TTO - Học sinh tiểu học Nhật đọc gì? Có lẽ “manga” (truyện tranh) sẽ là câu trả lời được nhiều bạn đọc đưa ra. Nhưng không phải như vậy!
Một góc thư viện tiểu học - Ảnh: AN NHIÊN |
Nếu được dịp tham quan một thư viện trường tiểu học, bạn sẽ thấy manga chỉ là một phần nhỏ, khiêm tốn trên kệ sách.
Vì đặc thù ngôn ngữ nên không phải học sinh tiểu học thuộc bất kỳ cấp lớp nào ở Nhật đều đọc được manga ngay. Hoặc không phải cứ biết hết mặt chữ là đọc được vì trong tiếng Nhật còn có chữ Kanji (Hán tự) mà số chữ các em được học theo từng cấp lớp được quy định khác nhau.
Thế nhưng, điều đó không ảnh hưởng đến niềm vui đọc sách, tìm hiểu vạn vật của các em. Bởi thư viện trong trường tiểu học Nhật luôn cung cấp các đầu sách phù hợp với các cấp lớp và phân loại theo từng lĩnh vực khác nhau.
Đọc mỗi ngày
Thử xem thống kê của thư viện một trường tiểu học gồm sáu cấp lớp với khoảng 700 học sinh ở thành phố Nago - một thành phố nhỏ xa trung tâm ở tỉnh Okianawa - có gì?
Tháng 1-2016 do có nhiều ngày nghỉ lễ, tết nên thư viện chỉ mở cửa 13 ngày. Trong tháng này khối lớp 1 mượn nhiều nhất, trung bình là 12,3 quyển/em; khối lớp 6 ít nhất với 4,5 quyển/em. Các khối lớp còn lại mượn từ 8-10 quyển/em.
Phải nhắc đến mùa thu, mùa đẹp nhất trong năm để đọc sách, theo người Nhật. Trong hai tháng 10 và 11, thư viện dường như hoạt động hết công suất. Trong tháng 10-2015 các em đọc trung bình 19,2 quyển/em. Lớp 1 vẫn đọc nhiều nhất với số sách trung bình mượn về là 28,9 quyển/em.
Vậy các em đọc gì?
Vâng, từ tìm hiểu thế giới khủng long, yêu quái cho đến sách khoa học, tìm hiểu đời sống cây cỏ, vật nuôi, lịch sử đất nước, câu đố mẹo, thuật dọn dẹp.
Những đề tài có vẻ khó nhằn lại được các em tìm đọc nhiều nhất do cách trình bày dễ hiểu, phù hợp với từng độ tuổi, cấp lớp.
Một học sinh lớp 1 dễ dàng tìm được sách hướng dẫn trồng hoa asagao với ảnh minh họa rõ ràng, sát thực tế, thậm chí nhờ đó các em dễ dàng xác định cây hoa đã được trồng bao lâu khi thấy hoa nở.
Một học sinh lớp 3 được cha mẹ tặng quà sinh nhật là chú chuột hamster theo nguyện vọng. Ngay lập tức cô bé tìm sách đọc và biết được những quy tắc cơ bản trong việc nuôi thú cưng.
Hay tương tự, bạn cô bé thì vùi đầu vào quyển sách về cá bảy màu vì bắt đầu nuôi cá. Có hôm cô nàng quan sát cá và phân tích con nào chuẩn bị đẻ con, con nào mình sắp phải chia tay sau khi tính tuổi thọ của cá, thậm chí có hôm còn làm phụ huynh giật nảy mình khi đi ngang chậu cá và nói “hai con cá đang giao phối”.
Còn có lần, phụ huynh nói về tiểu thuyết “Ve sầu ngày thứ tám” của Kakuta Mitsuyo thì bị vặn lại “ve sống một tuần thôi mà”. Và cũng ve mà một cô nhỏ lớp 2 bắt bí em mình học lớp… chồi khi đố ve gì kêu ra sao.
Với cấp lớp lớn hơn, đề tài khó và sâu hơn được trình bày bằng tranh vẽ dạng manga. Từ đó, lịch sử đất nước được các em tìm đọc một cách tự nhiên mà không có cảm giác khô khan, xa cách.
Những em yêu thích thể thao thì có sách về cuộc đời các vận động viên có thành tích nổi bật.
Sách về danh nhân thế giới thì thư viện không bao giờ thiếu. Nhờ đó các em được trang bị một lượng kiến thức tổng hợp, căn bản.
Đương nhiên sách truyện với các nhân vật chính là những con vật đáng yêu được nhân cách hóa, nội dung đầy tính nhân văn, lay động lòng người và khiến những cô cậu nhỏ phải thành thật viết cảm nhận “tôi đã khóc vì câu chuyện này”.
