Giáo dục

Bất thường trong thi chứng chỉ tiếng Anh

TTO - Những cuộc chạy đua bất thường để kiếm chứng chỉ đã diễn ra, từ quy định mới của Bộ GD-ĐT: yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ A1, A2, B1 tiếng Anh thì mới được chuyển xếp lương, được duy trì vị trí dạy học, đảm bảo đầu vào học thạc sĩ.

Sau khi đã nộp tiền để ôn thi chứng chỉ tiếng Anh bằng B1, các thí sinh được cấp một tập tài liệu để ôn thi - Ảnh: Nguyễn Khánh
Sau khi đã nộp tiền để ôn thi chứng chỉ tiếng Anh bằng B1, các thí sinh được cấp một tập tài liệu để ôn thi - Ảnh: Nguyễn Khánh

Theo đó, thông tư xếp hạng giáo viên các cấp quy định: thấp nhất giáo viên các cấp phải có trình độ tiếng Anh A1 (tiểu học, THCS), A2, B1 (THPT) theo khung quy chuẩn tham chiếu châu Âu. Giáo viên đang dạy tiếng Anh tại các trường phổ thông phải có chứng chỉ B2, C1 tùy theo cấp học.

Trong thư gửi cho Tuổi Trẻ của nhiều giáo viên ở Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên và thư bạn đọc là sinh viên đang chuẩn bị dự thi đầu vào thạc sĩ đều phản ánh đúng hiện tượng chúng tôi đã tìm hiểu. Phần đông giáo viên, sinh viên phải mua chứng chỉ đều lựa chọn các trường ĐH vùng để đăng ký dự thi, với hi vọng có thể “lách luật”.

B1, B2 giá 8-10 triệu đồng

Khá nhiều trang web thông báo tuyển sinh ôn tập và tổ chức thi lấy chứng chỉ từ A1 đến B2 với lời quảng cáo “đảm bảo đậu 100%”. Qua giới thiệu của một giáo viên tại Hà Nội, chúng tôi chọn một địa chỉ và liên hệ điện thoại. L. bắt máy, tự giới thiệu với chúng tôi là giáo viên Trường trung cấp Thái Nguyên, hiện đang làm việc tại văn phòng đại diện của trường tại Hà Nội.

“Trường em đúng là có liên kết với ĐH Thái Nguyên để tổ chức thi lấy chứng chỉ. Quy định như hiện nay thì giáo viên khó ai thi được, tất cả phải lách hết. Em bao luôn cả “sân viết” và “sân nói” để đỗ luôn” - L. trao đổi như vậy khi biết chúng tôi có nhu cầu mua chứng chỉ B1.

Trong lúc chúng tôi nói chuyện với L. thì có vài người đến giao tiền. Họ đếm tiền ngay trước mặt chúng tôi. L. cho biết thông báo thì chứng chỉ B1 giá 8 triệu đồng/người, nhưng có thể giảm chỉ 7,5 triệu đồng/người. Còn chứng chỉ B2 khó hơn thì đúng 10 triệu đồng. L. giải thích giá trên là “bao sân” để đảm bảo đậu. Còn có một dạng khác, người thi chỉ phải nộp 6,5 triệu đồng/người, không đảm bảo chắc chắn đậu, nhưng khi thi sẽ được tự do... chép bài thoải mái!

L. cho biết với chứng chỉ C1, giá phải 15 triệu đồng nhưng không chắc, vì đề thi dài, khó, các bài thi đều phải đạt 8,5 điểm. Nhưng nếu thỏa thuận trước thì sẽ có “quân xanh” cài trong phòng thi hỗ trợ.

“Nếu có đủ 50 người đăng ký thì chúng em có thể thương lượng với ĐH Thái Nguyên để tổ chức thi tại Hà Nội. Nhưng chỉ với B1, B2. Còn C1 thi ở Hà Nội thì khó, vì phòng thi ở Hà Nội có camera. Thi tại Thái Nguyên, chúng em có xe đưa thí sinh từ Hà Nội đi Thái Nguyên”, L cho biết.

L. cho biết tiếp: “Vừa có một đợt thi hôm 23-3, trong đó có khá nhiều giáo viên dự thi. Vì các sở GD-ĐT đang rà soát, nên giáo viên cần hợp thức hóa hồ sơ. Ngày 15-5 có một đợt thi nữa”.

Theo L., khi thí sinh đóng tiền sẽ được cấp tài liệu photocopy. Thí sinh có thể học thuộc hoặc mang tài liệu vào phòng thi để chép. Nhưng cũng có những người không thể thuộc lòng, cũng không có khả năng chép đúng thì sẽ có những cách để hỗ trợ.

