TTO - “Khi nhìn những hình ảnh minh họa trong đề về hai con cá đang “bàn luận” với nhau về thông tin 41 loài cá đang có nguy cơ tuyệt chủng vì thay đổi môi trường sống, em đã liên tưởng ngay tới những khó khăn của ngư dân”.
Đề thi môn ngữ văn dành cho khối 8 tại vòng chung kết “Giải Lê Quý Đôn trên báo Khăn Quàng Đỏ” lần thứ 17 - Ảnh: Hải Quân |
Đó là chia sẻ của em Trần Ngọc Anh Thư, học sinh lớp 8 Trường THCS Hậu Giang (Q.6, TP.HCM) về đề thi môn ngữ văn dành cho khối 8 tại vòng chung kết “Giải Lê Quý Đôn trên báo Khăn Quàng Đỏ” lần thứ 17 - năm học 2015-2016.
Đề gồm hai hình ảnh minh họa là một tranh biếm họa về thông tin 41 loài cá có nguy cơ tuyệt chủng vì thay đổi môi trường sống của họa sĩ Sa Tế và một hình ảnh cây rừng bị cưa đổ đè chết muông thú, kèm theo nội dung:
Chỉ cần chặt một cây rừng, hủy hoại một con suối, làm ô nhiễm một mảnh đất cũng đủ khiến muôn loài thú bị ảnh hưởng, bao người dân gặp hiểm họa, tai ương còn tiếp diễn mãi về sau.
Vấn đề trên gợi cho em suy nghĩ gì? Hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của em.
Nhận xét về đề thi này, em Lê Anh Khoa, học sinh lớp 8 Trường THCS Trường Chinh (Q.Tân Bình) nói: “Đề thi rất sát với thực tế. Qua thông tin theo dõi trên báo đài, em được biết đây là một vấn đề rất nóng.
Em Nguyễn Thị Mỹ Phương, Trường THCS Hậu Giang (Q.6), cũng bày tỏ: “Trong bài làm của mình, em nêu rõ vấn đề ô nhiễm môi trường sống đang ngày càng nghiêm trọng.
Với tư cách là một học sinh, em mong mọi người sẽ cùng nhau nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thu gom rác thải, trồng cây gây rừng và tuyệt đối không xả rác xuống biển, giảm thiểu tối đa những nguy hại như tràn dầu, hủy hoại môi trường sống của các loài sinh vật…”.
Bên cạnh đó, em Trần Phước Huy Khang, học sinh lớp 8 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho rằng:
“Đề thi rất hay, mang tính thời sự cao nhưng cũng tương đối khó. Khó đối với em, bởi vì bản thân em dù biết đến vấn đề này nhưng chưa phải biết diễn đạt thế nào cho đủ ý mình mong muốn. Em cần hiểu rõ hơn những thông tin liên quan đến hiện tượng cá tuyệt chủng”.
“Đề thi phù hợp với lực học của học sinh lớp 8. Thứ nhất, đề thi theo kịp tình hình thời sự. Thứ hai, đề thi có tính mở, hướng cho học sinh nên bắt đầu ngay từ những việc làm nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn về bảo vệ môi trường, vì cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn” - cô Phạm Việt Hương, giáo viên môn ngữ văn Trường THCS Minh Đức (Q.1), chia sẻ.
Cô Võ Thùy Linh, chuyên viên phụ trách chuyên môn cấp THCS – cán bộ mạng lưới môn ngữ văn của Phòng GD-ĐT quận 3, nhận định:
“Đề thi không quá khó, quen thuộc và mang tính thiết thực với học sinh. Ngoài ra, những hình ảnh về cá và đoạn văn gợi ý sẽ giúp học sinh dễ nhận diện và suy nghĩ về vấn đề môi trường, nhất là những gì xảy ra trong thời gian qua”.
Bên cạnh đề thi trên, vòng chung kết lần này còn có đề thi với những hình ảnh minh họa về ổ bánh mì miễn phí, thùng nước đá miễn phí, bơm vá xe miễn phí và quần áo từ thiện miễn phí dành cho người nghèo trên các ngả đường ở TP.HCM được nhiều thí sinh khá tâm đắc.
“Em rất thích đề thi như thế này bởi những hình ảnh rất thực tế, giản dị. Thông qua đó, em có dịp được nêu lên niềm tự hào, tôn trọng về những phẩm chất của người Sài Gòn hiền lành, nghĩa tình và sống vì mọi người” - em Bùi Nữ Thục Nhi, học sinh lớp 8 Trường THCS Phan Tây Hồ, bày tỏ.
Cuộc thi do Sở GD-ĐT TP.HCM và báo Khăn Quàng Đỏ phối hợp tổ chức hằng năm dành cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, nhằm giúp các em hệ thống và vận dụng kiến thức trong chương trình học.
Đề thi môn ngữ văn dành cho khối lớp 7 có những hình ảnh minh họa để học sinh suy nghĩ về “Những tấm lòng trên mọi ngả đường” - Ảnh: Hải Quân |