Sản phẩm

nVIDIA GeForce và AMD Radeon: Cuộc chiến trên mọi mức giá

(PCWorldVN) Thử nghiệm và đánh giá các mẫu card đồ họa của nVIDIA và AMD, từ loại phổ thông 90 USD cho tới 700 USD với hai lõi xử lý đồ hoạ và tản nhiệt nước.

Câu hỏi luôn được đặt ra mỗi khi người dùng chi tiền cho việc nâng cấp, mua mới card màn hình luôn là: liệu sản phẩm nào trong khoảng tài chính mình có sẽ đem lại giá trị sử dụng tốt nhất? Thực tế, không thể phủ nhận card màn hình luôn là một món “đồ chơi” công nghệ cao phức tạp với hàng tỷ thành phần bán dẫn phục vụ dân chơi máy tính. Dĩ nhiên, cũng không hiếm những người chỉ đơn thuần là muốn sở hữu một card tốt nhất có thể, cắm vào máy và chạy các trò chơi họ yêu thích ở độ phân giải cao. Chính vì thế, câu hỏi về tỉ lệ chi phí bỏ ra/hiệu năng đem lại luôn tồn tại ở mọi thời điểm.

PC World Mỹ đã tiến hành thử nghiệm hàng loạt các mẫu card đồ hoạ ở mọi mức giá nhằm đem lại cho bạn đọc những hình dung thực tế nhất về giá trị mà họ sẽ có được khi bỏ ra khoản đầu tư nhất định – từ loại phổ thông 90 USD cho tới 700 USD với hai lõi xử lý đồ hoạ và tản nhiệt nước. Song song với những lời khuyên hữu ích dành cho người tiêu dùng, bài viết cũng đưa ra một số nhận xét về các giá trị “mềm” kèm theo sản phẩm như ShadowPlay của nVIDIA hay Mantle API của AMD.

Asus Radeon R9 280X Firect CU TOP II.

Khung cấu hình sử dụng cho thử nghiệm

Để các “ứng cử viên” thể hiện hết năng lực, một nền tảng phần cứng đủ mạnh để không tạo ra hiệu ứng nghẽn cổ chai là điều bắt buộc. Dưới đây là những linh kiện được chọn.

Chip xử lý: Intel Core i7-5960X cùng tản nhiệt nước Corsair Hydro H100i.
Bo mạch chủ ASUS X99 Deluxe.
Bộ nhớ trong Corsair Vengeance LPX DDR4.
Ổ cứng SSD Intel 730 480GB.
Nguồn điện: Corsair AX1200i 1200W.
Hệ điều hành: Windows 8.1 Pro.

Các card thử nghiệm bao gồm GeForce GTX 750 Ti, Radeon R9 290X với cả các phiên bản sử dụng tản nhiệt độ lại nhằm mô tả chân thực nhất mức hiệu năng. Cũng có sự hiện diện của đầy đủ card tham khảo cao cấp. Bên cạnh card nVIDIA, sự thiếu vắng của Radeon R7 260X và R9 285 bởi có quá nhiều biến thể Radeon R. Ngoài ra, AMD cũng không có nhiều sản phẩm đồ hoạ mới kể từ mùa thu 2013.

Những card màn hình tham gia thử nghiệm

Trước tiên là AMD Radeon R7 250X. Dù hiện tại, nhiều phiên bản với RAM 1GB đều có thể mua với giá khoảng 80 USD trên các cửa hàng trực tuyến, chúng ta sẽ xem xét mẫu có giá đắt hơn chút ít là ASUS R7250X-2GD5 với bộ nhớ GDDR5 2GB 128-bit, tản nhiệt kích thước lớn với hai quạt. Bản thân card màn hình của ASUS cũng thường có chất lượng sản xuất khá tốt. Với công suất 95W, card có xung nhịp lõi 1,02GHz, 640 bộ xử lý dải, sử dụng một đường điện 6 chấu và đầy đủ các cổng DVI, VGA, HDMI, Display Port.