Ví dụ, ở bài thi nói thường có phần nói về bản thân. Mẹo mà các nhân viên hướng dẫn tại các lớp ôn thi là thí sinh kéo dài hơn phần giới thiệu bản thân, để cố tình cung cấp cho người coi thi dữ liệu của mình. “Đó là cách nhận mặt người quen” - một nhân viên cho biết.

Hay “trong bài thi nói, nếu không hiểu giám thị hỏi gì thì thí sinh nói “đồng xu hai mặt”. Nghe câu này, giám thị sẽ tự hiểu mà chuyển sang hỏi câu khác” - L. căn dặn.

Tuy nhiên, theo L., mỗi đợt thi có các “từ khóa” khác nhau mà chỉ người nộp tiền, đăng ký của đợt đó mới biết.

Bài thi làm giống như “cò” chỉ vẽ

Ông Hà Xuân Linh - thường trực đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 của ĐH Thái Nguyên, phó ban chấm thi hội đồng chấm thi cấp chứng chỉ của ĐH Thái Nguyên - khẳng định: lực lượng coi thi và chấm thi trong các hội đồng thi cấp chứng chỉ tiếng Anh 100% là cán bộ của ĐH Thái Nguyên.

6 đơn vị được ĐH Thái Nguyên giao bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ thì chỉ có chức năng bồi dưỡng, còn việc tổ chức thi do bộ phận khảo thí của ĐH Thái Nguyên đảm nhiệm.

Nhưng ông Linh cũng thừa nhận gần đây có nhiều lời xì xào về việc buông lỏng việc thi cấp chứng chỉ của trường. Khâu hậu kiểm đợt thi nào cũng có, nhưng theo ông Linh thì lần đầu tiên việc hậu kiểm của đợt thi diễn ra vào ngày 23-3 vừa qua đã phát hiện dấu hiệu tiêu cực rất rõ.

“Có 152/351 bài thi có dấu hiệu bất thường. Lợi dụng một câu của bài thi viết yêu cầu thí sinh viết email, 152 bài thi đã ghi tên đầy đủ của mình ở dưới email, phần “my full name”. Chúng tôi lập tức tách riêng số bài thi này, thành lập tổ chấm. Trong số 152 bài, có 69 bài sau khi kiểm tra đã phát hiện thí sinh ghi tên thật của mình. Những bài này lập tức bị hủy. Các bài khác được chấm chặt chẽ, loại bỏ trường hợp được chấm lỏng tay để đỗ” - ông Linh cho biết.

Đợt hậu kiểm kể trên được tiến hành trong bối cảnh ĐH Thái Nguyên nhận được thư tố giác đích danh tên một số cán bộ của trường dung túng, tiếp tay cho các cơ sở bên ngoài nhằm đảm bảo đỗ cho thí sinh. Ngoài việc mời công an điều tra, lãnh đạo trường còn ban hành các quy định chấn chỉnh chặt chẽ, khâu hậu kiểm đã được quan tâm hơn.

Theo ông Linh, nếu bất cứ tố giác nào có bằng chứng, trường tiếp tục cho kiểm tra lại. “Bài thi nói đều có ghi âm lại nội dung hỏi đáp với từng thí sinh. Kiểm tra lại sẽ thấy ngay giám thị có dấu hiệu tiêu cực hay không” - ông Linh khẳng định.

Một trang web rao về kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh B1, B2 của ĐH Thái Nguyên - Ảnh: từ Internet
Một trang web rao về kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh B1, B2 của ĐH Thái Nguyên - Ảnh: từ Internet

Lơi lỏng ở điểm nào?

Theo số liệu do ĐH Thái Nguyên cung cấp, trong năm 2015 trường này tổ chức 53 đợt thi, với 12.453 thí sinh ở các trình độ từ A1 đến C1. Trong đó, nhiều nhất ở trình độ B1, B2. Một hội đồng thi thường có từ 100 đến 450 thí sinh dự thi.

Theo ông Linh, riêng ở Hà Nội, các cơ sở được phép bồi dưỡng phát triển năng lực tiếng Anh của ĐH Thái Nguyên hợp tác với khoảng 5-6 cơ sở là các trường trung cấp, CĐ, ĐH để tiếp nhận thí sinh đăng ký dự thi. Ngoài ra, ĐH Thái Nguyên còn nhận bồi dưỡng tổ chức thi cho một số sở GD-ĐT theo đặt hàng của các sở.

