Sản phẩm

Windows 8: Bài học kinh nghiệm cho Windows 10

(PCWorldVN) Windows 8 được cho là nền tảng để phát triển Windows 10. Chúng ta hãy cùng xét đến những điều mà Windows 8 có thể đã đi đúng hướng hay vẫn chưa đạt yêu cầu.

Windows 10 sẽ sớm được phát hành và theo nhiều nguồn tin thì phiên bản này sẽ ra mắt vào cuối tháng 7/2015. Nếu Windows 10 được phát hành nhằm để sửa một số lỗi bị phàn nàn về Windows 8, thì phiên bản này sẽ gợi nhớ lại những khuyết điểm của phiên bản trước nó. Nhưng dù vậy, hệ điều hành Windows được cho không phải hoàn toàn là một thất bại về mọi mặt và thậm chí nó còn tạo nền tảng cho nhiều tính năng và ý tưởng cho Windows 10 và thậm chí cho các phiên bản khác sau này.

1. Nội dung là trọng tâm, bề ngoài chỉ là phụ

Một trong những điều tốt nhất về các ứng dụng của Windows 8 Store (hay còn được gọi là ứng dụng Metro hoặc ứng dụng Modern) là ở chỗ các ứng dụng này đặt nội dung lên vị trí hàng đầu còn mọi thứ khác đều không quan trọng. Điều này rất tương phản với các phần mềm máy tính để bàn thông thường, nhất là các phần mềm của Microsoft, trong đó giao diện người dùng chiếm phần lớn không gian màn hình của bạn. Giao diện Ribbon được giới thiệu trong Microsoft Office 2007 từng gây nhiều tranh cãi dù đã cố gắng sắp xếp, nhưng tình trạng này vẫn còn hiện diện và chiếm nhiều không gian chiều dọc quý báu của màn hình máy tính.

Các trình đơn trong ứng dụng Windows Store giờ đây chỉ hiển thị khi cần thiết.
Với các ứng dụng Windows Store, giao diện người dùng hoàn toàn bị đưa ra khỏi tầm mắt theo mặc định. Chúng vẫn còn đó, dù ít hơn nhiều và được ẩn giấu, chỉ hiện ra khi được quét từ cạnh đỉnh hay đáy của máy tính bảng hay khi nhấp chuột phải đối với những thiết bị có dùng chuột.

Người dùng thiết bị di động, nhất là người dùng Android, hiện nay đã có thể quen thuộc với tập quán đang được gọi là chế độ nhúng chìm “Immersive Mode”. Chế độ này được áp dụng đặc biệt cho các ứng dụng như trình phát video, trình đọc sách và game nhưng Microsoft dùng chế độ này theo mặc định cho mọi thứ.

Tiếc là cách thực thi chưa được chín chắn và đối với nhiều người thì việc chuyển dùng từ những trình đơn hiển thị rõ ràng sang những trình đơn bị ẩn giấu khá khó chịu. Thành ngữ “xa mặt cách lòng” có thể áp dụng trong trường hợp này và thậm chí nhiều người dùng còn cho rằng các trình đơn này không có trong các ứng dụng đó. Quét từ cạnh thiết bị cũng chưa hẳn là một hành vi tập luyện được để trở thành hành vi bẩm sinh và nhiều người phải mất một thời gian dài mới có thể quen với hành vi này. Vài ứng dụng phải quét từ cạnh trên, vài ứng dụng phải quét từ cạnh dưới trong khi các ứng dụng khác dùng cả hai cách quét. Dường như không có nguyên tắc chủ đạo nào để hướng dẫn người dùng phải quét từ cạnh nào. Ngoài ra còn có trình đơn Charms phổ dụng, vốn sẽ sớm bị loại bỏ, với những nút điều khiển được ẩn giấu làm bối rối ngay cả những người dùng Windows có kinh nghiệm dày dạn.

