Sản phẩm

Góc tối trên Internet

(PCWorldVN) Bạn có thể nghĩ ngay đến những mạng lưới ngầm trên Internet, đầy những thứ bất hợp pháp. Đúng, rất nhiều. Nhưng có lẽ bạn chưa nghe đến Darknet bao giờ.

Darknet là những hệ thống mạng lưới trang web bí mật, không thể thấy được trên Internet thông thường.

Các trang Darknet thường được host trên các mấy chủ thông thường, nhưng để truy cập được chúng thì bạn cần một phần mềm đặc biệt, thường là phần mềm mã hóa mọi lưu lượng vào ra của người dùng và cho phép họ lướt web nặc danh. Khi đã thiết lập xong xuôi đâu đó, bạn sẽ truy cập được vào một Internet song song, thứ 2. Tại đó, bạn sẽ bắt gặp vô vàn hoạt động như buôn bán thuốc, vũ khí, mại dâm… bất hợp pháp.

Darknet chính xác là nơi tụ tập những gì tồi tệ nhất trong xã hội, có thể xem là những góc tối nhất trên thế giới trực tuyến. Ở đó, có nhiều thứ luôn luôn được giấu kín.

Nhưng bản thân Darknet không phải là “con quỷ”. Vì thực chất, chúng ta đều có một cái gì đó của riêng mình, không muốn cho bất kỳ ai biết được. Vậy nếu ta sử dụng Darknet cho mục đích tốt thì thế nào?

Internet thông thường, đại chúng luôn luôn bị theo dõi, ai cũng biết như vậy. Bạn đang đọc bài viết này, ngay lúc này có lẽ đã có ai đó biết bạn đang đọc bài này rồi. Những tiết lộ động trời của Edward Snowden về các cơ quan tình báo Mỹ lén lút theo dõi người dân nước này lướt web như thế nào, từ các dịch vụ điện toán đám mây cho đến email, mạng xã hội… Thực chất, ta có thể gọi Internet bằng một cái tên khác là “Mạng gián điệp” cũng được, vì chẳng có gì khác nhau.

Và rồi vài năm vừa qua, các phong trào bảo vệ tính riêng tư, luật quy định về tính riêng tư người dùng được quan tâm nhiều hơn. Rõ ràng người dùng chúng ta vẫn muốn một không gian riêng tư trên Internet. Và rồi có vẻ Darknet là đích đến rất hợp.

Nghe đến đây, có vẻ như chúng ta tự đồng hoá mình với bọn tội phạm? Trừ khi không làm điều gì bất hợp pháp thì các tổ chức, doanh nghiệp lại muốn sử dụng Darknet để đảm bảo họ không bị theo dõi. Bạn cần một ví dụ? Tờ báo The New Yorker tuy không mấy tên tuổi, đã chạy một dịch vụ ẩn nền Tor, do hacker Aaron Swartz cùng với một nhà điều tra khác phát triển, nhằm tránh những kẻ tò mò muốn dòm ngó đến thông tin, tài liệu của tờ báo này. Tor là một trong những phần mềm mã hóa mà bạn cần đến đầu tiên để tiếp cận với Darknet.

Một số nhân vật khác trên khắp thế giới cũng sử dụng dịch vụ Darknet để tránh dòm ngó. DuckDuckGo là engine tìm kiếm chú trọng đến tính riêng tư, cũng chạy dịch vụ ẩn danh Tor để người dùng có thể tìm kiếm trên web mà không bị theo dõi. Thậm chí chính DuckDuckGo cũng không biết ai đang gõ tìm kiếm. Một điều trớ trêu khác là quân đội Mỹ cũng có nhu cầu tìm kiếm trên Internet mỗi ngày, và họ cũng muốn bí mật tìm kiếm: Phòng nghiên cứu Hải quân Mỹ đã tài trợ cho dự án Tor.

Hacker Aaron Swartz.

Ngoài ra, cũng có những “hệ” Internet khác đang nổi lên, hoạt động khác với mạng lưới Internet nặc danh Darknet.

Nhà lập trình Caleb James DeLisle đưa ra hệ thống mạng mã hóa tên là Hyperboria, là một hệ thống mạng mã hóa giúp mọi người kết nối với nhau theo kiểu mạng ngang hàng. Không ai có thể can thiệp vào kết nối ấy. DeLisle cho rằng ông cũng đã làm việc với một số nhà toán học để tăng cường mã hóa cho Hyperboria.

Nhưng đây mới là vấn đề: bạn chỉ có thể vào mạng Hyperboria chỉ bằng cách nhờ một người dùng khác hiện đang ở trong mạng này kết nối bạn vào, có nghĩa là Hyperboria phát triển chậm. Cách sử dụng như vậy cũng tạo ra cảm giác Hyperboria chỉ có những nhóm quen biết nhau, tin cậy nhau mà thôi. Do đó, DeLisle không xem nó như là một phiên bản khác của Darknet bởi vì ông thiết kế nó nhằm tạo ra cộng đồng.

Có thể Hyperboria hoạt động được. Nó cũng có những thứ tương tự như internet thông thường. Nó có một dịch vụ giống với Twitter tên là Social-node, một dịch vụ chia sẻ và bầu chọn dựa trên Reddit tên là Uppit, vài nơi để chia sẻ file, viết blog và có các kênh chat IRC. Các thảo luận trên đó thường thân thiện.

Nhưng những hệ thống mạng như Hyperboria chưa phải là câu trả lời hoàn chỉnh cho các vấn đề về tính riêng tư của chúng ta. Nếu chúng phát triển mạnh và khiến nhiều người đổ xô vào như Facebook hiện nay thì các cơ quan tình báo hay công ty tiếp thị cũng kiếm cách vào theo. Nói chung, chỉ có luật lệ cụ thể mới có thể xử lý triệt để được vấn đề xâm phạm tính riêng tư người dùng. Và cho dù Hyperboria có nhanh và tốt đến đâu đi nữa thì đa số người dùng vẫn sử dụng Internet thông thường cho công việc và giải trí hằng ngày.

Nhưng nếu đến một thời điểm nào đó trong tương lai, nhiều người bắt đầu quay sang dùng các mạng Darknet thì sao? Có một Internet khác chạy song song, hoặc chạy tốt hơn, hoặc nhiều Internet khác song song sẽ cực kỳ hữu ích. Bạn có thể chạy Facebook trên Clearnet chẳng hạn, nhưng dùng Hyperboria hoặc một dịch vụ Tor nào đó cho mạng xã hội, cho đọc tin tức hay viết blog… mà không muốn ai đó theo dõi.

PCWorld

công nghệ, Darknet, đời sống, Internet


© 2021 FAP
  2,747,915       1/1,024