TTO - Sân trường tiểu học Đặng Văn Ngữ (Q. Phú Nhuận, TP.HCM) hôm nay khác lạ thu hút nhiều ánh nhìn của học trò bởi những khung hình trưng bày ngay tại sảnh lớn.
Học sinh Trường tiểu học Đặng Văn Ngữ say sưa tìm hiểu chuyên đề về Bác Hồ được triển lãm tại sân trường - Ảnh: C.K. |
Chương trình triển lãm lưu động đã được tổ chức tại sân trường trong suốt năm học này là một cách đưa bảo tàng đến gần hơn với học sinh.
“Hành trình đến với bảo tàng là một hoạt động ý nghĩa, tuy nhiên mỗi lần tổ chức đưa các em đến các bảo tàng sẽ mất nhiều thời gian và kinh phí thuê xe, chính vì thế tôi đã đề xuất nhà trường phối hợp với các bảo tàng đưa những chuyên đề về tận trường để trưng bày, triển lãm.
Mỗi đợt triển lãm kéo dài khoảng chục ngày, các em sẽ có nhiều thời gian tìm hiểu hơn so với đưa các em đến bảo tàng” - anh Nguyễn Tất Bình, tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Đặng Văn Ngữ, cho biết.
Mỗi tháng nhà trường lại tổ chức mời các bảo tàng lần lượt triển lãm theo từng chủ đề gắn với những sự kiện được học sinh và đông đảo mọi người quan tâm.
Gần đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương, nhà trường mời Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đến triển lãm chuyên đề “Thời Hùng Vương qua tư liệu và hình ảnh”. Hàng trăm hình ảnh về các đời vua Hùng và những nét văn hóa, đời sống xã hội của giai đoạn lịch sử ấy như hiển hiện một cách sinh động qua những lời giới thiệu của thuyết minh viên.
Phạm Lê Minh Anh, học sinh lớp 4, tỏ ra thích thú: “Em đã được học về vua Hùng ở môn lịch sử, nhưng xem những hình ảnh về đời sống của người dân thời trước em thấy rất thích vì đã tìm hiểu thêm nhiều kiến thức phong phú hơn trong sách”.
Một chuyên đề khác cũng thu hút nhiều học sinh và để lại nhiều dấu ấn trong lòng học trò chính là chuyên đề về biển đảo quê hương. Hình ảnh, tư liệu về biển đảo Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được trưng bày sống động qua những thước phim màu.
Ngoài hình ảnh người lính nơi đầu sóng ngọn gió còn là những hình ảnh đời thường của ngư dân, của những công dân và cả những bạn học sinh trên đảo Trường Sa Lớn khiến các em học sinh thấy biển đảo thiêng liêng nhưng thật gần gũi.
“Ở đảo xa chắc các bạn học sinh ở đấy khó khăn hơn chúng em, do vậy em sẽ tiết kiệm để tặng tập vở, sách giáo khoa và dụng cụ học tập gửi ra cho các bạn ấy thông qua phong trào Đội - Vận động Vì Trường Sa thân yêu” - bạn Nguyễn Ngọc Hân, học sinh lớp 4, bộc bạch.
Để mừng sinh nhật Bác ngày 19-5, trước đó học sinh của trường lại có dịp được tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác qua những tư liệu, hình ảnh quý giá do Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM đem đến tận trường để triển lãm. Hình ảnh của Bác từ thời niên thiếu đến những chặng đường hoạt động cách mạng… cũng như hình ảnh Bác Hồ và các cháu thiếu nhi luôn là những tư liệu được các bạn nhỏ tìm hiểu, đọc một cách say sưa.
Bạn Minh Hằng, học sinh lớp 5, chia sẻ: “Trong suốt năm học, chúng em đã được xem rất nhiều chuyên đề triển lãm tại sân trường. Mỗi đợt triển lãm em đều tranh thủ giờ ra chơi hoặc trước khi ra về để đọc những thông tin triển lãm. Em thích nhất là chuyên đề triển lãm về Bác Hồ”.
Đưa bảo tàng đến trường học cũng là cách làm nhằm hướng các bạn học sinh mới tiếp cận với môn lịch sử bằng những hình ảnh, tư liệu trực quan sinh động. Đấy cũng là cách bồi đắp tình yêu với môn lịch sử, yêu quê hương đất nước cho các bạn nhỏ như lời Bác Hồ từng căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.