Giáo dục

Bộ trưởng ơi, xin hãy cứu môn lịch sử!

TTO - Có rất nhiều lời “kêu cứu” của giáo viên dành cho môn lịch sử được gửi về diễn đàn. Những bức xúc ấy đến từ chính giáo viên dạy sử. Tuổi Trẻ xin được trích đăng hai trong số các ý kiến trên.

Một tiết học môn sử của học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Một tiết học môn sử của học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Môn lịch sử không có lỗi, chúng tôi cũng không có lỗi, có chăng là vì cái nhìn thực dụng của xã hội dành cho môn lịch sử, khiến học sinh đón nhận môn học này một cách hời hợt. Dẫu chúng tôi tâm huyết với nghề, nhưng nhiệt huyết dạy học ở đâu khi cả lớp đều quay lưng với môn lịch sử? Chạnh lòng lắm, bộ trưởng có biết không?

Là giáo viên dạy lịch sử, tôi tha thiết mong tân bộ trưởng hãy cứu lấy môn lịch sử đang bị xem nhẹ, bỏ rơi, ghẻ lạnh.

Mỗi khi đứng trên bục giảng, kể những câu chuyện về nhân vật lịch sử, nhận những lời bình luận tích cực của học trò, tôi thấy yêu nghề hơn, đỡ bị tủi thân.

Nhưng khi lựa chọn học sinh đi thi học sinh giỏi môn lịch sử, tôi thấy sốc vì cha mẹ các em phản đối, bởi không muốn con cái họ đi thi lịch sử mà muốn chuyên tâm vào học các môn ngoại ngữ, toán, lý, hóa...

Biết nhiều em rất thích môn lịch sử, tôi cũng muốn định hướng để các em học khối C lắm, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu của phụ huynh.

Xã hội coi trọng bằng cấp, gia đình định hướng nghề nghiệp, học sinh cũng bắt đầu thực dụng và môn lịch sử trở thành môn phụ. Mục tiêu chính của các em là học để thi đại học, chỉ cần đậu đại học là được. Môn lịch sử nếu không thi cử gì thì đương nhiên các em sẽ cho rằng không cần phải học.

Thực tế dễ nhận thấy nhất là quan điểm thi khối C thì học được gì, công việc ở đâu? Vì thế đa số các em học lịch sử theo kiểu đối phó, nghe xong rồi để đó, thi xong rồi “chữ thầy lại trả cho thầy”.

Thật lòng, xã hội và cả phụ huynh đang có cái nhìn chưa đúng mực với môn lịch sử, khiến môn học này bị thất thế. Trước tình hình này, giáo viên dạy lịch sử hiện nay không còn động lực để đầu tư giảng dạy nữa.

Yêu nghề, nhưng nếu không được đãi ngộ xứng đáng, không có chỗ đứng thì sao chúng tôi có thể tận tâm, thưa bộ trưởng?

Trong khi đó cách thi của môn lịch sử vẫn nặng về kiến thức, vẫn đòi hỏi chi tiết, số liệu một cách chính xác, dù đã có đổi mới đôi chút. Học sinh sợ phải nhớ kiến thức một cách máy móc, hàn lâm kiểu này.

Thực tế, môn lịch sử của ta rất khô khan và viết theo lối áp đặt suy nghĩ là chính. Người dạy nếu dựa quá nhiều vào sách giáo khoa thì học sinh càng khó đón nhận. Mà khi học sinh không yêu môn lịch sử, đã thế lối dạy còn theo lối mòn thì việc học sẽ càng khó khăn hơn, từ đó các bạn trẻ rời xa môn lịch sử Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.

Học lịch sử chỉ cần kiến thức ít thôi, thay vào đó là những dấu mốc cần thiết hơn là tham lam, dàn trải mà học sinh thì chối bỏ, không tiếp nhận bài giảng. Lâu nay, chương trình lịch sử từ cổ chí kim quá nhiều mà thời lượng dạy lại quá ít.

Ở cấp III, nơi tôi đang dạy mỗi tuần một tiết sử, mà một tiết phải truyền đạt bài dài đến bốn, năm mục thì dạy sao nổi, đành phải dạy qua loa. Học sinh thì học tủ, học theo kiểu trả bài rồi đến ngày mai lại quên ngay. Nếu như bất cứ chiến dịch nào cũng theo môtíp là “nguyên nhân”, “diễn biến”, “kết quả”, “ý nghĩa” thì sẽ khiến các em học máy móc, rập khuôn.

Những người viết sách lịch sử nên chú trọng vào mưu lược, vào các vị anh hùng, sẽ tạo được hứng thú học tập hơn là việc buộc học sinh phải nhớ những con số như bao nhiêu máy bay, bao nhiêu xe tăng... Nhiều lúc tôi tự hỏi bắt các em nhớ chiến dịch của ta diệt được bao nhiêu tên địch, bắn được bao nhiêu máy bay, tịch thu được bao nhiêu súng ống để làm gì?

