(PCWorldVN) Sự hiện diện của chipset Intel Z170 mới và bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 6 Skylake gần đây có thể xem là một động lực để các nhà sản xuất bo mạch chủ tham gia cuộc đua mới.
Chipset Intel Z170 có gì hay?
Có thể nói, không chỉ đơn thuần được sản xuất dành riêng cho dòng vi xử lý Intel Core thế hệ thứ 6 (tên mã Skylake) với hai thành viên đầu tiên là Intel Core i7-6700K và Core i5-6600K đều không khóa hệ số nhân và sử dụng chuẩn socket hoàn toàn mới LGA1151, chipset Intel Z170 còn được xem như là bản nâng cấp toàn diện và hoàn hảo nhất của dòng chipset Z97.
Điều đầu tiên mà người dùng dễ dàng nhận thấy nhất trên chipset Intel Z170 chính là khả năng hỗ trợ chuẩn bộ nhớ DDR4 với xung nhịp lên đến 3.000 MHz cùng mức dung lượng bộ nhớ RAM hỗ trợ lên đến 64GB. Ưu điểm của chuẩn bộ nhớ DDR4 là có mật độ lưu trữ cao hơn gấp đôi nhưng lại ít tốn điện hơn so với DDR3.
Không chỉ vậy, chipset Intel Z170 còn có tốc độ kết nối giữa CPU và chipset trở nên nhanh hơn khi sử dụng giao thức DMI (direct media link) dùng để liên lạc giữa cầu bắc và cầu nam của chipset trên bo mạch chủ được nâng cấp lên bản 3.0.
Với giao thức DMI 3.0, chipset Intel Z170 đã có thể hỗ trợ lên tới 20 lane PCIe 3.0, cao gần gấp 3 lần so với con số 8 lane PCIe 2.0 của dòng chipset Z97 trước đây.
Các nhà sản xuất bo mạch chủ chipset Intel Z170 còn có thể tích hợp thêm giao tiếp M.2 PCIe Gen 3.0 dành cho dòng ổ cứng SSD M.2 đang ngày càng trở nên phổ biến, cũng như trang bị thêm nhiều cổng USB 3.0 hơn, tích hợp thêm giao tiếp USB 3.1 Type-C và cả Type-A cho những sản phẩm của mình.
Tốc độ trao đổi dữ liệu của giao tiếp M.2 PCIe Gen 3.0 cũng nhanh hơn rất nhiều lần khi băng thông nâng lên đến mức 32 GB/s (được biết băng thông của giao tiếp M.2 PCIe Gen 2.0 chỉ dừng lại ở mức 10 GB/s. Không chỉ dừng lại ở đây, số lượng giao tiếp SATA 6 GB/s hỗ trợ cũng nhiều hơn và chipset Z170 còn hỗ trợ giao tiếp eSATA với băng thông lên đến 16 GB/s.
Chipset Intel Z170 còn hỗ trợ những công nghệ hot của Intel như công nghệ hỗ trợ ép xung Intel Extreme Tuning Ultility, công nghệ Intel Rapid Storage và Intel Smart Response dành cho các giải pháp lưu trữ SSD làm cache. Ngoài ra, công nghệ Intel Smart Sound mang tới âm thanh sống động và trung thực hơn cho chip âm thanh tích hợp Intel High Definition Audio (Intel HD audio).
Điểm qua các bo mạch chủ Z170 mới nhất
Ngay sau khi Intel ra mắt dòng BXL Intel Skylake và chipset Intel Z170, các nhà sản xuất bo mạch chủ cũng đã nhanh chóng đưa ra thị trường những dòng sản phẩm được xây dựng trên nền tảng mới nhất này kèm theo đó là những điểm nhấn, đặc trưng cho từng hãng.
Hiện tại, có vẻ như Asus là nhà sản xuất nhanh chân nhất trong việc ra mắt những mainboard chipset Intel Z170, cụ thể là sự xuất hiện hai dòng sản phẩm Z170 Signature và Z170 Maximus VIII.
