Sản phẩm

Thịnh suy của "Con đường tơ lụa" - Cơn đau cần thuốc (kỳ 1)

(PCWorldVN) Câu truyện chưa kể của Ross Ulbricht, một người theo chủ nghĩa lý tưởng có tầm nhìn và cẩn trọng, kẻ đã tạo nên một ngôi chợ trực tuyến bán thuốc lớn nhất và biến nó thành nơi đen tối nhất hành tinh.

I - Cơn đau cần thuốc

Người đưa thư chỉ bấm chuông đúng 1 lần. Curtis Green ở nhà, đón bữa sáng bằng 2 lít Coca-Cola và vài cái bánh ngọt nhỏ. Mấy đầu ngón tay còn dính đường ngọt, ông nghe giọng ai đó ngoài cửa. Lúc ấy là 11 giờ sáng. Những chuyến thăm bất ngờ không phải là điều gì đó bất thường đối với ngôi nhà khiêm tốn ở Spanish Fork, Utah, Mỹ, thuộc một cái ấp vùng cao, dưới bóng của dãy núi Washtch. Green từ từ đi ra cửa, chỉnh sửa lại quần áo một chút. Ở cái tuổi 47 này, chính cái cơ thể của ông là điều thất bại trong cuộc sống: béo phì, có 4 cái đĩa đệm chống thoái vị, một cái đầu gối đau nhức và vài cái răng giả sáng bóng. Để đi lại lòng vòng, đôi khi ông phải mượn cây gậy màu hồng của vợ. Green tập tễnh ra cửa, hai con chihuahua tên là Max và Sammy đi theo.

Ông nghiêng đầu qua cửa sổ trước và thấy người đưa thư bên ngoài. Gã ấy mặc chiếc áo khoác có in dòng chữ dịch vụ bưu chính Mỹ (US Postal Service), nhưng lại đi giày thể thao và quần jean. Green nghĩ lạ thật. Green cũng chú ý một điểm lạ khác là có một chiếc xe tải phía bên kia đường, là xe mà ông chưa từng thấy trước nay: xe màu trắng, không hề có logo hay cửa sổ hai bên.

Green mở cửa. Lúc ấy là mùa đông, mây giăng suốt ngày và trời ảm đạm. Có một tia nắng nhợt nhạt đổ xuống đỉnh đồi Spanish Fork nhô lên từ thung lũng. Green nhìn xuống. Ở ngay hành lang trước nhà là chiếc hộp Priority, kích cỡ bằng cuốn sách dày. Hai con chó nhỏ nhìn ông nhặt chiếc hộp bí ẩn ấy lên. Nặng, không có địa chỉ gửi và có dấu bưu chính là từ Maryland.

Green nghĩ ngợi một lúc rồi mang gói hàng vào nhà bếp để kiếm kéo mở. Chiếc hộp ấy vỡ ra toàn bột trắng bết đầy mặt ông, khiến ông ngỡ ngàng. Ngay sau đó, cửa trước bị tông mở, một đội SWAT ùa vào nhà. Lúc ấy trong nhà toàn cảnh sát với vũ khí trên tay, đeo mặt nạ đen. Chính là Green, mặt dính đầy thuốc phiện và có hai con chihuahua ở hai bên. “Nằm xuống sàn”, ai đó hét lên. Green thả cái gói xuống ngay chỗ ông đứng. Khi ông cố xoa dịu 2 con chó thì hàng tá mũi súng chĩa vào ông: “Giơ tay ra!”

Đám cảnh sát còng tay Green khi ông bỏ tay ra khỏi con chó lớn tên Max, nó gầm gừ cái nanh tí xíu ra và cắn vào dây giày của cảnh sát. Bị đè chặt trên sàn, Green nhìn thấy cả chục đôi giày: đây là một đội đặc nhiệm lớn, SWAT hoặc DEA, lục soát khắp nhà. Ông có thể nghe mấy tiếng va đập, tiếng cảnh sát hét và cả tiếng thì thầm. Ông nhìn về phía cánh cửa bị tông vỡ và nghĩ Các ông à, cửa không khoá. Trong phòng khách treo các tấm ảnh gia đình, vợ ông Tonya, 2 cô con gái và một đứa cháu trai, họ đều mỉm cười rạng rỡ phía trên, còn ông đang nằm trên đống thuốc phiện hàng tốt trị giá đến 27.000 USD. (Trên gói hàng có đóng tem hình một con rồng đỏ, biểu tượng cho “hàng trắng” Peru chất lượng cao.)

