Giáo dục

Mua máy tính giá rẻ: Coi chừng tính già hóa non

TTO - Máy tính đã qua sử dụng hoặc hàng xách tay là một sự lựa chọn phổ biến giúp tân sinh viên có một công cụ hỗ trợ đắc lực trong học tập và giải trí với mức chi phí vừa phải.

Mua máy tính giá rẻ: Coi chừng tính già hóa non 

Cần phải có các kiến thức cơ bản về thông số kỹ thuật, xác định mục đích sử dụng và cân nhắc về kinh phí trước khi chọn mua máy tính đã qua sử dụng hoặc máy xách tay - Ảnh: Minh Huyền
Cần phải có các kiến thức cơ bản về thông số kỹ thuật, xác định mục đích sử dụng và cân nhắc về kinh phí trước khi chọn mua máy tính đã qua sử dụng hoặc máy xách tay - Ảnh: Minh Huyền

Tuy nhiên, không phải bạn sinh viên nào cũng có thể “sống yên ổn” với máy tính giá rẻ nếu ngay từ đầu không mua được một chiếc máy chạy ổn định. Trong trường hợp xấu hơn, chi phí và thời gian sửa chữa máy tính “đội” lên có khi còn hơn cả một máy tính mới.

Hàng “zin 99%” vẫn “liệt cả đôi đường”

Câu chuyện về thời hạn bảo hành và chất lượng của máy tính đã qua sử dụng hoặc máy xách tay được quảng cáo là mới 99% đã khiến các bạn sinh viên, đặc biệt là tân sinh viên năm thứ nhất hoang mang.

Vũ Bảo Nhung, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, kể lại câu chuyện “thiệt cả đôi đường” khi mua một chiếc máy tính đã qua sử dụng tại một cửa hàng gần khu làng đại học thuộc phường LinhTrung, quận Thủ Đức.

Ngày ấy, do được giới thiệu về máy tính giá rẻ nhưng mới 99%, máy có thể sử dụng bàn phím hoặc cảm ứng ngay trên màn hình, Nhung quá thích thú với tính năng thứ hai nên đã quên đi việc kiểm tra từng phím bấm hoặc các tính năng khác.

“Cứ lướt màn hình trôi tuồn tuột để xem phim, nghe nhạc, lên Facebook là mình tạm phấn khích rồi nên vô tình không quan tâm đến cái bàn phím và các tính năng khác. Mình đã nghĩ mua được chiếc máy siêu hiện đại và siêu rẻ với giá 4 triệu” - Nhung kể lại.

Lướt được khoảng 1 tháng, màn hình cảm ứng bắt đầu không còn hoạt động theo ý mình nữa. Nhung chuyển sang dùng bàn phím thì phát hiện vài phím bị liệt. Cứ loay hoay chấm, quẹt màn hình không được lại bấm phím thì cuối cùng “liệt cả đôi đường”. Kết quả là máy tính lại đơ ra, khởi động lại từ đầu, nhiều lúc chưa kịp sao lưu.

Khi mang ra bảo hành, Nhung mới phát hiện hạn bảo hành chỉ có 2 tháng. Nếu muốn sửa chữa thì phải thay bàn phím và mở màn hình ra sửa chữa, giá khoảng hơn 2 triệu.

“Không sửa thì không có máy để dùng, bỏ đi mua mới lại càng không có tiền. Thôi đành bỏ tiền ra sửa cho xong” - Nhung lắc đầu.

Lê Tuấn Anh (ngụ Q.5, TP.HCM, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin) cho biết xung quanh các trường đại học thường có khá nhiều cửa hàng bán máy tính cho sinh viên, trong đó điển hình là máy đã qua sử dụng hoặc máy xách tay. Laptop xách tay thường được quảng cáo là nhập từ Mỹ, Nhật, Đài Loan về còn “zin 99%”.

“Theo lời giải thích của chủ cửa hàng thì máy tính này là hàng trưng bày cho khách sử dụng thử trong các hội thảo, triển lãm hoặc các cửa hàng nên hầu như mới 99%, không khác gì máy tính mới nguyên đai nguyên kiện. Nghe vậy, một số bạn nữ mừng vội vì mua được món hời. Một số bạn không biết yêu cầu kiểm tra phần cứng hoặc có bật các thông số lên thì cũng không hiểu rõ ý nghĩa tình trạng của máy” - Tuấn Anh chia sẻ.

Tuấn Anh cho biết thêm các bạn học công nghệ thông tin và đồ họa thì có vẻ hiểu hơn về máy tính và nhu cầu sử dụng của mình nên có thể cân nhắc giữa túi tiền và máy tính. Tuy nhiên, các bạn sinh viên không am hiểu về máy tính thường không hiểu rõ với nhu cầu đó thì mình nên mua máy với thông số như thế nào cho phù hợp với giá tiền.

Ví dụ, nhiều bạn chỉ sử dụng tin học văn phòng với các ứng dụng cơ bản (Word, Excel, Power Point) lại đi mua một chiếc máy bộ nhớ RAM tới 8GB với giá 7 - 8 triệu. Trong khi một máy mới tinh, RAM từ 2 - 4GB cũng chỉ bằng hoặc có khi rẻ hơn giá nói trên.

“Vậy nên, máy tính đã qua sử dụng rất khó nói về giá cả và chất lượng nếu không phải là một kỹ thuật viên. Đắt chưa chắc đã tốt, rẻ lại càng không có nghĩa là không bị hớ” - Tuấn Anh chia sẻ.

“Máy tính mua lại thường có thời gian bảo hành khoảng 1 - 6 tháng và cũng không có chính sách sửa chữa nào đảm bảo nếu cửa hàng không thân quen hay uy tín. Lâu lâu chuột hỏng, lâu lâu máy nóng, phím đơ, lâu lâu pin ảo, tụt nguồn đột xuất không kịp sao lưu. Cứ vậy, túi tiền sinh viên lâu lâu lại năm bảy trăm đi sửa chữa thì chi phí cộng lại có khi mua được một chiếc máy mới” - Lâm Văn Triệu (sinh viên Trường ĐH KHXH&NV) than thở. 

(Còn tiếp)

MINH HUYỀN - TUẤN LINH
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  269,375       1/928