Kế tiếp là GeForce GTX 750 Ti từ nVIDIA. Với giá nằm trong khoảng trung bình 120 USD đến 160 USD tuỳ vào tính năng tích hợp, card nguyên bản do nVIDIA đề xuất có xung nhịp lõi 1.020Mhz (chế độ tăng tốc ở 1085 MHz), 640 lõi CUDA, bộ nhớ GDDR5 2GB 128-bit. Phiên bản thử nghiệm là EVGA GeForce GTX 750 Ti Superclocked với xung nhịp cao hơn: 1176 MHz (chế độ tăng tốc ở 1255 MHz). Nó được trang bị HDMI, DisplayPort, DVI-I và đặc biệt là không cần sử dụng tới nguồn điện phụ.

Trong khi đó, AMD Radeon R9 270 nguyên bản có xung nhịp 925 MHz với 1280 bộ xử lý dải, bộ nhớ RAM GDDR5 2GB 256-bit. Mức giá trung bình trên thị trường hiện tại vào khoảng 130 USD đến 150 USD. Phiên bản cụ thể được thử nghiệm do HIS sản xuất với giá bán lẻ 150 USD. Card sử dụng mức xung nhịp gốc của AMD đề xuất, được trang bị tản nhiệt riêng của HIS IceQ X2 với hai BIOS, HDMI, DVI, hai cổng Mini-DisplayPort và các tính năng hỗ trợ ép xung. Để vận hành, nó cũng yêu cầu một đường điện PCI-Express 6 chấu.

Cao cấp hơn chút ít là AMD Radeon R9 270X với yêu cầu hai đường điện 6 chấu để vận hành. Tuy nhiên, nó vượt trội hoàn toàn về cấu hình với RAM 4GB, xung nhịp 1050 MHz và cùng 1280 bộ xử lý dải. Giá của card hiện ở mức khoảng 150 USD đến 200 USD trên các cửa hàng trực tuyến. Trong đó, phiên bản cụ thể được đo điểm là Visiontek (190 USD) với xung nhịp 1.030 Mhz (chế độ tăng tốc 1080 MHz), tản nhiệp kích thước lớn với quạt kép và ống dẫn nhiệt. Nó cũng có đủ HDMI, DisplayPort, DVI-I và DVI-D cùng chế độ bảo hành trọn đời.

Dù đã bị ngừng sản xuất để nhường chỗ cho GTX 960, GeForce GTX 760 của nVIDIA sẽ vẫn được ưu ái một vị trí trong bảng xếp hạng. Card có cấu hình gồm 1.152 lõi CUDA, xung nhịp 980 MHz (chế độ tăng tốc 1033 MHz), RAM 2GB 256-bit, hai đường điện vào 6 chấu. Phiên bản đại diện sử dụng ở đây là Zotac AMP! Edition với xung nhịp 1.111 MHz (chế độ tăng tốc 1.176 MHz), tản nhiệt quạt kép kèm ống dẫn nhiệt.

Dĩ nhiên, sự hiện diện của GTX 960 là không thể thiếu vắng với bộ xử lý Maxwell mới tiết kiệm điện hơn. Trong khi phiên bản do nVIDIA đề xuất chỉ sử dụng xung nhịp 1127 Mhz (chế độ tăng tốc 1.178 MHz) với 1.024 lõi CUDA, khả năng tiết kiệm điện khiến các nhà sản xuất như EVGA áp đặt mức cao hơn nhiều trên phiên bản Super Superclocked (1.279 Mhz/1.342 MHz) hay ASUS với Strix DirectCU II (1.253 MHz/1.317 MHz). Trong đó, phiên bản của EVGA sử dụng một chân 8 chấu còn card ASUS chỉ yêu cầu một chân 6 chấu mà thôi.

