TTO - Ngày 20-5, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật VN họp với lãnh đạo Bộ GD-ĐT góp ý về việc thực hiện thông tư 30 về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học sau hai năm học triển khai đại trà.
Giáo viên một trường tiểu học tại TP.HCM viết nhận xét cho học sinh theo thông tư 30 - Ảnh: Như Hùng |
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh khá nhiều giáo viên đồng loạt kêu khổ.
Bày tỏ sự ủng hộ tinh thần của thông tư 30 ở khía cạnh nhân văn là tăng cường nhận xét, khích lệ học sinh, theo dõi, đánh giá học sinh trong cả quá trình tiến bộ, nhưng ông Nguyễn Kế Hào - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT - cho rằng định lượng và định tính phải luôn đi cùng với nhau trong việc đánh giá. Trong khi thông tư 30 chỉ có một nửa là định lượng, không có định tính.
“Một bài kiểm tra cuối kỳ không đủ định lượng. Không thể đánh giá học sinh có khả năng đạt điểm cao là “ngoan” mà điểm kém cũng là “ngoan”. Nền giáo dục nào cũng phải có đánh giá để phân định người tài giỏi, không thể đánh đồng chung chung” - ông Hào bày tỏ quan điểm.
Phải thận trọng và lắng nghe dư luận
Tuy nhiên, cũng theo ông Hào, việc đổi mới đánh giá đối với học sinh phổ thông là rất cần thiết. Phương pháp đánh giá cũ chưa toàn diện, lớt phớt, tạo không khí nặng nề. Tuy nhiên, chạm đến giáo dục là vấn đề rất nhạy cảm nên phải thận trọng và lắng nghe dư luận.
Cũng khá nhiều ý kiến tại cuộc họp bày tỏ sự ủng hộ đổi mới, ủng hộ thông tư 30. TS Nguyễn Đức Minh, Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng thông tư 30 là nhân văn, giảm áp lực căng thẳng không cần thiết cho học sinh. Nhưng tại sao giáo viên mô hình VNEN làm được, còn mô hình truyền thống thì khó, việc này phải tìm hiểu kỹ.
“Thực tế có hiệu trưởng lẫn lộn việc “nhận xét” và “ghi nhận xét” nên chỉ đạo giáo viên ghi chép quá nhiều, theo mẫu, dẫn tới lao động của giáo viên vất vả. Ngoài ra còn rất nhiều vướng mắc khác trong quá trình thực hiện. Xu thế giảm cho điểm, tăng nhận xét là hay. Nhưng về việc này cần phải rà soát kỹ để tháo gỡ khó khăn, chứ không nên thấy kêu là bỏ. Cần thực hiện từng bước trên cơ sở phù hợp với thực tế” - ông Minh nói.
GS Đặng Ngọc Dinh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học công nghệ) cho biết hiện một số nước cũng “đánh giá bằng nhận xét”, nhưng họ thay thế bằng nhiều hình thức như mặt cười, mặt mếu… Cuối kỳ thì lại có cạnh tranh rất lớn trong kỳ thi đánh giá.
“Cách chúng ta đang làm có thể làm giảm sự cạnh tranh. Về việc này cần rà soát lại để tiếp tục thí điểm một cách thận trọng” - ông Dinh nói.
Thiếu về điều kiện
Nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng thông tư 30 sở dĩ còn nhiều lấn cấn là do thiếu các điều kiện để thực hiện và chưa uyển chuyển, linh hoạt trong việc thực hiện.
“Năng lực của giáo viên đã đủ để đánh giá học sinh theo thông tư 30 hay chưa? Theo tôi, giáo viên phần đông chưa đủ năng lực đánh giá theo thông tư 30. Chưa kể họ đang thiếu thốn nhiều thứ, lương thấp, thời gian eo hẹp, phương tiện kỹ thuật thiếu, yếu. Đặc biệt, đội ngũ quản lý giáo dục nhìn chung chưa đủ năng lực. Trong hoàn cảnh đó, việc đổi mới dù đáng ủng hộ thì cũng nên triển khai từng bước, chắc chắn. Nơi nào có điều kiện thì làm trước, không nên ồ ạt” - ông Nguyễn Kế Hào chia sẻ.
Một số đại diện các sở GD-ĐT tại cuộc họp cũng thừa nhận sự lúng túng của cả giáo viên và cán bộ quản lý: “Nhiều giáo viên máy móc, không có quy định cứng thì lo sợ, cách ghi nhận xét vẫn hình thức. Vì thế để đảm bảo chất lượng, nhiều nơi vẫn đánh giá học sinh bằng điểm số đối với lớp 4, 5 bên cạnh yêu cầu đánh giá theo thông tư 30. Điều này dẫn tới việc quá tải cho cả giáo viên và học sinh” - một cán bộ quản lý của Sở GD-ĐT Hải Dương cho biết.
Bà Lê Đoan Trang, phó hiệu trưởng Trường phổ thông Thực nghiệm Hà Nội, nhận xét: “Giáo viên khi thực hiện đổi mới đánh giá học sinh cũng có hai tầng bậc. Giáo viên có thâm niên nhiều năm thay đổi chậm. Trong khi giáo viên trẻ tích cực tiếp cận, áp dụng tuyệt vời.
Phụ huynh cũng có hai kiểu. Một kiểu phụ huynh quan tâm tới con, vui vẻ với cách đánh giá mới. Một số phụ huynh vẫn còn băn khoăn. Nhất là những phụ huynh có con sắp chuyển cấp. Họ lo đổi mới đánh giá không đồng bộ dẫn tới học sinh bị sốc khi lên THCS."
"Đổi mới cần có lộ trình hợp lý và liên thông trong toàn hệ thống” - bà Trang kiến nghị.
Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến đều cho rằng sĩ số học sinh/lớp quá đông là một cản trở lớn cho việc đổi mới đánh giá. Vì như thế giáo viên không thể kiểm soát, theo sát sự tiến bộ của từng học sinh. Việc đánh giá theo thông tư 30 sẽ dễ rơi vào hình thức, đối phó.
Đang tiến hành sửa thông tư Lắng nghe các ý kiến góp ý, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết Bộ GD-ĐT đang tiến hành sửa thông tư trên cơ sở góp ý. Ông Hiển cũng thừa nhận đúng là có rất nhiều khó khăn trong việc triển khai cái mới. Nhưng thấy khó mà không làm thì không bao giờ đổi mới được, mà phải bắt tay vào làm mới dần dần tháo gỡ được khó khăn. “Khó khăn nhất đang nằm trong nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên” - ông Hiển nhấn mạnh. Có rất nhiều vấn đề khi triển khai đại trà như việc nhầm lẫn dẫn đến chỉ đạo sai tinh thần thông tư, cán bộ quản lý máy móc trong thực hiện khiến giáo viên bị quá tải. “Còn có hiện tượng thông tư chưa triển khai đại trà đã có nơi in sổ sách để bán (sử dụng để giáo viên ghi nhận xét)... Tất cả bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện phải rút kinh nghiệm, điều chỉnh” - ông Hiển nói. |