2. Tập trung vào cách trình bày, thiết kế

Với nội dung đặt ở vị trí hàng đầu và trung tâm, Microsoft thật sự đã không còn chọn lựa nào ngoài việc phải cố gắng làm mọi thứ có thể trình bày thấy được. Các ứng dụng máy tính để bàn thông thường trước đây và bây giờ vẫn được thiết kế để dùng chứ không vì thẩm mỹ, được xếp đặt lộn xộn. Microsoft bắt đầu hành trình thiết kế với Windows Phone 7, giới thiệu ngôn ngữ thiết kế Metro và sau này đổi thành thiết kế Modern, một thứ ngôn ngữ thiết kế sử dụng văn bản một cách khôn ngoan và ít bị lộn xộn về mặt thị giác. Thẩm mỹ thị giác có trong Windows 8 đã củng cố phong trào sử dụng các yếu tố đơn giản ổn định đang phát triển trong mọi lĩnh vực của thế giới mạng. Khuynh hướng này cũng có trong Android và sau này trong iOS, một nền tảng mà đã có một thời tiêu biểu cho khuynh hướng thiết kế thực tế (skeumorphism).

Từ Windows 8 trở đi, Microsoft tập trung vào cách trình bày và thiết kế nhiều hơn.
Đơn giản và tối thiểu có nghĩa là người dùng không phải chú ý quá nhiều cho các nút và các phím điều khiển. Giao diện phải được trình bày một cách đơn giản để giúp người dùng thực hiện những gì họ muốn rồi biến mất. Nhưng điều này không có nghĩa là giao diện trông nhàm chán hay không sinh động. Nếu kết hợp được font chữ, biểu tượng và hình ảnh động một cách thích hợp, giao diện người dùng có thể được làm sinh động thành công.

Trong số 3 nền tảng chính, Windows và Windows Phone có lẽ có giao diện đơn giản nhất và cho thấy có vài mặt hạn chế về tính khả dụng của khuynh hướng đơn giản mà ngay cả iOS và Android đều gặp phải. Có rất ít hiện tượng các biểu tượng và các hộp thoại bật lên bị thấy chồng lên biểu tượng hay hộp thoại khác. Phần văn bản có thể là một nhãn thông tin hay tương đương với một nút và đôi khi không thể phân biệt được. Trái lại, có những ứng dụng dùng biểu tượng mà không có nhãn văn bản, khiến người dùng phải đoán biểu tượng này dùng để thực hiện tác vụ gì hay phải tự dùng thử để rồi quá trễ khi nhận ra là biểu tượng này không phải để thực hiện việc họ muốn. Công bằng mà nói, các ứng dụng của Microsoft đã kết hợp để phần văn bản dưới biểu tượng, nhưng thực hiện chưa được nhất quán cho lắm.

3. Kết hợp thiết bị cảm ứng với thiết bị để bàn

Microsoft đã táo bạo mở đường trong lĩnh vực này có lẽ là vì lý do kinh doanh hơn là để cải tiến. Microsoft hiện giờ hầu như vẫn là một nhà sản xuất phần mềm máy tính để bàn nhưng rõ ràng họ không thể nào làm ngơ với trào lưu di động. Tuy nhiên, hãng không thể đơn giản từ bỏ lĩnh vực vốn là nguồn thu nhập chủ yếu của họ. Cho nên Microsoft đã cố tìm ra một con đường trung gian, ở một mức độ nào đó. Việc này đã sinh ra tính hai mặt của Windows 8 được cài đặt trong các thiết bị Surface Pro, và thành thật mà nói khuynh hướng này không đến nỗi tệ lắm, ít ra là trên giấy tờ.