Bo mạch chủ Asus Z170 Pro Gaming. |
Ngoài những điểm nổi bật của dòng chipset Intel Z170, cả hai dòng bo mạch chủ Z170 Signature và Z170 Maximus VIII đều được Asus trang bị các công nghệ ép xung độc quyền như: công nghệ tối ưu hóa hệ thống 5-way Optimizations, công nghệ Pro Clock cho phép ép xung BCKL với mức xung cao nhất lên đến 400 MHz, công nghệ T-Topology cho phép ép xung bộ nhớ RAM với mức xung tối đa lên đến 4.000 MHz.
Asus Z170 Pro Gaming Bo mạch chủ chuẩn ATX Z170 Pro Gaming của Asus cũng được xem là một lựa chọn không tồi cho các overcloker vì sản phẩm cho phép ép xung bộ nhớ DDR4 lên đến xung nhịp đạt 3.400MHz. Thêm vào đó còn có những công nghệ ép xung độc quyền như 5-way Optimizations giúp tự động tối ưu hệ thống, Pro Clock cho phép ép xung BCKL với mức xung cao nhất lên đến 400 MHz và đặc biệt là thiết kế BIOS cực kỳ đơn giản và dễ hiểu. Tuy không hỗ trợ Wi-Fi, nhưng kết nối Ethernet trên Asus Z170 Pro Gaming vốn được thiết kế đạt chuẩn Intel Ethernet nên có thể giúp mang lại tốc độ truyền tải dữ liệu cao nhưng vẫn có thể giảm tải cho bộ xử lý. Giao tiếp Ethernet trên bo mạch chủ của Asus còn được trang bị các tính năng bảo vệ thiết bị được kết nối và cả khả năng chống sét. Cũng theo Asus, tất cả đầu cắm quạt tản nhiệt trên bo mạch chủ Asus Z170 Pro Gaming đều được tích hợp đầu dò nhiệt độc lập, cho phép điều khiển và kiểm soát tốc độ quạt qua phần mềm Fan Expert 3. Lẽ đương nhiên là người dùng cũng được hỗ trợ các tính năng tối cần thiết như LANGuard, USB UEFI BIOS, chống tĩnh điện cổng PS/2, USB, audio và cả cổng LAN. |
Ngoài ra, ở mỗi dòng sản phẩm nền tảng chipset Z170 này của Asus còn có những điểm nhấn riêng khác. Đơn cử, bo mạch chủ Z170 Signature được trang chip Wi-Fi Dual-Band 3x3 lẫn Bluetooth 4.0, chip âm thanh Crystal Sound 3 với các tụ âm thanh cao cấp của Nhật Bản cùng tính năng USB 3.1 Boost tự động tăng tốc độ trao đổi dữ liệu của cổng USB 3.0 lên tốc độ của chuẩn USB 3.1, trong khi Z170 Maximus VIII được trang bị chip âm thanh Supepreme FX tích hợp DAC ESS ES9023P cho phép người dùng thưởng thức các bản nhạc LossLess, giao tiếp Gigabit Thernet được tích hợp công nghệ LANGuard và GameFirst giúp cho việc kết nối mạng không chỉ ổn định mà còn có tốc độ cao, cũng như tránh sự hỏng hóc do sét đánh.
MSI cũng không hề chậm chân khi đã tung ra thị trường các dòng sản phẩm Z170 của mình với 12 phiên bản khác nhau, đáp ứng gần như mọi phân khúc khách hàng. Điểm nổi bật của dòng bo mạch chủ MSI Z170 Gaming không chỉ ở hệ thống âm thanh cao cấp - kết hợp giữa phần mềm Audio Boost 3 và phần cứng là chip âm thanh Nahimic Audio Enhancer - mà còn bởi chuẩn giao tiếp Twin Turbo M.2 có tốc độ lên đến 64 Gb/s. Kèm theo đó là nút tăng tốc Gaming Boost dạng xoay cực kỳ tiện dụng cho việc ép xung cũng như tăng tốc hệ thống để chơi game khi cần thiết. Thêm vào đó, giải pháp MSI Gaming Lan sử dụng chip Killer E2400 mới nhất ứng dụng công nghệ ASD 2.0 còn giúp tự động tối ưu cho game trực tuyến và các ứng dụng streaming. Ngoài ra, việc tích hợp tính năng chống sốc điện lên đến 15KV còn giúp mọi hoạt động trên kết nối mạng vận hành ổn định hơn.
