Sản phẩm

Trải nghiệm bước đầu Windows 10

(PCWorldVN) Thay đổi lớn cả trong tính năng, giao diện và phương thức tương tác giúp cho Windows 10 trở thành hệ điều hành hiện đại và hữu dụng nhất từ trước đến nay của Microsoft.

Dễ cài đặt

Về cơ bản, việc cài đặt Windows 10 cũng tương tự như Windows 7/8 hay Windows Vista. Người dùng chỉ thực hiện các tùy chỉnh về nơi cài đặt, chấp nhận điều khoản sử dụng Windows, quá trình cài đặt, khởi động lại máy đều thực hiện tự động. Điều khá bất ngờ là Microsoft làm khá tốt vấn đề nhận diện phần cứng, kể cả những bộ phận phần cứng cũ. Sau hai lần khởi động lại máy là Windows 10 có thể vận hành trơn tru hệ thống với bộ trình điều khiển (driver) tích hợp sẵn. Tuy vậy, một số phần cứng như webcam, đầu đọc dấu vân tay thì Windows 10 không thể nhận diện được ngay mà người dùng cần phải dùng đến chức năng cập nhật (update drivers).

Riêng bước thiết lập ban đầu thì Microsoft cũng làm đơn giản hơn cho người dùng với các tùy chọn thiết lập nhanh, đặt mật khẩu kiểu mã PIN (4 chữ số)… Khác với Windows 8, Windows 10 không có bước hướng dẫn sử dụng làm tốn nhiều thời gian chờ đợi, mà có thể vào giao diện và sử dụng ngay.

Nhìn chung, việc cài đặt Windows 10 không có gì phức tạp với người dùng phổ thông và càng đơn giản hơn với những ai từng cài ba phiên bản Windows trước đó.

Giao diện hiện đại

Bạn sẽ nhận thấy Windows 10 có một giao diện hiện đại và khác hoàn toàn với các phiên bản trước đó, kể cả Windows 8/8.1. Với mục tiêu ban đầu là tạo ra một phiên bản hệ điều hành tối ưu cho cả máy tính bảng lẫn PC nên Microsoft đã có nhiều thay đổi ở giao diện Windows 10.

Giao diện cài đặt Windows 10 không khác biệt nhiều so với Windows 7/8/Vista, ngoại trừ nền xanh đậm.

Trước hết là sự trở lại của Start Menu theo kiểu truyền thống. Sau những phản hồi không tích cực về giao diện bắt đầu (Start) theo kiểu Modern UI trên Windows 8/8.1 khiến người dùng bỡ ngỡ, khó chịu thì ở Windows 10, Microsoft đã làm cho sự trở lại của Start Menu trở nên khá ấn tượng. Giờ đây, kiểu hiển thị Start Menu sẽ tương ứng với môi trường sử dụng của thiết bị.

Nếu bạn dùng PC với thao tác chuột và bàn phím thì Start Menu sẽ na ná như Start Menu trên Windows 7 nhưng được thiết kế hiện đại hơn theo phong cách phẳng với ba nhóm: nhóm các ứng dụng hay dùng (Most used), nhóm ứng dụng bố trí dạng động (Live Tiles) và nhóm cài đặt và All Apps (tất cả các ứng dụng).

Giao diện Start Menu của Windows 10 khi dùng trên PC.

Nếu dùng Windows 10 trên máy tính bảng cảm ứng thì chế độ Tablet Mode sẽ chuyển Start Menu sang kiểu giống như trên Windows 8/8.1 nhưng trông thoáng và thân thiện hơn nhờ menu phụ bên trái và vẫn giữ được thanh taskbar với các biểu tượng đẹp mắt.

Điểm nhấn thứ hai ở giao diện Windows 10 là sự xuất hiện thanh Action Center (tương tự như thanh thông báo trên OS X) và tùy chọn thiết lập nhanh (Quick Settings) ở cạnh phải. Các thông báo ở Action Center sẽ giúp cập nhật thông tin mới từ các mạng xã hội, trạng thái của máy tính… Chức năng Quick Settings ở Windows 10 có thể giúp bạn thay đổi nhanh chế độ sử dụng, khóa xoay màn hình, ghi chú nhanh, thiết lập các kết nối, tạo mạng riêng ảo (VPN), hay tắt mở các kết nối khác (Wi-Fi, Bluetooth, GPS…) hay kích hoạt chế độ im lặng...