Hệ điều hành Windows giờ đây hỗ trợ cho cả máy tính để bàn lẫn thiết bị cảm ứng.
Những người ủng hộ di động có thể chỉ trích Windows 8 vì vẫn còn bám vào cách thức máy tính để bàn cũ kỹ ngay trên một máy tính bảng. Theo dòng suy nghĩ của Apple, thiết bị di động chủ yếu là thiết bị tiêu dùng nội dung. Nhưng hãy nhìn vào các ứng dụng phổ biến nhất hiện nay và bạn sẽ thấy nhiều ứng dụng thật sự là để sáng tạo nội dung, từ biên tập hình ảnh đến sáng tác âm nhạc, chỉnh sửa video, hay vẽ tranh. Người ta đang bắt đầu thực hiện các hoạt động họ thường làm trên máy tính truyền thống, chỉ với các giao diện khác và với nguồn tài nguyên hạn chế hơn. Nếu bạn có một thiết bị có khả năng dùng như một máy tính thông thường và như một thiết bị di động, thì bạn có còn chỉ trích hay không?

Tuy nhiên, giấc mơ đó đã sụp đổ khi phải đối mặt với Windows RT. Đây là một phiên bản hệ điều hành Windows được thiết kế để dùng hoàn toàn cho điện thoại di động, cho cảm ứng và cho tiêu thụ nội dung. Về lý thuyết lẫn trong thực tế, sự khan hiếm các ứng dụng và những rắc rối sau đó thực tế đã "ký án tử hình" cho Windows RT. Nó cho thấy rằng lý do tại sao một hệ điều hành trông giống như Windows 8 nhưng lại không thể chạy các ứng dụng máy tính để bàn thông thường giống như Windows 8.

Thực tế là đa số những người dùng Windows vẫn không thể dùng Windows RT trên máy tính để bàn. Các ứng dụng Windows Store dành cho máy tính bảng cảm ứng chẳng có ý nghĩa gì trong thế giới bàn phím và chuột của những người dùng máy tính truyền thống. Và kết quả là Windows 10 hứa hẹn sẽ giải quyết các mối lo âu này, nhưng đây chưa phải là một giải pháp nhanh chóng. Có lẽ phiên bản này cũng sẽ tái phạm một trong những lỗi trên.

4. Cửa hàng ứng dụng Windows Store

Windows trước giờ mang tiếng là dễ bị nhiễm phần mềm độc hại mọi lúc mọi nơi. Chỉ cần một lần tải nhầm là máy tính của bạn có thể bị lây nhiễm. Các nền tảng di động đã thiết lập một tuyến phòng thủ đầu tiên bằng cách thành lập kho ứng dụng cho các phần mềm phần nào đã được phê chuẩn. Dù Windows 8 vẫn còn hỗ trợ cách thức cài đặt phần mềm cũ kỹ, dùng tốt cho nhiều người, phiên bản này cũng giới thiệu thêm khái niệm chọn có giám sát các ứng dụng được cho là an toàn, dù không phải lúc nào cũng đáng chọn.

Cửa hàng Windows Store cung cấp các ứng dụng an toàn.
Đối với những người không biết nơi nào là tốt nhất để chọn phần mềm thì Windows Store là nơi họ nên ghé vào trước tiên. Cửa hàng này không chỉ có các ứng dụng “Modern UI” mà còn có các ứng dụng cho máy tính để bàn thông thường, có đường dẫn đến trang web thích hợp để tránh bị mưu đồ đánh cắp thông tin cá nhân dẫn đến trang web giả. Điều này thực sự đặc biệt quan trọng. Các nhà phát triển và các nhà phát hành có thể hơi bị khó khăn để tên và ứng dụng của họ được đưa vào cửa hàng ứng dụng này, nhưng ít ra cũng đem lại an toàn nhiều hơn cho người dùng và đây cũng là mối quan tâm của họ.

