Sản phẩm

Lợi hại của phần mềm cài sẵn

(PCWorldVN) Khi mua một chiếc laptop mới, chúng ta thường nghĩ rằng tình trạng máy lúc mới 'khui thùng" là hoàn hảo nhất. Nhưng sự thật lại không phải như vậy.

Ngoài cấu hình phần cứng, có thể bạn sẽ gặp hệ điều hành cài sẵn là "Free DOS", nghĩa là máy chưa có cài bất kỳ hệ điều hành hay phần mềm nào, cũng là cách mà doanh nghiệp giảm giá bán. Nhưng với nhiều máy tính để bàn cũng như xách tay chính hãng, như Dell, Lenovo, HP... nhiều model có kèm sẵn hệ điều hành bản quyền. Vấn đề ở đây là ngoài hệ điều hành cài sẵn còn có rất nhiều ứng dụng được cài sẵn (bloatware). Chúng có thể có ích, có thể thừa, nhưng chắc chắn chúng chiếm dụng bộ nhớ, chiếm dụng ổ cứng lưu trữ và ít nhiều ảnh hưởng đến tốc độ chung của hệ thống. Nhưng tác động của phần mềm bloatware là như thế nào? Có bao nhiêu bloatware cài đặt sẵn? Bloatware nào có lợi, có hại?…

Trước khi tìm hiểu những vấn đề trên, đầu tiên ta hãy đứng ở góc nhìn nhà sản xuất để xem tại sao họ lại phải cài sẵn bloatware lên máy bán ra, loại phần mềm nào mà họ cài và chúng ta có thể làm gì với những phần mềm ấy.

Tại sao phải cài bloatware?

Các nhà sản xuất dĩ nhiên sẽ nói cho bạn rằng họ cài sẵn những gì tinh tuý nhất của họ lên máy, như là giá trị cộng thêm, để người dùng có thêm nhiều chọn lựa hơn. Rất dễ hình dung một viễn cảnh hấp dẫn, đẹp đẽ. Nhưng thực tế thì hầu như không như vậy. Nhiều phần mềm cài sẵn đóng vai trò như là một phần thoả thuận thương mại giữa nhà phát triển phần mềm và nhà sản xuất máy tính. Có thể là nhà sản xuất phần cứng sẽ được nhận chi phí nào đó để cài sẵn phần mềm lên, hoặc có thể là thoả thuận chia sẻ doanh thu: ví dụ nếu người dùng đăng ký tài khoản trên một phần mềm bảo mật nào đó thì nhà sản xuất máy tính nhận được một khoản hoa hồng. Tóm lại, đó là cách mà nhà sản xuất máy tính kiếm thêm tiền.

Superfish thêm nội dung quảng cáo vào trong công cụ tìm kiếm.

Trong khi bloatware phần nhiều bị cho là phần mềm gây khó chịu với người dùng thì những bàn cãi xoay quanh vụ Lenovo Superfish cho thấy phần mềm cài sẵn cũng có thể tạo ra lỗ hổng bảo mật. Superfish là một loại phần mềm "bơm" quảng cáo vào các công cụ tìm kiếm web và các trang khác. Cũng với mục tiêu quảng cáo, Superfish cũng đã chỉnh cho các kết nối web SSL không còn tính bảo mật cao như nguyên gốc vì thêm vào hệ thống một thành phần thăm dò. Cuối cùng, Lenovo ngoài việc buộc phải xin lỗi người dùng mà còn cung cấp cho người dùng một công cụ để gỡ bỏ Superfish, và nhiều phần mềm bảo mật cũng nhận diện và loại bỏ Superfish.

Bạn dễ dàng gỡ bloatware trong giao diện Start bằng cách nhấn chuột phải và chọn Uninstall.

Cho dù bloatware có nguy hiểm hay không thì chắc chắn một điều là chúng gây phiền nhiễu và chiếm dụng tài nguyên hệ thống. Đề xuất: một PC mới không cần những phần mềm không có ích. Nhưng bạn cần biết phần mềm nào gỡ bỏ an toàn và phần mềm nào đừng nên đụng đến. Ta cùng phân loại bloatware để bạn biết nên "đối xử" với chúng như thế nào.