Dòng Radeon R9 280X thực chất là phiên bản nhanh và hiệu quả hơn của Radeon 7970 GHz Edition trước kia. Với 2048 bộ xử lý dải, card có bộ nhớ RAM 3GB 384-bit, xung nhịp gốc 850MHz (chế độ tăng tốc 1.000MHz) và mức giá từ 230 USD đến 250 USD. Phiên bản thử nghiệm ở đây do ASUS sản xuất với tản nhiệt DirectCU II TOP và xung nhịp 1.070 MHz. Card sử dụng một đường điện 6 chấu và một 8 chấu.

Cao cấp nhất trong nhóm Radeon là phiên bản R9 290X với 2.816 bộ xử lý dải và xung nhịp gốc 727 MHz (chế độ tăng tốc 1.000MHz). Cả phiên bản này và Radeon R9 290 đều sử dụng RAM 512-bit nhưng có thêm tuỳ chọn dung lượng 8GB (song song với 4GB như của R290). Giá của card vào khoang 300-350 USD cho bản 4GB và thêm 100 USD cho bản 8GB. Về phần mình, R9 290 có 2560 bộ xử lý dải với xung nhịp 662 MHz (chế độ tăng tốc 947 MHz). Cả hai card đều yêu cầu đường điện như 280X. Giá của R9 290 vào khoảng 240 USD đến 270 USD.

Tiếp theo là GeForce GTX 970 với 1664 lõi CUDA, RAM 4GB 256-bit, xung nhịp 1050 MHz (chế độ tăng tốc 1178 MHz) với giá từ 330 USD trở lên. Phiên bản thử nghiệm là EVGA GeForce GTX 970 FTW với tản nhiệt ACX 2.0 cùng mức xung nhịp 1165 MHz (chế độ tăng tốc 1317 MHz). Đây là đối thủ trực tiếp khiến AMD phải giảm giá R9 290 và R9 290X tới hàng trăm USD.

Phiên bản card đơn chip cao cấp nhất của nVIDIA hiện tại là GeForce GTX 980 với 2048 lõi CUDA, RAM 4GB 256-bit (giống GTX 970), xung nhịp 1126/1216 MHz và yêu cầu hai chân điện 6 chấu do có công suất 165-watt. Ngoài ra, nVIDIA cũng có sản phẩm thuộc dòng khá đặc biệt là GTX Titan X với 3072 lõi CUDA (1000/1075MHz) và 192 đơn vị đổ bóng. Đây là card đầu tiên được quảng bá có khả năng chơi game ở mức phân giải 4K.

Cuối cùng, phiên bản card với hai lõi xử lý đồ hoạ là AMD Radeon R9 295x2 với hai lõi R9 290X vận hành song song. Card yêu cầu tản nhiệt nước do có công suất lên tới 500W. Để sử dụng nó, người dùng cũng cần vỏ máy với kích thước lớn, nguồn 1200W với hai đường điện 8 chấu. Đổi lại, chúng ta có 5.632 bộ xử lý dải, RAM 8GB 512-bit, xung nhịp gốc 1.018 MHz. Phiên bản thử nghiệm là dòng Hydra của XFX cung cấp.


XFX Radeon R9 295X2 Hydra Edition.

 So sánh về hiệu năng

Dĩ nhiên, bỏ qua mọi số liệu về kĩ thuật, hiệu năng mới là giá trị thực thụ bạn mong muốn cho số tiền mình đã bỏ ra. Vậy các ứng cử viên kể trên sẽ thể hiện được tới đâu? Chúng ta hãy cùng xem.

Lưu ý: Toàn bộ card đều được để ở chế độ hiệu năng cao thay vì yên tĩnh – bao gồm cả các chế độ riêng của nhà sản xuất như BIOS SSD Performance trên EVGA GTX 960 SSE chẳng hạn.

Kết quả thu được như sau:

Bioshock Infinite
Trò chơi sử dụng cơ chế Unreal 3 thay vì Unreal 4 vừa ra mắt – vốn chưa có mặt trên các trò chơi thực thụ trên thị trường. Lưu ý: những cột điểm mang kết quả 0 đồng nghĩa với việc phép thử không được thực hiện ở độ phân giải đó.

