Sản phẩm

So sánh - đánh giá điện thoại thông minh cao cấp LG G3 và Sony Xperia Z2

LG G3 gây ấn tượng với chức năng lấy nét bằng tia laser, trong khi Sony Xperia Z2 lại hỗ trợ camera đến 20,7 MP có thể quay phim 4K. Cả hai cũng thực sự là kỳ phùng địch thủ từ thiết kế, tính năng, hiệu năng cho đến giá cả.

Thiết kế
Cả hai smartphone Test Lab thử nghiệm đều có vẻ ngoài đẹp mắt, ấn tượng  nhưng phong cách hoàn toàn khác nhau. Trong khi Sony Xperia Z2 có kiểu thiết kế vuông vức với các đường nét thẳng thì LG G3 lại hướng theo phong cách bo tròn mặt lưng và các góc.

Điểm khác biệt lớn tiếp theo ở hai sản phẩm này là ở chất liệu vỏ ngoài. Z2 được cấu thành với bộ khung viền kim loại kết hợp với nhựa cứng giúp các điểm tiếp xúc với màn hình, nắp đậy cổng giao tiếp được khít và liền lạc hơn. Bên cạnh đó, hai mặt lưng và màn hình của Z2 đều được trang bị lớp kính bóng bẩy, trông máy sang trọng hơn. Trong khi đó, LG G3 lại có kiểu thiết kế Floating Arc cứng cáp với lớp vỏ nhựa vân giả kim loại. Viền màn hình rất mỏng khiến cho máy nhìn gọn so với kích thước 5,5 inch. Mặt lưng có kiểu vát cong khá mạnh về phía hai cạnh bên khiến máy có vẻ mỏng hơn so với bề dày thực tế. Đặc điểm này cũng giúp cho toàn bộ mặt lưng ôm trọn lòng bàn tay nên việc cầm nắm máy thoải mái hơn.

Xperia Z2 tỏ ra chắc chắn hơn so với G3 khi cầm trên một tay. Vỏ ngoài của G3 có độ ma sát chưa cao và kiểu vát mỏng về hai cạnh bên khiến máy rất dễ bị trơn trượt khi sử dụng với một tay.

Nhìn chung, Test Lab đánh giá cao thiết kế của Z2 hơn so với G3. Smartphone của Sony có được sự sang trọng, mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần trau chuốt với chất liệu thiết kế vỏ ngoài cao cấp của một smartphone chủ đạo.
Xếp hạng
Sony Xperia Z2:

LG G3:

Màn hình
Có thể khẳng định ngay là màn hình của G3 ấn tượng hơn so với màn hình của Xperia Z2. G3 có kích thước màn hình lớn hơn với 5,5 inch nhưng đây là một trong những smartphone đầu tiên hỗ trợ độ phân giải đến QHD (2560 x 1440 pixel) giúp mật độ điểm ảnh tăng lên mức 534 ppi. Trong khi đó, Z2 có kích thước màn hình 5,2 inch nhưng chỉ hỗ trợ độ phân giải Full HD (1080x1920 pixel) nên mật độ điểm ảnh kém hơn so với G3 với 424 ppi.

LG G3 có chức năng Knock Code độc đáo, giúp mở khoá màn hình bằng cách gõ những vị trí đặt trước kể cả khi màn hình đang tắt. Nếu dùng thiết bị chung với vỏ bảo vệ QuickCircle, màn hình sẽ hiển thị một ô cửa sổ nhỏ giúp xem giờ, thông báo cuộc gọi, tin nhắn… hoặc truy cập nhanh các ứng dụng nghe nhạc, chụp ảnh… Mặc dù không hỗ trợ các chức năng tương tự, nhưng màn hình của Xperia Z2 đã có nhiều cải tiến đáng kể giúp khả năng thể hiện hình ảnh tốt hơn nhiều so với người tiền nhiệm Xperia Z1.