Phần mềm bảo mật

Đây là loại bloatware "khó xử" nhất, vì các nhà sản xuất laptop có thể kiếm bộn tiền nếu bạn nâng cấp từ bản dùng thử (trial) lên đăng ký tính phí. Đó là cách "đường vòng" mà nhà sản xuất luôn nói rằng tiền của bạn bỏ ra mang lại cho bạn sự bảo vệ tốt nhất.

Nhưng thẳng thắn mà nói thì phần lớn thời gian dùng thử của phần mềm bảo mật miễn phí không đáng dùng. Chưa kể khả năng bảo vệ kém, chúng còn rất phiền hà.

Ngay vừa bật máy lên, chúng đòi bạn kích hoạt tài khoản. Lúc ấy, có lẽ bạn sẽ cảm thấy máy tính của mình an toàn vì sự hiện diện của chúng. Nhưng vài phần mềm liên tục xuất hiện mỗi khi bạn gắn một thiết bị lưu trữ USB vào (cho đến khi bạn phải tắt cửa sổ ấy đi), và trong trường hợp tồi tệ hơn, bạn sẽ liên tục nhận được cảnh báo bất kỳ khi nào nó nhận diện một thiết bị mới kết nối vào mạng nội bộ.

Chính những phần mềm bảo mật ấy đôi lúc cũng gây hại cho phần mềm khác. Có vài trường hợp bloatware này không cho cài đặt các phần mềm đo điểm (benchmark) và game trên Steam mà không hề thông báo lý do, khiến bạn phải mất thời gian mò mẫm tìm cách khắc phục.

Trừ khi bạn đã kích hoạt tài khoản đăng ký bộ phần mềm bảo mật nào đó cài sẵn trên máy tính, còn không, hãy ưu tiên thẳng tay gỡ bỏ nó. Sau đó, bạn nên tải về một công cụ bảo mật thay thế khác.

Nhưng lưu ý rằng bạn không nên để hai chương trình bảo mật chạy đồng thời. Bỏ tiền ra mua bản quyền một phần mềm bảo mật nào đó là cách bảo vệ máy tính tốt nhất chống lại virus máy tính. Hiện thời, Norton Internet SecurityKaspersky Internet Security được cộng đồng đánh giá cao nhưng bạn phải đăng ký trả phí. Còn nếu muốn miễn phí, bạn dùng thử Avast Free Antivirus 2015 cũng rất tốt.

Nhiều bloatware nhảy xổ ra rất khó chịu khi bạn đang làm việc.
Khi đã tải về được bộ phần mềm phòng chống virus thay thế, bạn có thể an toàn gỡ bỏ bloatware. Cách gỡ bỏ tốt nhất là qua chương trình Programs and Features trong Windows 8/8.1, hoặc Add/Remove Programs trong Windows 7. Có thể bạn cũng cần gỡ bỏ vài thành phần kèm theo khác thì mới gỡ hết được bloatware bảo mật. Một khi đã gỡ bỏ hết thì bạn mới nên cài phần mềm mới vào.

Ứng dụng Modern UI

Nếu thường dùng giao diện Modern UI Start của Windows 8.1 thì bạn sẽ thấy ngay được có vài ứng dụng cài sẵn ở đây. Thông thường, những ứng dụng kiểu này không mấy phiền phức: chúng không chạy tự động hay ảnh hưởng gì đến ứng dụng khác, nhưng chúng lại chiếm dung lượng lưu trữ.

Những ứng dụng này cũng không có trong danh sách Add/Remove Programs nên bạn không thể vào đây để gỡ bỏ chúng được. Đơn giản, bạn chỉ việc nhấn chuột phải vào chúng và chọn Uninstall. Chúng sẽ biến mất gọn gàng. 

Các dịch vụ và tiện ích của hãng

Các nhà sản xuất PC thường cài sẵn hàng chục tiện ích cộng thêm lên máy. Một số giúp bạn dùng máy tính dễ hơn, nhưng số khác lại hướng bạn đến đăng ký dịch vụ tính tiền, như lưu trữ đám mây. Một số dịch vụ khác lại có vẻ hơi lọc lõi, như các thanh toolbar cho trình duyệt làm thay đổi engine tìm kiếm mặc định và trang chủ (các nhà sản xuất máy tính được trả tiền để làm điều này).

