2.2. Chuẩn HDMI mới nhất là 2.0a, trong đó tính luôn cả HDCP 2.2 nên may mắn là nhiều receiver và màn hình mới chỉ hỗ trợ HDMI 2.0 có thể cập nhật firmware lên chuẩn HDMI 2.0a để hỗ trợ DHCP 2.2. Lưu ý là bạn cũng sẽ cần đến cáp HDMI tương thích với chuẩn HDMI 2.0a để đảm bảo mọi thành phần tương thích tốt với nhau.

Nội dung 4K trên đĩa có gì?

Khi đầu đọc Ultra HD Blu-ray vẫn còn là thiết bị rất mới thì số lượng đĩa Ultra HD vẫn chưa nhiều, và giá của mỗi đĩa trung bình khoảng 50 USD. Trên thị trường cũng chỉ có khoảng 20 bộ phim được xuất ra theo chuẩn này, hầu hết là phim của Hollywood, gồm loạt phim Hunger Games, Everest, X-Men: First Class, Mad Max Fury Road, và The Legend of Tarzan. Cũng có một số phim cũ được làm lại để đưa lên đĩa Ultra HD như Labyrinth. Có lẽ trong vài tháng tới, chúng ta sẽ thấy thị trường đĩa phim Ultra HD nhộn nhịp hơn. 

PC World VN 02/2017

PCWorld

4K Ultra HD, Bùi Lê Duy, Dolby Atmos, HDR, màn hình Ultra HD, Netflix, SmartTV, streaming 4K, TV 4K, YouTube


© 2021 FAP
  3,380,375       23/1,797