Nên giao các bài luận về một nhân vật lịch sử, một vị anh hùng dưới góc nhìn của mỗi học sinh, để thầy trò cùng tranh luận, giúp các em đi sâu vào những câu chuyện lịch sử hào hùng, góp phần khơi gợi thêm lòng yêu nước.

Bài vở gửi về diễn đàn “Đặt hàng với tân bộ trưởng” xin vui lòng gửi về địa chỉ giaoduc@tuoitre.com.vn

Cứu môn lịch sử là để khơi gợi lòng yêu nước

Những câu chuyện lịch sử Việt Nam nên tăng cường hình ảnh minh họa sinh động, trong đó chú thích đầy đủ. Nếu như môn địa lý có Atlas thì môn lịch sử tôi thấy cũng cần thiết biên soạn Atlas lịch sử Việt Nam để cho học sinh dễ cảm nhận hơn.

Đổi mới và cải cách môn lịch sử không chỉ là “cứu” môn lịch sử mà còn giúp nâng cao lòng yêu thương đất nước của các tầng lớp bạn trẻ. Nếu như xã hội coi trọng môn lịch sử thì mới có thể cải cách được việc giáo dục lịch sử hiện nay. Cái hồn của lịch sử theo tôi nghĩ chính là khơi gợi lòng yêu nước, bộ trưởng ạ!

Những đề xuất dành cho môn lịch sử

Tôi là giáo viên giảng dạy bộ môn lịch sử. Đây là bộ môn mà trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã bị xóa sổ, do việc lồng ghép với những bộ môn khác. Nhìn thấy sự quan tâm và hiện trạng học tập bộ môn lịch sử ngày càng sa sút, nay tôi mạo muội gửi đến bộ trưởng một số đề xuất sau:

1- Xóa bỏ xu thế liên môn

Liên môn đang được xem là một xu thế mới và các trường THPT đang cố gắng thực hiện trong mệt mỏi. Mỗi một bộ môn đều có chức năng khoa học riêng.

Một số bộ môn có kiến thức trùng nhau, nhưng cách tiếp cận ở mỗi bộ môn khác nhau; vì vậy việc cố gắng ghép các kiến thức trùng nhau đó thành chuyên đề chẳng những không giảm tải cho học sinh, mà còn tăng thêm khối lượng kiến thức và sự mệt mỏi của giáo viên.

Xu thế liên môn này đáng lẽ phải được triển khai ngay trong trường đại học sư phạm, để tạo cơ sở nền tảng cho giáo viên tương lai, nhưng lại được triển khai ngay xuống giáo viên, những người được đào tạo theo khuynh hướng đơn môn, nên gây cho giáo viên rất nhiều khó khăn.

2- Giảm tải chương trình giảng dạy

Tình trạng học sinh quá tải trong việc học hiện nay không phải vì các em học quá nhiều môn, mà là khối lượng kiến thức các em phải học do chương trình của bộ đề ra quá nhiều.

Xin dẫn chứng, riêng bộ môn lịch sử trong chương trình THPT, học sinh phải học tất cả các kiến thức từ lịch sử thế giới đến lịch sử Việt Nam, từ thời xã hội nguyên thủy đến năm 2000.

Sử thế giới các em phải học lịch sử của nhiều khu vực, nhiều quốc gia trên thế giới.

Sử Việt Nam các em phải học từ tổ chức nhà nước thời phong kiến đến từng chủ trương của Đảng trong thời kỳ đấu tranh cách mạng...

Với rất nhiều kiến thức như thế, rất dễ hiểu vì sao các em học sinh ngán ngại môn sử.

3- Học gì thi nấy

Thực tế cho thấy học sinh hiện nay có tư tưởng thực dụng. Chỉ quan tâm học các môn mà các em dùng nó để xét tuyển vào đại học. Từ đó dẫn đến vấn đề học lệch, và hệ lụy là các môn khoa học xã hội khó phát huy tính giáo dục con người của nó.

Nay đề nghị, trong kỳ thi THPT, tất cả các môn mà học sinh học ở phổ thông đều phải thi. Tuy nhiên, để giảm tải và không gây áp lực cho học sinh, tôi xin đề nghị môn sử cũng như các môn khác (ngoại trừ văn, toán) thi bằng hình thức trắc nghiệm trong 60 phút.

Tôi tin chắc khi chương trình giảng dạy được giảm tải thật sự triệt để, thì việc thi tất cả các môn không hề gây bất kỳ áp lực nào cho học sinh.

Nguyễn Viết Đăng Du (Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM)

LÊ HỒNG (Trường THPT Hoằng Hóa 2, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa)
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  269,447       1/921