Sleeping Dog: Definitive EditionVới tư cách là game vừa được làm lại, đồ hoạ của Sleeping Dog: Definitive Edition khá nặng – ngay cả với những dòng card mới. Thậm chí Radeon R9 295X2 cũng chỉ đạt khoảng 50,7 khung hình/giây ở 1080p nhưng mức này duy trì tới tận 2560x1600.

Metro: Last Light Redux
Trò chơi sử dụng cơ chế 4A phát triển riêng của 4A Games với chất lượng hình ảnh rất đẹp mắt – kể cả khi không sử dụng SSAA như trong phép thử ở đây.

Alien Isolation
Một tựa game lý tưởng để thử nghiệm các dòng card màn hình hiện đại – đặc biệt là các dòng cao cấp như Radeon R9 295X2 hay Titan X.

3Dmark Fire Strike
Fire Strike là phép thử truyền thống thường xuyên được dân chơi công nghệ sử dụng để đo hiệu năng đồ hoạ tổng thể của hệ thống.

Nhiệt độ và công suất điện tiêu thụ
So với các card GeForce sử dụng kiến trúc Maxwell, không thể phủ nhận Radeon R9 vận hành nóng và ồn ào hơn khá nhiều. Tuy nhiên, một số mẫu với tản nhiệt cao cấp vẫn duy trì được sự ồn ào cho nhu cầu sử dụng hàng ngày.

Mantle có thể giúp cải thiện hiệu năng dựng hình nhưng mức độ tương thích của nó là không cao.


Một số tính năng hỗ trợ đáng giá

Bên cạnh hiệu năng đơn thuần, các dòng card - dù là AMD hay nVIDIA đều có những tính năng hỗ trợ về phần mềm khá đáng giá. Dĩ nhiên, trong số này không ít đều có sự tương đồng nhưng vẫn có những khác biệt khi triển khai sử dụng thực tế. Trong đó, có hai “món chung” đáng chú ý là việc dựng hình ảnh ở độ phân giải cao rồi hạ thấp để cải thiện chất lượng (HRD - High Resolution Downsampling) và công nghệ cho phép xử lý hiện tượng xé hình thông qua việc ép đồng bộ tần số giữa card đồ hoạ và màn hình hiển thị. Với High Resolution Downsampling, nVIDIA gọi tên công nghệ của mình là Dynamic Super Resolution còn AMD lại sử dụng tên gọi Virtual Super Resolution. Tuy nhiên cả hai, đều yêu cầu màn hình tương tích để có thể sử dụng được. Về phía nVIDIA, các loại màn hình hợp chuẩn G-Sync đã bắt đầu có mặt trên thị trường nhưng yêu cầu module phần cứng bổ sung khiến mức giá đội lên. Trong khi đó, giải pháp FreeSync của AMD có thể được sử dụng ngay tức thời qua giao tiếp DisplayPort 1.2a mà không cần người dùng phải chi thêm tiền. Dù vậy, các loại màn hình nhóm này chưa hiện diện trên thị trường vào thời điểm bài viết này được thực hiện.