Nhìn chung, chất lượng hiển thị thực tế của cả hai màn hình đều sắc nét, màu sắc đẹp, trung thực, góc nhìn rộng và đều có độ tương phản cao. Nhưng nếu quan sát kỹ, nhất là khi lướt web, đọc sách thì bạn sẽ thấy rằng màn hình của G3 sắc nét và có khả năng hiển thị hình ảnh trong trẻo hơn. Công nghệ màn hình True HD-IPS + LCD cùng với độ phân giải cao giúp cho chất lượng hiển thị thực tế của G3 trung thực, đẹp mắt và gây ấn tượng tốt với Test Lab. Nếu cả hai sản phẩm Z2 và G3 được chỉnh ở độ sáng tối đa thì chất lượng của Z2 sẽ kém cạnh chút ít so với đối thủ của mình.
Xếp hạng
Sony Xperia Z2:

LG G3:

Camera
Sony Xperia Z2 được trang bị camera 20,7 MP với cảm biến Exmor RS kích thước 1/2,3 inch, ống kính G Lens từ dòng máy ảnh Cyber-shot có thể chụp ảnh với độ phân giải tối đa 5.248 х 3.936 pixel và hỗ trợ quay video 4K. Trong khi đó, LG G3 có camera chính 13 megapixel, cảm biến CMOS kích thước 1/3,06”, hỗ trợ chụp hình với độ phân giải tối đa 4.160 x 3.120 pixel và quay phim với độ phân giải 2160p@30fps. Đặc biệt, ở LG G3, bên cạnh hai đèn flash với hai tông màu trợ sáng còn được bổ sung chức năng ổn định hình ảnh quang học và lấy nét với đèn laser.

Chất lượng ảnh chụp thực tế cho thấy cả hai camera đều cho ra những bức ảnh đẹp, sắc nét ở điều kiện ánh sáng đầy đủ. Riêng về độ sắc nét thì Z2 chiếm ưu thế hơn chút ít so với G3. Ở chế độ chụp hoàn toàn tự động, khả năng nhận diện White Balance của Z2 tốt hơn, từ đó ảnh chụp cũng tự nhiên và màu sắc trung thực hơn.

Thử nghiệm chế độ chụp thiếu sáng với LG G3 cho thấy hình ảnh chỉ dừng ở mức trung bình khá, ảnh bị nhiễu khá nhiều khi phóng lớn. Chức năng lấy nét bằng laser của G3 tỏ ra rất hiệu quả trong môi trường rất tối. Riêng với Xperia Z2 thì Test Lab đánh giá cao chức năng chụp đêm. Máy có thể cho ra những bức ảnh phơi sáng tự động tốt hơn so với G3, mặc dù đôi lúc vẫn bị nhiễu và mờ. Ảnh chụp gần với đèn flash của Z2 không đẹp bằng G3, nhìn có vẻ hơi chói và màu sắc hơi xám chứ không được tự nhiên.

Riêng với ứng dụng Camera thì Test Lab đánh giá cao cả hai thiết bị thử nghiệm. Trên G3, ứng dụng chụp ảnh hỗ trợ 4 chế độ chụp Tự động, chụp trước lấy nét sau (Magic Focus), chụp toàn cảnh (Panorama) và chế độ chụp ảnh kép từ hai camera trước và sau. Ngoài ra, máy cũng hỗ trợ chụp ảnh HDR, chụp hẹn giờ. Với chế độ chụp ảnh với camera trước, người dùng có thể sử dụng cử chỉ bóp bàn tay để chụp hình mà không cần nhấn nút chụp khá thú vị.

Trong khi đó ở Xperia Z2 thì ứng dụng chụp ảnh hỗ trợ rất nhiều chế độ chụp hình chuyên biệt (có thể cài thêm ở kho Sony Select) như chụp hoàn toàn tự động (Superior Auto), chụp thiết lập thủ công  (Manual), chụp trước lấy nét sau (Background Defocus), chụp hiệu ứng thực tế ảo (AR Effect)… và các chế độ quay phim cao cấp như 4K video, Timeshift video… Z2 cũng được trang bị nút cứng chụp ảnh trên cạnh phải máy giúp bắt nhanh những khoảng khắc trong cuộc sống.
Xếp hạng
Sony Xperia Z2:

LG G3:

Hệ điều hành và tính năng
Cả hai smartphone Xperia Z2 và G3 đều được sử dụng KitKat với giao diện tuỳ biến và những chức năng cài sẵn đặc trưng.

