TTO - Nếu bộ trưởng vi hành về các trường, dự giờ đột xuất sẽ thấy rõ mức độ hiệu quả của mô hình trường học mới hiện nay. Lớp học đã bị phá vỡ bởi không khí ồn ào, náo loạn của các nhóm học sinh...
Giáo viên Trường tiểu học Vĩnh Phương, Nha Trang đến từng nhóm học sinh để hướng dẫn theo mô hình VNEN - Ảnh tư liệu: Hữu Khoa |
Kính gửi bộ trưởng!
Câu khẩu hiệu: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo” luôn treo trên tường mà trường nào cũng có. Nhưng những thầy cô giáo chúng tôi thường nói với nhau mình đang bị buộc chặt hai tay thì làm sao mà sáng tạo được.
Với việc áp dụng mô hình trường học mới VNEN như hiện nay, giáo viên buộc phải dạy theo quy trình đã được quy định sẵn như học sinh ngồi học theo nhóm (thường thì 6 em/nhóm với lớp có sĩ số 35 học sinh trở xuống và nhóm 10 em với lớp sĩ số là 60 em).
Nhóm trưởng sẽ điều khiển các bạn trong nhóm từ việc tìm hiểu đề, nêu hướng giải quyết, các cá nhân cùng làm, trao đổi với bạn bên cạnh và kiểm tra kết quả trước khi báo cáo giáo viên nghiệm thu.
Trường hợp học sinh trong nhóm không hiểu vấn đề gì đó đưa cờ báo hiệu cứu trợ, giáo viên trực tiếp xuống giảng giải cho ngay nhóm ấy. Nếu là sai chung, sai đại trà, thầy cô mới được giảng trên bảng lớp như trước đây.
Chiếc bảng lớp đã không còn tác dụng nhiều trong các tiết học, vì thế có nơi đã kiến nghị bỏ bảng để giáo viên không thể “ôm bảng” giảng bài.
Trong thực tế giảng dạy thì sao? Trình độ học sinh trong một lớp không đồng đều, nhiều em là "sản phẩm” của bệnh thành tích nên phần lớn các em chưa có ý thức cũng như khả năng tự học nên việc giảng dạy theo mô hình trường học mới là quá khó khăn.
Nếu bộ trưởng vi hành về các trường, dự giờ đột xuất sẽ thấy rõ mức độ hiệu quả của mô hình trường học mới hiện nay. Lớp học đã bị phá vỡ bởi không khí ồn ào, náo loạn của các nhóm học sinh.
Thầy cô thì cứ như con thoi đứng nhóm này, nhóm khác lại nói chuyện, chọc phá nhau. Dùng biện pháp khen thưởng bằng “bảng đo tiến độ” em giỏi đọc cho em yếu chép bài để nhanh hoàn thành nhiệm vụ. Dù thật cố gắng, thầy cô giáo cũng khó lòng kiểm soát nổi.
Với cách học tự nghiên cứu, tự học, tự tìm hiểu khi cần thầy cô mới hướng dẫn, nhiều phụ huynh nói: “Sợ con không biết gì nên thường cho con đi học thêm ở các trung tâm vào buổi tối hoặc thuê gia sư về nhà dạy kèm”.
Nhờ thế mà mai lên lớp, một số em này sẽ như những “con vẹt" nói lại những điều đã được học trước một cách máy móc cho bạn cùng nhóm nghe. Sẽ rất thiệt thòi cho những học sinh vừa chậm lại không được ba mẹ quan tâm cho học thêm ở nhà.
Đã có không ít thầy cô giáo dạy ở ngôi trường đang áp dụng mô hình trường học VNEN nói: “Sáng dạy VNEN, chiều lại quay về truyền thống”.
Có nghĩa là buổi sáng giáo viên cứ để các em tự học, tự nghiên cứu cho đúng quy trình, đúng thủ tục của phương pháp dạy học mới. Tiết học tăng tiết buổi chiều, thầy cô giáo sẽ quay lại cách giảng bài truyền thống để giúp các em hiểu sâu, hiểu kĩ vấn đề hơn.
Nhưng kiểu dạy ấy cũng phải lén lút vì như thế thầy cô giáo đã vi phạm “quy chế chuyên môn”.
Bộ trưởng ơi!
Chẳng ai có thể nắm chắc tình hình học sinh bằng giáo viên vì chỉ có thầy cô giáo mới là người hiểu rõ nhất trình độ học sinh của mình và chính họ mới biết được đối với nội dung từng bài học sẽ sử dụng phương pháp dạy học nào mới thật sự mang lại hiệu quả.
Hãy để giáo viên được sáng tạo, được áp dụng những phương pháp dạy học tích cực, giúp các em hiểu bài mà đâu nhất thiết phải cứ là VNEN, cứ phải ngồi theo “mâm” theo “dĩa” như thế mới là tích cực. Hãy quản lý chất lượng học sinh, còn phương pháp dạy học thế nào cứ để thầy cô giáo toàn quyền quyết định.