(PCWorldVN) Gionee Marathon M3 có ngoại hình hấp dẫn, màn hình đẹp, pin khỏe đủ sức đáp ứng nhu cầu làm việc cường độ cao hay kết nối liên tục của người dùng.
Như PC World Vietnam từng đưa tin hồi đầu tháng 11/2014, Gionee Marathon M3 là chiếc smartphone pin dung lượng khủng với thời gian chờ hơn 1 tháng nhằm cạnh tranh trực tiếp với 2 đối thủ đến từ Motorola là Droid Turbo cũng như Moto Maxx (phiên bản quốc tế của Droid Turbo).
Mới đây, mẫu smartphone pin trâu của Gionee cũng đã ghé thăm PC World Vietnam và Test Lab cũng từng đưa đến bạn đọc một cái nhìn sơ bộ về mẫu điện thoại này.
Smartphone pin trâu Gionee Marathon M3. |
Trước khi đi sâu vào các đánh giá chi tiết Gionee Marathon M3, hãy cùng điểm qua một vài thông số kỹ thuật đáng chú ý của sản phẩm.
Gionee Marathon M3 trang bị màn hình IPS 5 inch (hỗ trợ độ phân giải HD, mật độ điểm ảnh 294ppi), bộ xử lý 4 nhân MediaTek MT6582 tốc độ 1,3GHz, nhân đồ họa Mali-400MP tích hợp, RAM 1GB, bộ nhớ trong 8GB, khe cắm thẻ microSD, camera 8MP kèm đèn LED ở mặt sau, camera trước 2MP và pin dung lượng 5.000 mAh (cho thời gian đàm thoại lên đến 32,4 giờ và thời gian chờ lên đến 32,8 ngày, theo hãng công bố).
Mẫu smartphone pin trâu Marathon M3 cũng được Gionee trang bị 2 khe cắm SIM (hỗ trợ kết nối 3G/2G) và cài đặt sẵn HĐH Android 4.4 KitKat. Máy cũng hỗ trợ đầy đủ các kết nối cần thiết như Bluetooth 4.0, FM radio, USB Host, Wi-Fi Direct, Wi-Fi Hotspot cùng một số cảm biến và la bàn số.
Đánh giá thiết kế, màn hình và hiệu năng
Mặc dù có ngoại hình nhỉnh hơn nhiều so với một số sản phẩm cùng phân khúc, nhưng khi sử dụng thực tế, Test Lab nhận thấy Marathon M3 vẫn không quá cồng kềnh và nặng cân. Về thiết kế, phiên bản Marathon M3 màu xanh đen có mặt tại Test Lab trông khá hấp dẫn dù máy sử dụng phần lớn vật liệu nhựa.
Xét về yếu tố thẩm mỹ, Marathon M3 có ngoại hình trông khá hài hòa và không chỉ riêng Test Lab - PC World Vietnam nói riêng mà cả những người lần đầu tiên tiếp xúc với máy nói chung đều đồng ý rằng Marathon M3 trông khá hấp dẫn. Ngoài phiên bản màu tối, Marathon M3 còn có thêm lựa chọn bộ cánh màu trắng thích hợp cho khách hàng nữ.
Quá trình sử dụng thực tế cũng cho thấy Marathon M3 hầu như không gây phiền hà gì nhiều cho Test Lab trong thiết kết các nút nhấn vật lý, khe cắm thẻ nhớ microSD, khay SIM, âm lượng loa rời cho đến thiết kế nắp nhựa mặt lưng máy. Tuy nhiên, sẽ là một điểm cộng nữa nếu Gionee thiết kế dãy phím mềm đặc trưng của Android có thêm đèn nền LED.
Gionee Marathon M3 hỗ trợ điều khiển đồng thời 5 điểm cảm ứng. |
Về màn hình, trong các phép thử về độ sắc nét, Marathon M3 cho kết quả khá tốt ngay cả khi hiển thị co chữ nhỏ màu đen trên nền trắng cũng như ký tự trắng trên nền đen. Các ký tự chữ nhỏ trên màn hình 5 inch của Marathon M3 cũng không bị tình trạng răng cưa gây khó đọc.
Riêng với phép thử khả năng tái tạo màu sắc, Marathon M3 cho màu sắc tổng thể trông khá tự nhiên, độ sâu màu và độ tương phản khá tốt. Các hình ảnh đồ họa chất lượng cao cũng như ảnh chụp thiên nhiên vẫn dùng trong các phép thử trông lôi cuốn. Tuy nhiên, trong phép thử màu đơn sắc, Marathon M3 vẫn gặp chút trở ngại trong việc tái hiện sắc đen và một số gam màu nóng như đỏ hay vàng tươi.
Kết quả hiệu năng tổng thể đo bằng Antutu 5 của Gionee Marathon M3. |
Tuy nhiên, nhờ thiết kế rút gọn khoảng cách giữa bề mặt màn hình và mặt kính bảo vệ cộng thêm việc trang bị panel màn hình IPS nên Marathon M3 cho góc quan sát khá rộng theo 2 phương ngang và dọc. Bề mặt màn hình tuy bóng bẩy nhưng cũng ít lưu dấu vân tay và dễ dàng làm sạch sau 1 ngày sử dụng liên tục nhờ phụ kiện vệ sinh kèm theo máy.