G3 sử dụng giao diện LG UI đẹp mắt với biểu tượng ứng dụng được thiết kế phẳng. Có thể nói LG là một trong số rất ít hãng điện thoại hiện nay có được thiết kế giao diện Android đẹp, khá thoáng, sạch sẽ từ màn hình chủ, cửa sổ quản lý đa nhiệm ứng dụng cho đến chức năng cài đặt (Settings). Chức năng tạo được ấn tượng tốt với Test Lab là “Cảnh báo thông minh” (Smart Notice) giúp đưa ra những cảnh báo dựa trên ngữ cảnh theo thời gian thực. Tuy nhiên, các nhắc nhở ở giao diện tiếng Việt có lời dịch hơi thô và không tự nhiên. Bên cạnh đó, LG G3 cũng được cài sẵn các chức năng thú vị như tiện ích quản lý sức khoẻ và duy trì thói quen tập thể dục với LG Health, bàn phím Smart Keyboard có thể học được thói quen gõ phím của người dùng, giống như trên BlackBerry 10 nhưng chưa hỗ trợ bộ gõ tiếng Việt. Sản phẩm cũng được trang bị chức năng bảo vệ Smart Security, với 3 lớp bảo mật thông minh (Knock Code, Content Lock và Kill Switch) đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thiết bị.

Giao diện sử dụng của Z2 không có khác biệt gì với các dòng Xperia Z1, M2… vẫn với phong cách đơn giản kiểu Xperia đặc trưng. Điểm mới ở Z2 là được cài ứng dụng What’s New giúp cập nhật mọi thông tin mới liên quan đến ứng dụng, giải trí, game… Người dùng có thể vuốt từ viền màn hình bên dưới lên để truy cập nhanh What’s New và Google Now. Z2 cũng được cài sẵn giao diện sử dụng đơn giản Simple Home với các biểu tượng lớn dễ dùng và tiết kiệm pin hơn. Z2 cũng được trang bị chức năng chống nước và bụi bẩn đạt tiêu chuẩn IP58, trong khi G3 không có được khả năng đặc biệt này.
Xếp hạng
Sony Xperia Z2:

LG G3:

Hiệu năng và pin
Phiên bản LG G3 mà Test Lab thử nghiệm được trang bị chip SoC MSM8975AC Snapdragon 801 của Qualcomm với CPU 4 nhân Krait 400 tốc độ 2,5GHz, GPU Adreno 330, bộ nhớ trong 16 GB và 2 GB RAM. Thực tế sử dụng cho thấy máy có tốc độ xử lý nhanh và mượt với mọi ứng dụng, kể cả game nặng. Nhìn chung, với nhu cầu sử dụng thông thường, giải trí, chơi game thì LG G3 đáp ứng nhanh, mượt với mọi tác vụ. Màn hình của máy khá nóng khi sử dụng ở ngoài trời, hoặc khi chơi game. Trong khi đó, nếu ở G2, mặt lưng của máy khá nóng khi dùng ứng dụng nặng thì ở G3 máy tản nhiệt khá tốt.

Xperia Z2 cũng có cấu hình tương đương G3 nhưng CPU có xung nhịp thấp hơn chút ít với chip 4 nhân Krait 400 tốc độ 2,3GHz, nhưng mức RAM cao hơn với 3GB (G3 cũng có phiên bản RAM 3GB và bộ nhớ trong 32GB). Z2 có thể đáp ứng mọi tác vụ từ các ứng dụng cơ bản đến game đồ hoạ 3D. Máy cũng vướng phải nhược điểm như Z1 là khá nóng khi chụp ảnh hoặc chạy ứng dụng nặng.

Kết quả thử nghiệm với các công cụ benchmark cho thấy điểm số hiệu năng tổng thể của LG G3 kém hơn chút ít so với Sony Xperia Z2 và các sản phẩm khác như Samsung Galaxy S5 hay HTC One M8.

Thời lượng dùng pin thực tế của LG G3 với các tác vụ sử dụng thông thường (nghe gọi, nhắn tin, lướt web, chụp ảnh với độ sáng màn hình tự động, bật Wi-Fi, 3G liên tục) đạt gần 1 ngày. Nếu tần suất lướt web hoặc chụp hình nhiều hơn thì thời lượng dùng giảm xuống còn khoảng 9 đến 11 giờ. Với pin tích hợp dung lượng 3000mAh nhưng màn hình độ phân giải cao tiêu tốn nhiều năng lượng khiến cho thời lượng dùng pin G3 không như mong đợi. Trong khi đó, với tác vụ sử dụng tương tự, Z2 với pin Li-Ion 3200 mAh đạt 1,5 ngày sử dụng. Đây là ưu điểm lớn ở một smartphone cao cấp mà Xperia Z2 có được.
Xếp hạng
Sony Xperia Z2:

LG G3:

PCWorld VN, 08/2014

PCWorld

điện thoại cao cấp, LG G3, so sánh điện thoại, Sony Xperia Z2


© 2021 FAP
  2,869,169       3/1,292