Thanh tác vụ (taskbar) thực sự lột xác là điểm nhấn thứ 3 ở giao diện của Windows 10. Thanh tác vụ được thiết kế theo phong cách phẳng này được tích hợp chức năng tìm kiếm, tương tác nhanh với trợ lý ảo Cortana, các biểu tượng ứng dụng, trạng thái, nút Start, ngày giờ… được thể hiện khá tinh tế. Không như Windows 7/Vista, việc thay đổi vị trí của taskbar lên cạnh trên hay hai bên cũng không làm giảm đi tính thẩm mỹ trên giao diện chính của Windows 10.

Những thiết lập nhanh của Quick Settings trên Windows 10

Nhắc đến giao diện là không thể không nhắc đến biểu tượng và “bộ mặt” của các ứng dụng bên trong. Nếu từng dùng qua Windows 10 kể từ bản Insider Preview đầu tiên, bạn sẽ thấy rằng Microsoft liên tục thay đổi bộ biểu tượng (icon) cho các ứng dụng và mọi tùy chọn bên trong hệ điều hành, từ icon của Recycle Bin, Windows Explorer, các biểu tượng bên trong Settings hay Control Panel… đều được thiết kế lại theo phong cách phẳng (flat design) với gam màu khá trẻ trung.

Khả năng đa nhiệm, đa không gian làm việc

Giao diện của mọi ứng dụng trên Windows 10 đều có thể được hiển thị ở hai chế độ toàn màn hình và cửa sổ nhỏ (tương ứng với hai chế độ desktop và tablet). Đây là điểm khác biệt lớn nhất của hệ điều hành này so với Windows 8/8.1 (ứng dụng Modern UI không chạy được trên môi trường desktop và ngược lại). Nếu ở Windows 8, người dùng chỉ có thể dùng cùng lúc hai ứng dụng cùng lúc trên môi trường Modern UI thì giờ đây, Windows 10 có thể hỗ trợ không giới hạn. Bên cạnh đó, Windows 10 còn hỗ trợ chức năng Task View giúp hiện toàn bộ các cửa sổ đang dùng để người dùng chuyển đổi. Tổ hợp phím tắt Alt+Tab và Windows + Tab cũng thực sự hữu ích để bạn chuyển đổi qua lại giữa các ứng dụng.

Giao diện Task View trên Windows 10

Ngoài ra, Windows 10 còn hỗ trợ chức năng desktop ảo – Virtual desktop giúp mở rộng không gian làm việc. Nhờ tính năng này mà bạn không lo cửa sổ tràn ngập cửa sổ, vì nếu cảm thấy không gian làm việc hiện tại quá chật chội thì có thể thêm desktop mới và kéo các ứng dụng qua đó.

Giao diện desktop ảo trên Windows 10.

Tóm lại, chức năng đa nhiệm trên Windows 10 được Microsoft bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với giao diện mới và nhu cầu của người dùng. Đây được xem là một cải tiến lớn để lấy lòng người dùng sau kiểu đa nhiệm “nửa vời” trên giao diện Modern UI của Windows 8/8.1.

Khả năng bảo mật

Trên Windows 10, Microsoft khuyên nên dùng mã PIN ngay từ bước đầu tiên thiết lập hệ điều hành mới. Phương thức bảo mật bằng mã PIN giúp người dùng đăng nhập vào máy tính dùng Windows 10 nhanh, tiện dụng và an toàn hơn so với mật khẩu dài.

Chức năng tạo mã bảo vệ PIN trên Windows 10.

Bên cạnh chức năng bảo mật bằng mã PIN, Microsoft cũng tích hợp một số tùy chọn nhằm đảm bảo an toàn cho hệ điều hành trước tình trạng mã độc, virus đang ngày càng hoành hành với mức độ tinh vi như hiện nay. Chẳng hạn như chức năng bảo vệ máy tính (Security) với Windows Defender trên Windows 10 có khả năng bảo vệ theo thời gian thực (Real-time protection), bảo vệ dựa trên nền tảng đám mây (Cloud-based Protection) và cho phép gửi mẫu mã độc cho hãng để chức năng bảo vệ được hoàn thiện hơn.