Sự thực là trong vài tháng vừa qua, Green điều hành một dịch vụ khách hàng cho một doanh nghiệp trực tuyến khổng lồ tên là Silk Road (Con đường tơ lụa). Nó giống hệt một eBay, là khu chợ số để buôn bán các mặt hàng cấm, phần lớn là thuốc phiện. Green phải chịu đựng mấy cơn đau trong có thể mình nên đã tìm hiểu và đánh cuộc cuộc sống mình để có được cái trạng thái lâng lâng, dễ chịu của thuốc phiện. Ông đã dùng thuốc nhiều năm liền và đã đổ rất nhiều tiền vào trang web này. Silk Road không nằm ngoài Internet, Google hay các engine tìm kiếm trên Internet không thể tìm thấy mà ẩn trong một nền web khác, có thể tạm gọi là web đen. Để truy cập được vào Silk Road, bạn cần một phần mềm mã hoá đặc biệt. Kết hợp với một giao diện ẩn danh và phương pháp thanh toán không thể theo dấu được như dạng tiền tệ số bitcoin, trang web này có đến hàng ngàn kẻ bán thuốc lậu và gần 1 triệu khách hàng trên toàn cầu tìm đến: một kiểu thương mại điện tử ngầm. Tóm lại, từ năm 2011 đến 2013, Silk Road kinh doanh cực kỳ phát đạt. Chỉ trong thời gian ngắn như vậy, Silk Road có doanh thu đến hơn 1 tỉ USD.

Đó là lý do tại sao Green bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ bủa vây. Ông từng được Dread Pirate Roberts thuê. Đó là nhân vật bí ẩn, đầu não của Silk Road. Ông thường gọi ông ta tắt là DPR, là người sở hữu Silk Road, là nhà lãnh đạo có tầm nhìn khi thấy được cộng đồng mua bán này sẽ phát triển mạnh. Thị trường thuốc lậu của DPR dường như không hề có biên giới và là một thách thức thực sự đối với các cơ quan thi hành pháp luật, vì không ai biết bất kỳ điều gì về DPR, thậm chí là nam hay nữ, là cá nhân hay tổ chức. Trong suốt hơn 1 năm, từ DEA, FBI cho đến Homeland Security, IRS, Secret Service và Postal Inspection tại Mỹ đều cố gắng thâm nhập vào tổ chức bí mật này. Chuyến đột nhập vào nhà Green ở vùng Utah lạnh giá, hoang vu này là thành công đầu tiên, đáng chú ý nhất của họ.

Chính phủ Mỹ bắt được Green. Họ đặt nhiều câu hỏi cho ông, khởi đầu là tại sao ông có 23.000 USD tiền mặt trong cái gói hàng ấy; và ai là kẻ trong đoạn chat mã hoá trên máy tính của ông. Green nói rằng có thể đó là tiền hồi thuế. Ông cũng yêu cầu thuốc thang cho căn bệnh hiện thời. Nhưng họ áp giải ông ra cửa, vào trong một chiếc xe, thông báo cho ông biết rằng ông bị ghép vào tội tàng trữ 1.092 gram thuốc phiện với mục đích phân phối.

Green nài nỉ: “Đừng cho tôi vào tù. Ông ta biết mọi thứ về tôi.”

Sau này, khi tra khảo, Green nói với các nhân viên đã ghép tội ông và lôi tên ông ra công chúng là nếu như vậy, ông rất có thể bị giết chết. Ông nói, Dread Pirate Roberts rất nguy hiểm: “Gã ấy rất giàu. Hắn có thể giết tôi.”

Còn tiếp

PCWorld

con đường tơ lụa, heroin, Internet ngầm, kinh doanh, Silk Road, thuốc phiện


© 2021 FAP
  2,742,769       3/1,051