Bo mạch chủ MSI Z170A XPOWER Gaming Titanium Edition |
MSI Z170A Gaming M7 Tựa như những dòng bo mạch chủ chơi game từng ra mắt, MSI Z170A Gaming M7 cũng có ngoại hình rất hầm hố nhờ thiết kế các cụm tản nhiệt lớn sử dụng tông màu tương phản nổi bật, bo mạch chính sơn đen nhám trông cứng cáp. Lẽ đương nhiên là MSI Z170A Gaming M7 cũng thuộc dạng bo mạch chủ ATX vốn có kích thước lớn, nhưng lại cung cấp nhiều không gian và tùy chọn giao tiếp tiện cho việc nâng cấp, bổ sung sau này. Theo MSI, Z170A Gaming M7 không chỉ là một bo mạch chủ thiết kế dành riêng cho game thủ mà còn được tối ưu cho cả những người dùng yêu thích ép xung. Với Z170A Gaming M7 người dùng có thể mạnh dạn overclock vì MSI đảm bảo rằng chất lượng thiết kế bo mạch của sản phẩm thừa sức chịu tải. Bên cạnh đó, toàn bộ những thành phần điện tử quan trọng trên Z170A Gaming M7 đều được thiết kế để bảo vệ quá tải và tối ưu cho tản nhiệt. Z170A Gaming M7 cũng được MSI trang bị đầy đủ tính năng cần thiết như LAN Protech giúp ổn định tối đa kết nối mạng, khả năng tối ưu cho đường truyền khi chơi game, DAC âm thanh cao cấp, chống tĩnh điện cổng USB và cả tính năng hỗ trợ sạc pin cho smartphone nhanh hơn so với bộ sạc truyền thống. Đáng chú ý hơn, các khe cắm PCI-Ex trên Z170A Gaming M7 còn được gia cố thêm một khung kim loại dày giúp tạo nên một tiếp điểm vững chắc, thích hợp cho cả những mẫu card đồ họa “khủng” về kích thước. |
Gần đây nhất, Gigabyte cũng đã chính thức ra mắt dòng bo mạch chủ hỗ trợ bộ xử lý Intel Skylake của mình với 3 nhóm sản phẩm khác nhau. Nhóm sản phẩm Ultra Durable hướng đến nhóm người dùng muốn sở hữu một bo mạch chủ có linh kiện chất lượng cao, ổn định và bền bỉ. Trong khi đó, nhóm bo mạch chủ G1 Gaming dành cho game thủ thì được ưu tiên hơn vì hỗ trợ nhiều cấu hình đồ họa mạnh mẽ và công nghệ âm thanh tiên tiến. Riêng nhóm sản phẩm SOC Force dành cho những ai thích ép xung. Các dòng sản phẩm của Gigabyte được trang bị 2 cổng LAN Gigabit với công nghệ cFosSpeed mang đến tốc độ đường truyền mạng nhanh và ổn định. Công nghệ ép xung Turbo B-Clock kết hợp cùng trung tâm ứng dụng Gigabyte App Center với các phần mềm tiện ích giúp người dùng dễ dàng ép xung và giúp hệ thống luôn hoạt động ổn định. Sản phẩm cũng tích hợp chip âm thanh Creative Sound Blaster ZxRi kèm theo những tụ điện chất lượng cao vốn được các nhà sản xuất thiết bị âm thanh cao cấp tin dùng.