Giao diện tùy chọn bảo vệ máy tính trên Windows 10.

Chức năng cài đặt mới

Nếu ở Windows 8/8.1, chức năng Settings khá ít tính năng và người dùng phải “vật lộn” với hai giao diện desktop và Modern UI nếu muốn cài đặt chuyên sâu. Ở Windows 10, mặc dù hãng vẫn giữ lại cả Control Panel lẫn Settings nhưng Microsoft đang dần di chuyển mọi tùy chọn thiết lập sang hẳn Settings. Giao diện của chức năng cài đặt trên Windows 10 được thiết kế lại với các nhóm chức năng và biểu tượng đại diện đơn giản, trực quan. Bạn cũng có thể tìm nhanh các thiết lập với thanh tìm kiếm “Find a settings”.

9 nhóm chức năng của Settings được sắp xếp theo mục đích cài đặt

Các nhóm chức năng của Settings được sắp xếp khoa học theo từng mục đích cài đặt hệ thống (System), thiết bị (Devices), mạng (Network & Internet), cá nhân hóa (Personalization), tài khoản (Accounts), thời gian và ngôn ngữ (Time & Language), tính riêng tư (Privacy) và các thiết lập về khả năng truy cập (Ease of Access). Nhìn chung, giao diện Settings trực quan và dễ thao tác hơn rất nhiều so với Control Panel truyền thống.

Chức năng tìm kiếm và Cortana

Trợ lý ảo Cortana là một trong những tính năng quan trọng được Microsoft tích hợp vào Windows 10. Nhiều lần “lột xác” kể từ bản ‘build’ đầu tiên, Cortana dần trở nên đa năng hơn với giao diện đẹp mắt hơn. Khả năng nhận diện khẩu lệnh “Hey Cortana” thực sự hữu ích giúp người dùng máy tính có thể tìm kiếm hay hỏi bất cứ điều gì với “cô trợ lý ảo” này. Ngoài khả năng tìm kiếm thông tin (thời sự, thời tiết, văn hóa, xã hội, doanh nhân…) thì Cortana còn có thể hỗ trợ tạo ghi chú, tác vụ làm việc, nhận diện và đưa ra thông tin bài hát… Tuy vậy, Cortana vẫn chưa hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt nên sẽ rất khó khăn cho người dùng trong nước.

Trợ lý ảo Cortana là một trong những tính năng quan trọng của Windows 10

Bên cạnh Cortana, chức năng tìm kiếm của Windows 10 cũng được cải tiến nhiều, đặc biệt là ở tốc độ. Nếu ở các phiên bản trước những dữ liệu chưa được “index” thì máy tính phải tốn thời gian đọc hết mọi ngóc ngách trên ổ cứng để tìm, thì thuật toán tìm kiếm mới ở hệ điều hành mới có thể tìm kiếm nhanh hơn và ít tốn tài nguyên hệ thống hơn.

Trình duyệt Microsoft Edge

Microsoft quyết định đưa trình duyệt hoàn toàn mới là Edge (trước đây có tên là Project Spartan) vào hệ điều hành Windows 10 thay cho Internet Explorer. Với engine dựng trang mới (EdgeHTML), trình duyệt Edge tỏ ra khá nhanh trong việc tải các trang web có nhiều nội dung đồ họa (hình ảnh, HTML5, Flash). Trong các bản build Insider Preview trước đó, trình duyệt Edge thường bị tắt đột ngột khi chạy các trang web có nhiều JavaScript hay Flash, nhưng ở bản buil 10147 thì lỗi này hoàn toàn được khắc phục.

 

Trình duyệt Microsoft Edge.

