TTO - Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, bí thư Thành ủy TP.HCM, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi và chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ (2006-2015) do Thành ủy TP.HCM tổ chức vào sáng 19-5.
Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM chúc mừng cá nhân đạt thành tích tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi và chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ (2006-2015) - Ảnh: Tự Trung |
Sau 10 năm thực hiện chương trình tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi, đến nay TP.HCM đã bố trí công tác cho 1.087 cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi, đào tạo được 44 tiến sĩ và 533 thạc sĩ. Qua công tác đánh giá cán bộ hằng năm, có trên 99% cán bộ hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Đinh La Thăng nói nếu đó là con số trung thực thì rất đáng biểu dương. Nhưng ông cũng nói thêm: “Chúng ta không thể bằng lòng và yên tâm với các con số. Chúng ta cần hiệu quả, thực chất từ sản phẩm đào tạo. Cần hiểu rằng không phải tất cả những người có bằng cấp cao đều là nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Chúng ta không thể bằng lòng và yên tâm với các con số. Chúng ta cần hiệu quả, thực chất từ sản phẩm đào tạo. Cần hiểu rằng không phải tất cả những người có bằng cấp cao đều là nguồn nhân lực chất lượng cao |
Bí thư Thành ủy TP.HCM ĐINH LA THĂNG |
Đáng đồng tiền bát gạo
Đó là nhận xét của giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh về chương trình nói trên.
Trình bày tham luận tại buổi lễ, ông Hạnh cho biết Sở Tư pháp là một trong những đơn vị tham gia chương trình từ những ngày đầu, đến nay đã có 32 công chức, viên chức được cử đi học, trong đó có 19 người tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.
Theo ông Hạnh, những người được chọn phải đảm bảo học lực, trong quá trình học đại học phải đạt khá giỏi, có kỹ năng, có tư duy tốt, trong công tác có sự nổi trội và có chiều hướng phát triển tốt. Sở Tư pháp cũng chú trọng phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị, lòng yêu nghề, gắn bó với ngành.
Sở Tư pháp cũng là đơn vị điển hình của TP.HCM về việc bố trí sử dụng cán bộ sau đào tạo. Sở đã bố trí được một phó giám đốc sở, năm trưởng phòng và 10 phó phòng. Sở hiện có bốn phó phòng bổ nhiệm dưới 30 tuổi. Hai năm qua, Sở Tư pháp là đơn vị dẫn đầu về cải cách hành chính.
Ở phòng lý lịch tư pháp, lượng cấp phiếu lý lịch tư pháp mỗi ngày 200-300 trường hợp, có thể bằng công việc của một tỉnh trong vòng một tháng. Nhờ sáng kiến của phòng, kết hợp với C53 Bộ Công an và Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thành thế “kiềng ba chân”, hiện nay tình hình giải quyết công việc tương đối ổn và không còn hoặc ít trường hợp trễ hẹn.
Sở còn đề ra các thủ tục hành chính liên thông như hộ tịch, hộ khẩu, bảo hiểm, nhận cha con, khai sinh... Nhiều thủ tục mà sở đề xuất được Bộ Tư pháp trình Thủ tướng và sau đó áp dụng chung cho cả nước.
“Đánh giá chung của tôi, các em tham gia chương trình, như người ta nói là “đáng đồng tiền bát gạo”. Dù tuổi trẻ, nhưng khi tham mưu cho lãnh đạo thì phong thái rất tự tin, cách đặt vấn đề, lập luận làm cho lãnh đạo thấy rất yên tâm” - ông Hạnh nói.
Là một cá nhân được Thành ủy tuyên dương trong dịp này, bà Võ Thị Trung Trinh - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM - được coi là một người khá thành công sau khi được cử đi học thạc sĩ kinh tế quốc tế tại Úc (2010-2011).
Bà đăng ký tham gia chương trình khi đang là phó trưởng phòng thông tin Sở Kế hoạch và đầu tư. Sau khi trở về nước, bà được bổ nhiệm chức trưởng phòng, sau đó chuyển công tác sang Sở Thông tin và truyền thông.
Bà Trinh chia sẻ được tham gia chương trình là niềm vinh dự lớn nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề, bởi bà hiểu rõ số tiền TP bỏ ra rất lớn, mà nói cho cùng đó là thuế từ người dân, nên bà xác định mình phải học hành cho đàng hoàng.
Năm 2011, khi bà Trinh trở về, TP đã áp dụng thủ tục đăng ký kinh doanh qua mạng do Bộ Kế hoạch và đầu tư triển khai. Nhưng hệ thống đó hầu như không có người sử dụng. Trong khi đó, mỗi ngày lượng khách đến phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và đầu tư TP lên tới trên 1.000 lượt.
“Tôi tìm hiểu thì thấy hệ thống đăng ký kinh doanh qua mạng có rất nhiều bất cập, mình là người trong ngành vẫn không dùng được. Từ đó, tôi đề xuất TP nên cải thiện hệ thống này, phục vụ đăng ký doanh nghiệp tại nhà” - bà Trinh nói.