Khó khăn ở đây là giữa đám phần mềm khó chịu ấy, vẫn có những ứng dụng rất hữu ích mà bạn không nên gỡ bỏ. Vẫn theo lối cũ, cách tốt nhất là bạn vào Programs and Features trong Windows 8 hoặc Add/Remove Programs trong Windows 7 để "xử lý" chúng. Sắp xếp danh sách ứng dụng theo nhà sản xuất để bạn có thể nhận diện rõ ràng đâu là ứng dụng của nhà lắp ráp máy tính mà bạn mua. Bạn có thể an tâm gỡ bỏ mọi thứ nếu muốn trong danh sách này, trừ những Driver ở mục tiếp theo.

Tuy vậy, có vài bloatware rất hữu ích như công cụ sao lưu và phục hồi dữ liệu.

Driver - trình điều khiển

Phần mềm trình điều khiển mà chúng ta quen gọi là driver cực kỳ hữu ích và giúp cho máy tính hoạt động chính xác, nên bạn đừng gỡ bỏ driver nào ra cả. Những driver phổ biến nhất thường từ những thương hiệu như Realtek, AMD, NVIDIA, Intel, Qualcomm và Broadcom, nhưng cũng còn tuỳ vào từng dòng máy của bạn.

Cũng vậy, bạn cẩn thận với những driver cho từng thiết bị riêng biệt, như driver cho bàn phím laptop, để đảm bảo những cụm phím tắt hoạt động được, như phím tăng/giảm âm lượng laptop, nút chỉnh độ sáng màn hình, đóng/mở khay đĩa quang…

Cuối cùng, hãy chú ý đến phần mềm cập nhật driver. Chương trình này sẽ tự động tải về những driver phiên bản mới nhất và tự động cập nhật hệ thống cho bạn.

Link và shortcut

Với một máy mới, bạn sẽ gặp ngay rất nhiều bookmark khác nhau, các biểu tượng shortcut trên desktop và bộ cài đặt phần mềm dùng thử. Nhìn chung, đống link và shortcut này không ảnh hưởng gì nhưng chúng cũng chiếm dụng đĩa lưu trữ. Bạn cứ "tự nhiên" xoá chúng nếu thấy chúng không cần thiết.

Cẩn thận với factory reset

Hầu hết laptop có bloatware để bạn chuyển máy tính về trạng thái như mới khi mua, mà ta thường gọi là factory reset. Nên bạn hãy cẩn thận dữ liệu cá nhân khi chọn dùng công cụ này. Một cách khác an toàn hơn là bạn tạo một ảnh đĩa cho máy tính, sử dụng công cụ tạo ảnh đĩa như Acronis True Image.

Cài phần mềm "sạch"

Phần mềm miễn phí cũng có thể như "rác rưởi" mà nhà sản xuất máy tính muốn cài sẵn lên PC bán ra, với nhiều ứng dụng cố tình cài thêm các thanh toolbar lên trình duyệt mặc định. Do đó, cách tốt nhất để cài ứng dụng miễn phí tránh được tình trạng trên là bạn hãy dùng dịch vụ Ninite (www.ninite.com) Đây là dịch vụ tự động tải về và cài những phần mềm miễn phí, không có spyware.

Thử nghiệm tốc độ

Để biết chính xác tác động của bloatware đến hệ thống như thế nào, chúng ta cùng thử với 5 laptop từ 5 nhà sản xuất phổ biến nhất hiện nay. Những laptop này có cấu hình khác nhau, nhưng bạn cũng cần lưu ý rằng từ cùng 1 nhà sản xuất, cũng có những model cấu hình khác nhau và bộ bloatware khác nhau.

Tác động của bloatware cũng rất khác nhau. Laptop giá rẻ bị bloatware ảnh hưởng nhiều hơn bởi vì cấu hình yếu, ổ cứng dung lượng thấp và RAM thấp.

Như trong bảng, laptop phổ thông Acer E3-111 (sản xuất năm 2014) bị bloatware tác động nặng nhất, có đến 38 ứng dụng cài sẵn và đầy những link, chiếm đến 1,7GB dung lượng ổ cứng. Chiếc laptop này cũng có vài phần mềm hữu ích về video và photo của CyberLink nhưng có phiên bản khá cũ. Phần lớn ứng dụng còn lại là từ Acer nhưng cũng có một số link dẫn đến LoveFilm và eBay, cũng như một ứng dụng Netflix Start.