Gigabyte Z170X Gaming G1 Gigabyte Z170X Gaming G1 cơ bản cũng có thiết kế dạng bo mạch chủ ATX sử dụng chipset Intel Z170, socket 1151 tương thích tốt với các bộ xử lý không khóa hệ số nhân thế hệ thứ 6 mới nhất của Intel. Nhờ có kích thước lớn mà Gigabyte Z170X Gaming G1 hỗ trợ đến 4 khay PCI-Express (2 khe PCIe x16 3.0 và 2 khe PCIe x8 3.0) rất thích hợp cho các game thủ cần tận dụng tối đa sức mạnh từ đồ họa kép. Không chỉ cho phép dùng kết hợp nhiều card đồ họa, các khe PCIe trên Z170X Gaming G1 còn được gia cố một lớp giáp bảo vệ bằng kim loại nhằm tăng sức chịu đựng trước những chiếc card đồ họa khủng về kích thước hiện nay. Với chipset Intel Z170, bo mạch chủ Gigabyte Z170X Gaming G1 lẽ đương nhiên hỗ trợ USB 3.1 (Type-C), SATA Express, SATA 3, M.2 và bộ nhớ DDR4. Z170X Gaming G1 cũng hỗ trợ cấu hình RAID 0,1,5,10 nhằm tăng tính an toàn cho dữ liệu trên hệ thống. Mẫu bo mạch chủ chuyên game Z170X Gaming G1 cũng được Gigabyte trang bị kết nối Ethernet dùng 2 card mạng Killer DoubleShot-X3 Pro, Wi-Fi 802.11ac vốn có thể kết hợp đồng thời cả 3 card nhằm mở rộng tối đa bằng thông đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực thi đa tác vụ. Z170X Gaming G1 cũng được tích hợp card âm thanh Creative Sound Blaster ZxRi cùng bộ phần mềm tập hợp các công nghệ âm thanh hàng đỉnh chuyên phục vụ nhu cầu giải trí với game, phim ảnh cũng như với nhạc chất lượng cao. Nếu đã có sẵn DAC rời, bo mạch chủ của Gigabyte cũng là một lựa chọn lý tưởng vì sản phẩm trang bị các cổng USB DAC-UP vốn có khả năng cung cấp nguồn điện “sạch”, không hề lẫn nhiễu tạp, một yếu tố mà các tay chơi âm thanh luôn đặt lên hàng đầu. Với Gibabyte Z170X Gaming G1, người dùng cũng có thể yên tâm vắt kiệt hiệu năng hệ thống (ép xung BCLK) nhằm thử thách giới hạn của bo mạch - vì sản phẩm được trang bị IC cho phép tinh chỉnh hiệu năng và toàn bộ tụ điện rắn đều có tỷ lệ trở kháng nội tại rất thấp và tuổi thọ cao hơn nhiều so với trước đây. Lẽ đương nhiên là tính năng flash lại BIOS từ USB cũng được Gigabyte “đóng gói” kèm theo bo mạch chủ này. |
Khác hẳn với những nhà sản xuất khác, ECS chỉ ra mắt đúng một phiên bản bo mạch chủ dành cho nền tảng chipset Z170 với tên gọi Z170-CLAYMORE. Điểm nổi bật của dòng bo mạch chủ này có lẽ là việc hãng vẫn trung thành với chip LAN của Realtek và sử dụng công nghệ LAGFree. Dù có tên gọi khác nhưng về tính năng hay công nghệ thì cũng không khác gì Killer LAN khi đều mang đến sự ổn định cũng như tốc độ cao cho đường truyền mạng. Bên cạnh đó, ECS cũng tích hợp kèm theo công cụ ép xung tự động của riêng mình là LEEF Boost.
Bo mạch chủ, bộ xử lí, chip xử lí, chipset, chipset Intel Z170, CPU, Intel Core, mainboard, Skylake