nVIDIA
Về mặt phần cứng, một thực trạng không thể phủ nhận là các dòng card nVIDIA hiện này đều tiết kiệm điện và mát hơn so với Radeon R9 của AMD, giúp cho việc xây dựng các hệ thống máy tính gọn nhẹ trở nên hiệu quả và dễ dàng hơn rất nhiều. Trong khi đó, về mặt công nghệ, GameStream của nVIDIA sẽ cho phép bạn chơi các tựa của máy tính cá nhân với chất lượng nguyên vẹn ngay trên máy cầm tay hoặc máy tính bảng Shield. Thậm chí, bạn có thể kết nối vào TV trong phòng khách nếu muốn. Bên cạnh đó, ShadowPlay cũng là một lợi thế đáng nhắc tới nếu bạn có nhu cầu ghi lại clip về các nội dung đang chơi mà không sợ bị ảnh hưởng tới tốc độ dựng hình. Cuối cùng, cơ chế khử răng cửa MFAA của nVIDIA sẽ cho phép cải thiện độ mịn màng của hình ảnh mà không bị giảm hiệu năng quá nhiều. MFAA tương thích với bất kì trò chơi DirectX 10 hay 11 nào có hỗ trợ MSAA thông thường. Nếu hệ thống có cài sẵn công cụ GeForce Experience, MFAA sẽ được kích hoạt mặc định khi bạn chơi các trò chơi tương thích. Đây là một lợi thế rất lớn cho các hệ thống với card đồ hoạ nVIDIA. Dĩ nhiên, độ ổn định và tính hoàn thiện của trình điều khiển và công cụ hỗ trợ từ nVIDIA so với những gì đối thủ AMD đang có cũng luôn là một điểm cộng “đáng tiền”.

AMD
Thực tế, các dòng card Radeon cũng có những lợi thế riêng. Trong đó, đáng chú ý hơn cả là Mantle, tập lệnh đồ hoạ cho phép các nhà phát triển game tận dụng hiệu quả phần cứng hơn đồng thời giảm thiểu hiện tượng nghẽn cổ chai từ chip xử lý trung tâm. Ngoài ra, nó cũng cải thiện hiệu năng cảu các hệ thống với CrossFire với ví dụ điển hình là trên Civilization: Beyond Earth của Firaxis. Tuy vậy, hiện tại chưa có nhiều trò chơi hỗ trợ Mantle và những cải thiện lớn chỉ đến khi bạn dùng các máy tính với bộ xử lý đồ hoạ cấp thấp là chính. Thêm vào đó, mới đây AMD cũng tuyên bố sẽ đưa các tính năng của Mantle vào … gói công cụ mới là Vulkan dành cho các tựa game hiện đại – điều khiến cho khả năng tương thích càng trở nên lộn xộn hơn bao giờ hết.

Rút cục, tôi nên mua card nào?

Dĩ nhiên, sau tất cả, một kết luận cần phải được đưa ra. Và ở đây, chúng ta sẽ cùng xem xét với mỗi mức đầu tư được chi ra, đâu là lựa chọn đáng giá nhất.

Tầm giá 100 USD: Với mức từ 100 USD trở xuống, rõ ràng AMD Radeon R8 250X là lựa chọn tối ưu. Dù không xuất sắc trong các thử nghiệm, card này vẫn đảm bảo cho bạn chơi các tựa game hiện đại ở mức phân giải 1080p với chi tiết thấp hoặc trung bình.

Dưới 200 USD: Radeon R9 270X là lựa chọn “miễn bàn” ở đây – đặc biệt là với những sản phẩm có giá khoảng 150 USD. Dù vẫn phải hạn chế khử răng cưa hoặc hiệu ứng đồ hoạ cao cấp ở một số tựa game nặng, nó vẫn vượt nhỉnh hơn so với một ứng cử viên khác là GTX 750 Ti – mẫu card cũng đáng để đầu tư do không sử dụng tới nguồn điện phụ. Đặc tính này cho phép nó có thể xuất hiện trong các hệ thống máy tính giá rẻ, máy tiết kiệm điện và là cải thiện hiệu năng rất lớn đối với đồ hoạ tích hợp ở mức giá tăng thêm 120 USD.

Ngưỡng 200 USD: Trong khoản giá này, không đối thủ nào có thể cạnh tranh với GTX 960 với hiệu năng tốt ở cả chế độ hình ảnh cao hoặc rất cao tại 1080p. Bên cạnh đó, sự yên tính, khả năng tiết kiệm điện là những lợi thế rất lớn. Về phía mình, Radeon R9 285 cũng có hiệu năng khá tương đồng nhưng tiêu tốn năng lượng hơn khá nhiều.

