Giáo dục

Bộ trưởng hãy “cởi vòng kim cô” 
ra khỏi chúng tôi

TTO - Các con số “đẹp” về kết quả học tập của học sinh hiện nay chưa phản ánh đúng chất lượng giáo dục. Tại sao?

dadKính thưa bộ trưởng!

Xin thưa, đó là do giáo viên phải chịu áp lực rất lớn từ ban giám hiệu, còn ban giám hiệu chịu áp lực từ phòng, sở về việc phải có “số đẹp” về chất lượng cuối năm học.

Trường chúng tôi vừa đón nhận danh hiệu trường chuẩn quốc gia. Những ngày này, giáo viên chúng tôi đang đau đầu với việc ghi sổ điểm cuối năm học. Chúng tôi rất vất vả khi phải điều chỉnh “làm đẹp” những con điểm của học sinh để có được tỉ lệ học sinh giỏi, khá, lên lớp, lưu ban... khớp với thông tư 06, để xứng đáng với danh hiệu “trường chuẩn” của mình.

Thông tư số 06/2010/TT-BGDĐT, ngày 26-2-2010 về quy chế công nhận trường chuẩn quốc gia của Bộ GD-ĐT ghi rõ: “Một năm trước khi được công nhận và trong thời hạn được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tối thiểu phải đạt các chỉ tiêu sau: Tỉ lệ học sinh bỏ học và lưu ban hằng năm không quá 6%, trong đó tỉ lệ học sinh bỏ học không quá 1%. Chất lượng giáo dục: xếp loại giỏi đạt từ 3% trở lên; xếp loại khá đạt từ 35% trở lên; xếp loại yếu, kém không quá 5%; hạnh kiểm: loại khá, tốt đạt từ 80% trở lên; xếp loại yếu không quá 2%...".

Rõ ràng Bộ 
GD-ĐT đã “khoán” chất lượng cho giáo viên. Nói cách khác, chúng tôi cho điểm, chấm điểm học sinh phải dựa trên ba-rem thông tư 06 để xứng đáng là “trường chuẩn”.

Thưa bộ trưởng!

Học sinh hiện nay không còn “ngây thơ, khờ khạo” như thế hệ của cha anh chúng! Các em biết rằng dù có học lơ mơ đến mấy, vi phạm kỷ luật đến mấy thì các thầy cô giáo của chúng cũng chỉ “giơ cao đánh khẽ”, rồi phải cho lên lớp tất tần tật bằng mọi giá.

Giáo viên bộ môn có cứng rắn đến đâu, nghiêm khắc đến mấy rồi cũng theo lệnh hiệu trưởng để cho các em lên lớp. Bộ trưởng có biết giáo viên chúng tôi khổ sở thế nào không? Tất cả vì “trường chuẩn” mà.

Kính thưa bộ trưởng!

Vẫn biết tân bộ trưởng mới nhận chức tư lệnh một ngành được sự quan tâm hàng đầu của xã hội nên không dễ gì ngày một ngày hai thay đổi được tất cả. Nhưng với tâm tư của một giáo viên có tâm huyết, tôi kính mong bộ trưởng hãy nhanh chóng cởi bỏ cái “vòng kim cô” khoán chất lượng giáo dục để giáo viên chúng tôi có thể mạnh dạn, khách quan, trung thực trong việc cho điểm, chấm điểm học sinh. Để những cột điểm số của học sinh phản ánh đúng chất lượng học tập của các 
em và quan trọng là để các 
em tập trung học tập.

Nếu làm tốt việc này, tôi cho rằng chất lượng giáo dục của chúng ta 
sẽ phát triển.

Xin cảm ơn bộ trưởng!

Đừng khống chế giáo viên bởi các chỉ tiêu

Trước hết, bộ trưởng hãy bỏ hết các chỉ tiêu thi đua, đặc biệt là chỉ tiêu lên lớp thẳng, hiệu quả năm năm đào tạo, chỉ tiêu khống chế tỉ lệ học sinh lưu ban ở các trường chuẩn quốc gia...

Bộ trưởng hãy cho giáo viên được quyền để học sinh ở lại hay lên lớp mà không bị khống chế bởi những chỉ tiêu đặt ra ở trên.

Vì những chỉ tiêu quy định như thế không giáo viên nào dám cho học sinh ở lại lớp, nếu thầy cô cương quyết chắc chắn sẽ gặp rất nhiều phiền toái từ phía nhà trường, mà nhà trường cũng bị áp lực từ trên nên cũng chẳng có trường học nào dám vi phạm những chỉ tiêu đã đặt ra. Thế là mọi người toàn “nhắm mắt làm ngơ” để những học sinh không đủ năng lực lên lớp.

Còn điều gì đau lòng hơn khi giáo viên bị phụ huynh chạy theo năn nỉ: “Cô (thầy) ơi! Cho con tôi được ở lại lớp. Dù biết điều đó là tốt cho các em bởi nếu được ở lại chính lớp đó, sang năm chắc chắn em sẽ học tốt hơn.

Dù thế, nhưng không thầy cô nào dám dũng cảm đồng ý bởi có biết bao điều phiền toái sẽ đến với giáo viên theo kiểu quy chụp “Thầy cô chưa nhiệt tình dạy dỗ, kèm cặp các em” hay “Chuyên môn sư phạm yếu”, “Phương pháp dạy học không hiệu quả”...

Cũng vì để hợp thức hóa các chỉ tiêu, có trường lại biến học sinh bình thường thành khuyết tật như ở Hà Tĩnh mà báo chí đã đưa.

Bộ trưởng có tưởng tượng ra một học sinh lớp 1 mà đọc yếu, viết không được vẫn được lên lớp 2. Dù giáo viên khối 2 có nỗ lực bao nhiêu, có sử dụng nhiều biện pháp hỗ trợ thế nào, em cũng khó theo kịp các bạn vì kiến thức lớp dưới hổng thì sao có thể tiếp thu kiến thức cao hơn? Chưa nói đến việc giáo viên cứ lăn vào dạy kèm em học yếu thì sẽ lơ là với hàng chục em học sinh khác của lớp.

Thế rồi năm nào những học sinh này cũng bị đẩy lên lớp nên không ít trường hợp học tới lớp 5 mà không biết đọc, không viết nổi cái tên mình như báo chí đã đưa trong thời gian qua.

Là giáo viên có hơn 20 năm đứng lớp, tôi có thể khẳng định với bộ trưởng điều này: hầu như lớp nào, trường học nào cũng có học sinh ngồi nhầm lớp. Thầy cô đã bỏ rất nhiều công sức cho những đối tượng như thế nhưng sự hi sinh ấy thật uổng phí bởi các em cũng khó tiến bộ vì chương trình vượt quá sức mình.

Nhiều thầy cô bị dằn vặt bởi chính mình cũng tiếp tay hại các em. Nếu để các em được ở lại lớp ngay từ đầu thì đâu có chuyện học xong tiểu học vẫn không biết chữ? (KHÁNH NGỌC)

ĐOÀN HÙNG
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  269,440       1/920