Những tính năng thú vị mà Microsoft mang lên Edge là hỗ trợ hoàn chỉnh thao tác cảm ứng, giao diện đơn giản, trực quan, hỗ trợ ghi chú ngay trên trang web và hỗ trợ truy vấn nhanh với chức năng “hỏi Cortana” (Ask Cortana) để tham khảo thêm thông tin đang thắc mắc mà không cần chuyển ứng dụng. Mặc dù Microsoft Edge thay thế cho Internet Explorer, nhưng Microsoft vẫn giữ lại Internet Explorer cho khách hàng doanh nghiệp nhằm đáp ứng các vấn đề về tính tương thích.

Ứng dụng và vấn đề tương thích trên Windows 10

Giống như Windows 8.1, Microsoft cũng cài sẵn nhiều ứng dụng phục vụ công việc trên Windows 10. Tất cả các ứng dụng trên phiên bản mới này đều được làm lại giao diện đẹp, hiện đại, phù hợp với cả môi trường desktop lẫn cảm ứng và bổ sung nhiều tính năng hơn. Chẳng hạn ứng dụng quản lý thư điện tử mới (Mail), bên cạnh giao diện phong cách phẳng, hiện đại với các biểu tượng lớn, thì còn hỗ trợ thao tác cử chỉ với màn hình cảm ứng. Ngoài ra còn có các ứng dụng khác như xem thời tiết (Weather), lịch làm việc (Calendar), đồng hồ (Alarm & Clock), ghi chú (OneNote), danh bạ (People), xem phim (Movies & TV)…

Giao diện ứng dụng Mail cài sẵn trên Windows 10

Ngoài các ứng dụng cài sẵn, bạn còn được gợi ý cài các ứng dụng hữu ích khác với các biểu tượng bên trong Start Menu. Chẳng hạn như nhấn Get Skype để cài công cụ chat và thoại video trực tuyến với Skype.

Kho ứng dụng Store dành cho Windows 10 hiện vẫn ở bản beta nhưng cách bố trí, sắp xếp các ứng dụng và phân loại các chủng loại. Nếu ở Windows 8/8.1, phải kéo qua lại theo phương ngang để duyệt thì ở Windows 10, bạn có thể kéo lên xuống thuận tiện hơn. Số lượng các ứng dụng trên kho khá nhiều. Tuy vậy, vẫn còn nhiều ứng dụng rác, kém tính năng tồn tại từ thời Windows 8/8.1.

Chức năng mở trang web với Internet Explorer vẫn được tích hợp trên Windows 10.

Kho ứng dụng Windows Store trên Windows 10

Bên cạnh các ứng dụng cài sẵn và tải về từ kho Windows Store, người dùng Windows 10 có thể cài mọi ứng dụng Windows khác để sử dụng. Vấn đề tương thích với các ứng dụng được giải quyết tốt trên Windows 10. Bạn có thể cài và sử dụng đa số các ứng dụng cũ hoặc rất cũ dành cho Windows XP/Vista hay Windows 8/8.1 trên Windows 10 mà không hề phát sinh lỗi. Một điểm đáng khen nữa là vì giao diện được tối ưu để dùng cho cả desktop lẫn màn hình cảm ứng nên chỉ cần chuyển sang Tablet Mode là bạn có thể dùng được ứng dụng cũ trên toàn màn hình cảm ứng.

Tổng kết
Tóm lại, phiên bản Windows 10 dù đang ở giai đoạn thử nghiệm nhưng phiên bản Windows 10 Pro Insider Preview – build 10147 mà PC World Vietnam dùng thử và đánh giá ở bài viết rất ít phát sinh lỗi và chạy ổn định, kể cả trình duyệt lần đầu tiên chính thức với tên gọi mới – Microsoft Edge. Tuy nhiên, Microsoft cũng cần thêm chức năng thay đổi màu sắc cho thanh taskbar (hiện chỉ có duy nhất màu đen) để thêm lựa chọn cho người dùng, thêm nhiều tùy chọn về giao diện (Theme), quan trọng hơn cả là bổ sung thêm ngôn ngữ cho Cortana và bộ gõ tiếng Việt hoàn chỉnh (hỗ trợ TELEX hay VNI) cho hệ điều hành này.

PC World VN, 07/2015

PCWorld

cài đặt Windows 10, đánh giá Windows 10, Windows 10


© 2021 FAP
  2,409,496       5/1,174