Trong khi đó, chiếc laptop Asus cũng cài trước đến 28 ứng dụng, hầu hết chúng hiển thị trong màn hình Start, để chạy các dịch vụ như Twitter và Netflix. Tuy nhiều như vậy nhưng đây là một trong những laptop ít gây phiền phức nhất. Nếu dẹp bỏ hết mấy ứng dụng cài sẵn này thì thời gian khởi động máy rút ngắn được 3 giây.

Chiếc Dell XPS 13 cũng có cài app và có vài ứng dụng sẽ rất hữu ích, như Dell Backup and Recovery. Trong khi chiếc ultrabook dành cho doanh nghiệp Toshiba KIRA khá ít ứng dụng khó chịu, nhưng McAfee và vài đường link đến một số dịch vụ web (trong đó có eBay và SkyScanner) có thể tốt, có thể xấu đối với từng người dùng. Chiếc KIRA cũng có phần mềm Chroma Tuner chạy ngay khi khởi động máy có thể gây khó chịu.

Chiếc HP Stream 11 là laptop có dung lượng ít nhất trong nhóm máy thử nghiệm, chỉ có 32GB eMMC, nhưng trong đó bloatware chiếm đến 0,8GB, gồm phần mềm của HP. Nên nếu thấy những bloatware này không cần thiết, bạn có thể mạnh tay xoá sạch chúng.

Với cả 5 laptop thử nghiệm, vấn đề lớn nhất là những cửa sổ pop-up cứ hiện ra. Phần mềm của McAfee là phiền toái nhất (cả 5 laptop đều cài sẵn phần mềm này), nhưng cũng có những tiện ích khác chỉ đơn giản là cho bạn biết chúng có mặt ở trên máy mà thôi.

Tốc độ

Bạn cũng muốn biết bloatware ảnh hưởng thế nào đến tốc độ của máy tính. Để kiểm tra, mỗi laptop được chạy benchmark 2 lần: lần đầu với bloatware và lần thứ 2 không có bloatware.

Nhìn chung, bloatware không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ máy, chỉ trừ có chút khác biệt ở máy Acer E3-111. Tuy nhiên, cần lưu ý là bloatware thường chạy ở trạng thái chờ (idle) trong khi máy tính đang chạy các ứng dụng khác. Và ngay khi PC ở trạng thái chờ thì bloatware lại bắt đầu chạy, mà tệ nhất là McAfee LiveSafe ngốn hết 70% tài nguyên CPU ở một trong 5 laptop trên (để quét virus).

Nhưng thời gian khởi động máy lại bị ảnh hưởng nhiều bởi bloatware vì chúng được chạy ở chế độ nền, chiếm nguồn tài nguyên quý giá và tốn thời gian người dùng. Khi xoá bloatware thì thời gian khởi động cải thiện rất nhiều.

Kết luận

Trong cả 5 laptop trên, không có laptop nào bị nhận diện là có spyware hay phần mềm nguy hiểm nào. Nhưng bloatware rõ ràng là vấn đề lớn đối với máy tính chạy Windows. Nhìn chung, tốc độ không ảnh hưởng nhiều khi bạn chạy những ứng dụng đòi hỏi CPU hoạt động nặng, nhưng ngay khi máy tính vào trạng thái chờ thì có vài bloatware bắt đầu chiếm dụng tài nguyên hệ thống.

Trên hết, có đến vài GB dung lượng bị bloatware chiếm dụng trên vài máy, và nhiều bloatware còn ngốn rất nhiều bộ nhớ RAM quý giá. Thời gian khởi động máy cũng bị ảnh hưởng nhiều vì máy tính phải tải chúng ngay từ đầu. Do vậy, không ngoài dự đoán, những laptop cấu hình thấp sẽ bị bloatware ảnh hưởng nhiều nhất. Những CPU tiết kiệm điện năng không thể chạy tốt được những ứng dụng cộng thêm này, khiến toàn hệ thống chạy ì ạch.
Nhưng cho dù PC của bạn có mạnh đến đâu đi nữa thì bloatware là dạng phần mềm gây bực mình nhất, và có thể chúng khiến cho máy tính chứa thêm nhiều rác. Tốt nhất là bạn nên cẩn thận xoá những ứng dụng không cần thiết để giải phóng dung lượng ổ cứng và RAM.

PC World VN, 07/2015
 

PCWorld

bloatware, laptop, mua laptop, phần mềm, phần mềm cài sẵn


© 2021 FAP
  2,740,876       4/1,025