Với số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều, từ nhiều đầu mối khác nhau, trong năm 2014-2015 ĐH Thái Nguyên chấp nhận cho một số cơ sở liên kết đã có giấy phép (do sở GD-ĐT địa phương cho phép liên kết tổ chức ôn tập, thi lấy chứng chỉ) tổ chức hội đồng thi tại Hà Nội. Những cơ sở khác chưa có giấy phép thì phải gửi người về Thái Nguyên dự thi.

Tuy nhiên, trước lo ngại về tiêu cực, tháng 12-2015 giám đốc ĐH Thái Nguyên đã có văn bản yêu cầu các cơ sở của ĐH Thái Nguyên chỉ được liên kết với các đơn vị có giấy phép. Các đơn vị này phải trình được hồ sơ năng lực đúng quy định.

Ông Linh cũng cho biết nhiều kẽ hở trong quy trình tổ chức thi, ra đề thi đã và đang được rà soát điều chỉnh. “Ngân hàng đề thi có khoảng 30 đề, nên cho dù ban đề thi trộn các câu hỏi như thế nào cũng dễ rơi vào quen thuộc với thí sinh. Vì thế, hiện nay ĐH Thái Nguyên tổ chức làm đề thi sống. Ban đề thi phải cách ly, dưới sự giám sát của cán bộ an ninh, như quy chế của kỳ thi quốc gia. Một số mẫu câu hỏi dễ bị lợi dụng để cài “từ khóa”, đánh dấu bài cũng đã được điều chỉnh” - ông Linh nói.

Ngày 13-5, khi Tuổi Trẻ làm việc với ĐH Thái Nguyên về hiện tượng tiêu cực trong cấp chứng chỉ tiếng Anh, ông Đặng Kim Vui - giám đốc ĐH Thái Nguyên - cũng đã có cuộc làm việc với 6 đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng, sắp xếp quy trình tổ chức thi. Ông Vui khẳng định “sẽ xử lý nghiêm những trường hợp phát hiện có tiêu cực”.

Muốn dễ thì thi ĐH Thái Nguyên!

Tại TP.HCM, rất nhiều nơi thông báo ôn và tổ chức thi chứng chỉ B1, B2. Điều đáng nói là các đơn vị ở đây lại phối hợp với các trường ĐH ở xa tổ chức, có cả ĐH Thái Nguyên. Tại những nơi này, thời gian ôn tập thi chứng chỉ B1 là 120 tiết.

Theo thông báo ôn và thi các chứng chỉ từ A1 đến C1 của một trường trung cấp, những người không có thời gian đi học có thể nhận tài liệu ôn tập lúc ghi danh và tự ôn ở nhà theo hướng dẫn của cán bộ phòng ghi danh.

Trong quá trình tự ôn, nếu có bất kỳ thắc mắc nào, học viên có thể gửi email cho giáo viên hoặc liên hệ bộ phận ghi danh để được giải đáp. Học viên ở các tỉnh xa, nếu gom đủ khoảng 40 người, các trung tâm sẽ tổ chức về tại địa phương giảng dạy và tổ chức thi.

Không chỉ các trường, trung tâm giáo dục thường xuyên liên kết với các trường ĐH tổ chức ôn và thi chứng chỉ tiếng Anh B1, mà ngay cả các trường bồi dưỡng giáo dục các quận cũng tham gia tích cực việc này.

Trong tháng 3-2016, các trường bồi dưỡng giáo dục một số quận ở TP.HCM đồng loạt phát đi thông báo chiêu sinh các lớp tiếng Anh trình độ A2, B1, B2, C1. Thông báo này được gửi đến lãnh đạo phòng GD-ĐT quận, hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học và THCS, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc.

Điều đáng nói là các trường bồi dưỡng giáo dục này lại liên kết với trung tâm Anh ngữ X - một đơn vị không có chức năng tổ chức thi và cấp các chứng chỉ nêu trên theo quy định của Bộ GD-ĐT. Thực chất trung tâm này là trung gian làm đại diện cho các trường ĐH. Thời gian ôn tập cũng khá “cấp tốc”, chỉ trong hai ngày 8 và 9-4, ngày 10-4 thi.

Một giáo viên cho biết chị đã liên hệ với một trường bồi dưỡng giáo dục của một quận để hỏi thêm thông tin thì được giới thiệu gặp chị U. - người của trung tâm Anh ngữ X. Lấy lý do lo lắng về khả năng tiếp thu chậm, thi cái nào sẽ dễ đậu hơn, chị U. tư vấn: “Dễ thì cô nên thi của ĐH Thái Nguyên”.

MINH GIẢNG

VĨNH HÀ (chuhongvan@tuoitre.com.vn)
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  206,497       3/869