Về hiệu năng, so với các sản phẩm cùng cấu hình chênh lệch về điểm số trong các phép thử quen thuộc thường dùng tại Test Lab cũng không đáng kể. Cụ thể phép thử hiệu năng tổng thể Antutu 5 cho kết quả chung cuộc đạt 17.908 điểm ngang ngửa với mẫu smartphone “cầu vồng” Wiko Rainbow. Tuy nhiên, nếu so với mức 17.078 điểm của chiếc Lenovo S860 pin 4.000mAh thì hiệu năng tổng thể của Marathon M3 có phần nhỉnh hơn dù trang bị chỉ 1GB RAM.
Kết quả đánh giá hiệu năng đồ họa đo bằng 3D Mark. |
Marathon M3 cũng cho kết quả đánh giá hiệu năng đồ họa khá “sít sao” so với những sản phẩm cùng cấu hình mà Test Lab từng thử nghiệm trước đây.
Trong quá trình hiện thực hóa các điểm số bằng những trải nghiệm thực tế, Test Lab nhận thấy Marathon M3 có tốc độ xoay chuyển màn hình khá chậm. Đôi khi Marathon M3 vẫn bị “khựng” lại khi Test Lab truy cập nhanh thanh thông báo Notifications từ các giao diện màn hình ứng dụng khác nhau.
Gionee Marathon M3 có thể chơi tốt một số tựa game 3D lớn. |
Tuy nhiên, tốc độ chuyển trang màn hình khá mượt và thời gian tải các ứng dụng lớn vẫn không khiến Test Lab phải đợi chờ như một số sản phẩm khác. Thực tế chơi game cho thấy Marathon M3 có đôi chút kén, nhất là những tựa game lớn, đồ họa nặng nề. Dù vậy, nếu không quá đòi hỏi về chất lượng hiệu ứng đồ họa trong game và không phải là “fan cuồng” của những tựa game “khủng”, Marathon M3 vẫn có thể là một lựa chọn chấp nhận được. Cụ thể, máy có thể chơi khá tốt Dead Trigger 2 cũng như Edge of Tomorrow, Plants vs Zoombie 2, Clash of Clans hay Tanks Online.
Giao diện người dùng, pin và camera
Marathon M3 với bản Android 4.4.2 có thiết kế giao diện khá đơn giản nhưng cũng không quá đơn điệu nhờ được cài đặt sẵn ứng dụng Weather giúp cập nhật thông tin thời tiết khá sinh động. Máy cũng được cài đặt sẵn nhiều bộ theme khác nhau bên cạnh theme gốc của Android. Người dùng cũng có cơ hội lựa chọn các hình nền theo từng chủ đề khác nhau theo sở thích để cá nhân hóa chiếc smartphone này nhờ ứng dụng Amigo Paper cài đặt sẵn.
Song song với bộ ứng dụng Google, Marathon M3 cũng được cài đặt một số tựa game dùng thử và khá nhiều ứng dụng từ các bên thứ 3. May mắn là hầu hết các ứng dụng này có thể dễ dàng gỡ bỏ để cải thiện không gian lưu trữ nhờ ứng dụng Application Manager.
Riêng về pin, Marathon M3 mất khoảng 3 giờ 30 phút để sạc đầy pin từ mức dung lượng còn lại 18%. Trong phép thử hiệu năng pin PC Mark for Android (Work battery life), Marathon M3 cho thời lượng sử dụng pin đạt 9 giờ 14 phút. Thực tế sử dụng cho thấy Marathon M3 có thể dư sức chạy đường trường vì sau 2 ngày 2 đêm sử dụng (kích hoạt hầu hết kết nối ngoại trừ 3G, nghe-gọi-nhắn tin với tần suất vừa phải, liên tục cập nhật ứng dụng nền và đặt độ sáng màn hình tối đa), pin tích hợp vẫn còn lại 50%.
So với mẫu Gpad G5 từng thử nghiệm, chất lượng camera trên mẫu smartphone pin trâu Marathon M3 có phần cải thiện đáng kể. Nâng cấp đáng chú ý nhất là tốc độ và khả năng lấy nét của camera chính 8MP. Riêng về màu sắc, độ chi tiết ảnh chụp từ camera chính của Marathon M3 và giao diện ứng dụng Camera tích hợp nhìn chung cũng không có nhiều thay đổi.
Dựa trên những kết quả đánh giá mà các công cụ benchmark ghi nhận, cộng thêm những trải nghiệm thực tế, Test Lab đánh giá cao hiệu năng pin, chất lượng màn hình cũng như ngoại hình của Marathon M3. Máy cũng cho chất lượng hình ảnh khá trong môi trường thuận lợi. Tuy nhiên, hiệu năng tổng thể của sản phẩm chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng cơ bản.
Một số ảnh chụp thực tế từ camera chính 8MP trên Gionee Marathon M3:
đánh giá smartphone, Gionee, Gionee Marathon M3, Smartphone, smartphone pin khủng, smartphone pin trâu