Dĩ nhiên là không có người dùng nào ghé qua từ việc đi thẳng vào trang web hay các nguồn của công ty thứ ba để tải ứng dụng. Và không có gì là sai quấy với việc này, nếu họ biết họ đang làm việc gì và đã chuẩn bị cho hậu quả. Đối với những nhười không biết hay muốn thấy trong cửa hàng có gì, thì Windows Store, giống như các cửa hàng hay kho ứng dụng khác, là một ý tưởng hay.

Tuy nhiên, một cửa hàng ứng dụng chỉ tốt khi có các ứng dụng chứa trong đó. Và đây là điểm mà lời hứa của Windows 8 và Windows RT rốt cuộc không thực hiện được. Không có các ứng dụng nổi tiếng, chất lượng cao đủ để bắt đầu. Windows Phone cũng bị cùng tình trạng này. Phải mất nhiều năm để vài trong số các ứng dụng di động được ưa thích nhất mới có một phiên bản Modern UI cài sẵn, và đôi khi cũng mất chừng ấy thời gian mới được cập nhật. Không có ứng dụng di động và cũng không có ứng dụng cho máy tính để bàn. Đó là lý do mà Windows RT phải chịu số phận thất bại.

5. Surface Pro và Surface 3

Khó mà điểm lại lịch sử của Windows 8 mà không nói đến dòng sản phẩm lai máy tính bảng Surface. Các sản phẩm này, ở một mức độ nào đó, là những thiết bị tham khảo cho Windows 8 của Microsoft, giống như Google đã dùng Nexus để khoe hệ điều hành Android khi công ty này hình dung nền tảng đó. Ngoài những quảng cáo tiếp thị khoe khoang, dòng thiết bị Surface, đặc biệt là Surface Pro, thật sự biểu hiện tiềm năng của hệ điều hành.

Mẫu Surface 3 mang đến trải nghiệm di động cho người dùng Windows.
Đó là một loại thiết bị kết hợp được khả năng tiêu thụ nội dung của máy tính bảng với khả năng phục vụ công việc nghiêm túc của laptop. Nó có giao diện Modern của Windows 8 cùng với thiết lập máy tính để bàn truyền thống. Dĩ nhiên, nó cũng có chung tất cả các mặt hạn chế của hệ điều hành nói trên. Nhưng về phần cứng, dòng Surface được nhiều người ủng hộ. Khác với Asus Transformer hay Lenovo Yoga, thiết bị Surface không trông giống như "một nửa bị vỡ của laptop" và bản thân nó là một máy tính bảng. Bàn phím nhẹ cân được dùng làm thiết bị nhập liệu và đồng thời làm nắp đậy mà không làm tăng trọng lượng nhiều. Và khác với máy tính bảng di động thật sự, nó có một cổng USB đủ chức năng. Bút Surface Pen, trước đây là Wacom nhưng nay là N-Trig, cũng là một điểm đặc sắc của thiết bị.

Microsoft dứt khoát là không đi đúng đường lần đầu tiên, dù dòng Surface Pro đầu tiên đã cho thấy hứa hẹn và một tầm nhìn rõ ràng. Tuy nhiên, thể hiện tầm nhìn đã phải thực hiện 3 bước mới hoàn thiện được. Dòng Surface Pro 3 đã được người dùng công nhận là dòng tốt nhất, và dòng Surface 3 mới ra cũng hưởng được thành công đó, thu hút lượng lớn người hâm mộ và mang đến một trải nghiệm di động nhiều hơn. Tin đồn về dòng Surface Pro 4 có vẻ cho thấy Microsoft sau cùng đã tìm thấy một cách để chiến thắng và hiện giờ đang trau chuốt phương pháp này.

Dĩ nhiên, chúng ta không thể không nói đến các dòng Surface và Surface 2, đó là những dòng mang Windows RT "yểu mệnh". Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy bóng ma của chúng trong tương lai rất gần, dù bạn có thích hay không.

PCWorld

Microsoft, Surface 3, Surface Pro 3, Windows 10, Windows 8, Windows RT


© 2021 FAP
  2,742,556       4/1,050