Truyện thiếu nhi nước ngoài cũng được dịch để phục vụ nhu cầu đọc sách, mở mang tầm mắt của học sinh tiểu học.
Các em nhận ra mình hạnh phúc hơn nhiều bạn nhỏ khác trên thế giới, biết quý hơn nền hòa bình mình đang thụ hưởng qua những cuốn sách, truyện dịch đó.
Ví dụ, sau khi đọc xong cuốn truyện Christophe’s story (Câu chuyện của Christophe, tựa tiếng Nhật “Ohanashi kikasete Kurisutofu”) của tác giả Nikki Cornwell, con gái tôi (học lớp 3) đã có những dòng cảm tưởng, xin trích dịch dưới đây. (Bài viết đã đoạt giải xuất sắc cuộc thi “Viết cảm nhận về quyển sách đã đọc” khu vực phía Bắc Okinawa và giải ba cấp tỉnh.)
“Tôi là người Việt Nam. Tôi sinh ra ở Việt Nam và đến Okinawa năm 1 tuổi rưỡi. Hằng năm tôi đều về Việt Nam. Gặp bà nội, ngọai, họ hàng và cùng nhau hưởng khoảng thời gian vui vẻ.
Còn Christopher, dù cha của cậu có nói khi nào nội chiến kết thúc họ sẽ trở về nhưng vì nội chiến ở Rwanda chưa kết thúc nên họ không thể về được.
Tôi thấy thật đáng thương và buồn làm sao khi không thể trở về quê hương của mình.
Từ quyển sách này, tôi có những cảm nhận và suy nghĩ như thế này. Đó là nhất định không để xảy ra chiến tranh lần nữa, không được gây ra chiến tranh. Lý do là gia đình sẽ chết đi, sẽ bị thương”.
Và không dừng ở việc tự mình đọc, thông qua phong trào “cả nhà cùng đọc”, học sinh tiểu học Nhật lại chủ động rủ ba mẹ, anh chị em trong gia đình cùng đọc những đầu sách ưa thích của mình. Từ đó, cả gia đình lại có thêm dịp nuôi dưỡng tình yêu thương cho nhau qua những trang sách.
Hoạt động của thư viện được xem là một phần quan trọng trong chương trình giáo dục tại các trường tiểu học Nhật Bản. Trường có ít học sinh bao nhiêu đi nữa vẫn phải có thư viện và phòng đọc sách. Trường đang trong quá trình tu bổ, sửa chữa, ngày hội thao phải mượn đỡ sân vận động của trường khác đi chăng nữa, vẫn phải thu xếp một không gian để làm thư viện và mở cửa để phục vụ các độc giả nhí của mình. Thư viện trường tiểu học tổ chức một đội tự quản gồm các em học sinh lớp lớn, chủ yếu là lớp 5, lớp 6 cùng giáo viên thủ thư. Đội thư viện khuyến khích học sinh trong trường đọc sách bằng các hoạt động định kỳ như thi sáng tác khẩu hiệu, ápphich ủng hộ phong trào đọc sách, lớp lớn tổ chức đọc truyện cho lớp nhỏ nghe, phong trào gửi thư giới thiệu sách mà thư viện sẽ là cầu nối, chương trình đố vui giữa giờ chơi mà nội dung câu đố lấy từ sách trong thư viện, phần thưởng là những phiếu kẹp sách do chính các bạn nhỏ tự làm bằng tay (nhưng đủ khiến những bạn đoạt giải vui những mấy ngày liền). Trong lớp, các em có một tập dokusho fairy (tập đọc sách) tập hợp những bài phát biểu cảm tưởng, tranh vẽ về những tựa sách các em tâm đắc. Quy mô lớn hơn là các cuộc thi vẽ, viết phát biểu cảm tưởng về quyển sách đã đọc dành cho các cấp lớp ở cấp tỉnh, quốc gia. Đương nhiên sẽ không có tập nào giống tập nào, hay tranh này từa tựa tranh kia, lại càng không có bài văn mẫu. Có những bài hết trang giấy mà cũng có bài chỉ vài chữ vỏn vẹn “tôi thích cuốn sách này vì tranh vẽ buồn cười” cùng với tựa sách, tên tác giả. Hằng tháng, ban quản lý gồm một cô thủ thư và đội tự quản thư viện được hình thành từ các học sinh lớp lớn thống kê xem bạn nào mượn nhiều sách nhất để thưởng phiếu mượn sách. Với phiếu này, các em có thể mượn nhiều hơn quy định, hoặc được mượn về nhà các cuốn sách vốn chỉ được xem tại thư viện như từ điển.... |