Khi về công tác tại Sở Thông tin và truyền thông, bà Trinh tích cực thúc đẩy ứng dụng chính quyền điện tử ở TP. Những dịch vụ công trực tuyến, môi trường tác nghiệp điện tử, liên thông kết nối văn bản giữa các sở ngành, gửi văn bản điện tử... đều có dấu ấn của người lãnh đạo nữ quyết liệt này.
Bài học thấm thía nhất của bà Trinh là việc áp dụng những điều được học ở nước ngoài phải linh động, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Đó cũng là bài học mà ông Phạm Minh Mẫn - học viên chương trình 300 thạc sĩ, tiến sĩ - áp dụng trong vị trí phó chủ tịch UBND Q.Tân Phú.
Ông Mẫn về công tác tại Q.Tân Phú năm 2013, phụ trách mảng trật tự xây dựng và đô thị, đầu tư xây dựng cơ bản. Trăn trở làm sao để hạn chế việc vi phạm xây dựng, từ đó giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho người dân, ông Mẫn trình đề án đảm bảo trật tự đô thị trên địa bàn TP.HCM. Bước đột phá của đề án là kịp thời phát hiện vi phạm.
“Tôi đã xách xe máy đi thử khắp địa bàn mình quản lý thì chỉ mất khoảng 2,5 giờ. Vậy công tác nắm địa bàn không thể nào nói là không nắm hết hay bỏ sót được. Người quản lý phải nắm cho rõ, cho sát để phát hiện kịp thời vi phạm” - ông Mẫn nói.
Theo ông Mẫn, bên cạnh vai trò của cán bộ thì đồng thời phải thực hiện giám sát cộng đồng. Một nhà giám sát hai nhà lân cận và ba nhà phía trước, có xây dựng thì báo cho tổ dân phố, khu phố.
Tổng kết năm 2015, công trình xây dựng vi phạm bị xử lý trên địa bàn Q.Tân Phú là thấp nhất trong 24 quận huyện, chỉ dưới 30 trường hợp. Sắp tới, quận đặt mục tiêu: không có xây dựng không phép.
Ông Mẫn cũng là một trong 80 cá nhân được Thành ủy tuyên dương đợt này.
Tiếp tục chương trình với nhận thức cao hơn
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định: các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao cho hệ thống chính trị TP là chủ trương đúng đắn, cần được tiếp tục thực hiện với nhận thức cao hơn.
Đến nay, chương trình đào tạo chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực quản lý nhà nước về kinh tế, đô thị, thương mại quốc tế và các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, vật liệu mới, xây dựng, quy hoạch đô thị, môi trường, quản lý thị trường tài chính, chứng khoán, quản trị kinh doanh...
Các trường đào tạo được chọn chủ yếu tại Anh và Úc là các trường có uy tín, chất lượng đào tạo tốt, có chế độ hỗ trợ tài chính. Chương trình cũng tổ chức được cho 236 học viên đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài.
Những người được lựa chọn tham gia chương trình là công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị và sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy loại khá trở lên tại các trường đại học, đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn...
Về các chuyên ngành đào tạo, từ góc độ một đơn vị sử dụng nhân lực, ông Huỳnh Văn Hạnh góp ý: nên đào tạo chuyên sâu về một số lĩnh vực mà hiện nay nhu cầu rất cần, như tranh chấp quốc tế.
Còn việc đào tạo trong hay ngoài nước, bà Võ Thị Trung Trinh cho rằng: đào tạo trong nước hay nước ngoài thì về kiến thức cơ bản là giống nhau, nhưng có khác ở cách thức. Trong nước vẫn thiên về giáo dục truyền thống, người thầy dạy và sinh viên ghi nhận.
Còn ở nước ngoài là môi trường học tập chủ động, phải dùng lý lẽ khoa học để thuyết phục lẫn nhau chứ không phải bằng ý kiến chủ quan. Môi trường này sẽ giúp ích rất nhiều cho người học khi trở về làm việc.
Khẳng định TP.HCM cần có cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao cả trong nước và nước ngoài về góp sức xây dựng TP, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng lý giải rằng chăm lo cho đời sau là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, là phương cách để đất nước phát triển.
“Hơn bao giờ hết, TP chúng ta cần có một đội ngũ cán bộ trẻ tài năng, đức hạnh và nhiệt huyết. TP mang tên Bác phải luôn có các thế hệ cán bộ mang tư tưởng đạo đức và tác phong Hồ Chí Minh” - ông Thăng nói.
Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi có khởi nguồn là chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn; và chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ có khởi nguồn là chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ nhằm tuyển chọn, đào tạo sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức trẻ tuổi có triển vọng phát triển tốt, tạo nguồn quy hoạch, rèn luyện qua thực tiễn để trở thành cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, cán bộ khoa học, công nghệ và khoa học xã hội - nhân văn của TP.HCM. |