Ngưỡng 250 USD: Đây là sân chơi với lợi thế thuộc về Radeon R9 290 – đặc biệt là sau khi được giảm giá từ khoảng 400 USD xuống đáng kể trong thời gian gần đây. Trong khi đó, Radeon R9 280X cũng là một lựa chọn có tỉ lệ giá / hiệu năng khá tốt trong khoảng 200-250 USD nếu bạn cảm thấy R9 290 có phần đắt đỏ so với khả năng tài chính.

Khoảng giá 300 đến 500 USD: Ở mức giá 330 USD, Nvidia GeForce GTX 970 là một lựa chọn tốt bất chấp những tranh cãi gần đây về thiết kế bộ nhớ cũng như cấu hình có phần sai lệch ban đầu. Hiệu năng của nó vượt hơn so với card đầu bảng R9 290X của AMD tại cả mức phân giải 1920x1080 lẫn 2560x1600 đồng thời sở hữu khả năng ép xung ấn tượng. Nó cũng vượt cả về khả năng tiết kiệm điện và tối ưu hơn về nhiệt lượng sinh ra. Tuy nhiên, nếu bạn định chơi game ở nhiều màn hình hoặc trên một màn hình 4K, R9 290X sẽ đem lại lợi thế từ đặc tính bộ nhớ của nó – vốn cho phép hỗ trợ lượng điểm ảnh rất lớn.

Ngưỡng 500 USD trở lên: Một lần nữa, nVIDIA lại vượt trội với GeForce GTX 980. Ở khoảng 550 USD, đây là card đơn chip có tỉ lệ giá / hiệu năng rất tốt trong phân khúc của mình – đặc biệt là khi sở hữu khả năng tiết kiệm năng lượng tốt. Dĩ nhiên, nếu tiền không phải vấn đề, Titan X với mức giá khoảng 1000 USD sẽ đảm bảo cho bạn việc chơi game mới ở độ phân giải 4K một cách trơn tru nhất. Hiệu năng của nó cũng chỉ thua kém mẫu card với bộ xử lý kép R9 295X2 mà thôi.

Nhà vô địch hiệu năng: Dĩ nhiên, nếu chịu chi tới 700 USD cho Radeon R9 295X2 (rẻ hơn khá nhiều so với con số 1550 USD vào thời điểm ra mắt), bạn sẽ có mức hiệu năng cũng khủng không kém. Dù Titan X của nVIDIA cũng bám ở ngưỡng khá sát, mức giá của nó lại cao hơn khá nhiều nhưng bù lại, một số lợi thế công nghệ cùng kết cấu gọn nhẹ đơn chip cũng đáng để quan tâm – điều khiến cho nó là lựa chọn vô địch ở nhóm card đơn nếu tiền không phải là vấn đề với bạn. Ngoài ra, một lựa chọn khác cũng có thể được cân nhắc là việc chạy một cặp GeForce GTX 970 ở chế độ SLI – với cùng mức giá tương đương R9 295X2. Tuy nhiên thiết lập này sẽ gặp điểm yếu về sự cồng kềnh và đòi hỏi nguồn điện hỗ trợ đủ chân cắm.

Nhìn chung, cho tới khi AMD ra mắt thế hệ sản phẩm đồ hoạ hoàn toàn mới đủ để đối phó lại với Maxwell của nVIDIA, lợi thế của các card Radeon sẽ chủ yếu vẫn là mức giá và tỉ lệ hiệu quả mang lại. Thực tế, AMD cũng có lịch sử lâu dài là lựa chọn tốt cho các game thủ có phần hạn chế về tài chính. Tuy nhiên, việc giảm giá GTX 970 và GTX 980 của nVIDIA đã khiến ưu thế này trở nên mờ nhạt.

PC World VN, 04/2015

PCWorld

AMD, AMD Radeon, card đồ họa, đánh giá card đồ họa, NVIDIA, nVIDIA GeForce, thử nghiệm


© 2021 FAP
  2,749,454       11/856