Giáo dục

Cả trường kêu cứu cho trò

TTO - Câu chuyện về các giáo viên Trường THCS An Vĩnh (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) dùng đủ mọi cách để giúp các hoàn cảnh bi đát tiếp tục đến trường.

Bốn chị em Vũ cười tươi khi nghe cô Linh và giáo viên Trường THCS An Vĩnh pha trò bằng những câu chuyện vui - Ảnh: Trần Mai
Bốn chị em Vũ cười tươi khi nghe cô Linh và giáo viên Trường THCS An Vĩnh pha trò bằng những câu chuyện vui - Ảnh: Trần Mai

Họ góp tiền, kêu gọi học trò chia sẻ khó nhọc cùng bạn. Thậm chí viết thư kêu cứu cho trò.

1.000 đồng giúp bạn đến trường

Thầy Dương Ngọc Thành, hiệu trưởng Trường THCS An Vĩnh, nhìn những tốp học sinh vui đùa dưới sân trường bảo rằng những năm gần đây kinh tế của toàn huyện Lý Sơn có nhiều thay đổi, cuộc sống đầy đủ hơn trước. Nhưng cái nghèo thì đất đảo này ghê gớm lắm. Đụng vào học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn là như thể tột cùng của nghèo khó.

“Các em còn quá nhỏ, nhưng gia cảnh khó khăn thường bỏ học nửa chừng. Rồi vào đất liền làm thuê hoặc đi biển nấu cơm, ban giám hiệu nhìn mà đứt ruột” - thầy Thành tâm sự.

Thương học trò, nhiều lần thầy Thành tổ chức cuộc họp tìm cách giúp các em tiếp tục đến trường. Phương án thầy Thành đề xuất là làm thế nào để vận động học sinh toàn trường chung tay giúp bạn. Đó không chỉ là vận động tiền mà còn là bài học nhân ái tốt nhất để các em học sinh thấu hiểu và tự nguyện chia sẻ với bạn mình.

Cách đây một năm, ban giám hiệu nhà trường đem câu chuyện chia sẻ khó nhọc tiếp sức cho bạn đến trường nói ở buổi chào cờ đầu tuần. Thế rồi những tiếng vỗ tay vang lên, chương trình “1.000 đồng giúp bạn đến trường” được triển khai.

Hơn 820 học sinh của trường tự nguyện góp 1.000 đồng mỗi tuần để mỗi lần chào cờ đầu tuần bốn học sinh khó khăn sẽ lên nhận số tiền sẻ chia của bạn bè. Các giáo viên của trường bảo rằng rất vui khi nhìn thấy các em tự nguyện đóng góp, rồi mỗi tuần lại chủ động thảo luận với nhau đề xuất bạn nào đó trong lớp mình sẽ nhận số tiền này.

“Cứ mỗi tuần bốn học sinh khó khăn do các lớp đề xuất sẽ lên nhận 200.000 đồng/em. Cứ thế chúng tôi xoay vòng hết lớp này qua lớp kia, nếu em nào có hoàn cảnh khó khăn quá thì sẽ trao nhiều đợt hơn. Sự thấu hiểu là điều chúng tôi nhìn thấy ở các em từ khi triển khai chương trình này” - thầy Thành tâm sự.

Cô học trò Nguyễn Thị Minh Dự (lớp 9) có gia cảnh nghèo khó, bản thân em cũng bị dị tật ở mắt và cơ thể bị co rút di truyền từ người cha, thường xuyên nhận được số tiền sẻ chia của bạn bè. Cô bé tâm sự rằng sự quan tâm động viên của thầy cô và bạn bè đã giúp cho em có thêm động lực để đến trường.

“Mỗi lần nhận tiền đầu tuần từ các bạn giúp đỡ em thấy rất vui, bởi ở dưới nhiều bạn vỗ tay và cười vui cùng em. Đó là sự động viên lớn với một đứa có nhiều nỗi buồn như em” - Dự chia sẻ.

Nhiều năm qua, những em học sinh nghèo khó ở trường đã tiếp tục đến lớp thay vì nghỉ học nửa chừng. Tôi nghĩ dù khó khăn thế nào nhưng các em sẽ vẫn bám lấy con chữ thay vì theo tàu ra khơi nếu như các em thấy được sự quan tâm động viên của thầy cô bạn bè của trường

Thầy DƯƠNG NGỌC THÀNH

Viết thư kêu cứu cho cậu học trò khốn cùng

Giúp học sinh vượt qua khó khăn, câu chuyện cảm động của thầy trò Trường THCS An Vĩnh có lẽ lên tới đỉnh điểm từ lá thư thầy giáo Nguyễn Văn Ánh, giáo viên phụ trách công đoàn của trường, viết gửi cho chương trình “Kết nối những tấm lòng” của Đài PTTH Quảng Ngãi. Bức thư đang được lan truyền trên mạng và được hàng nghìn lượt chia sẻ.

Bức thư có đoạn: “Cuộc đời cũng lạ thay, sự bất hạnh nhường đó cũng đã làm chai sạn những trái tim non nớt của những đứa trẻ...

Cha mất vì bệnh ung thư, vậy mà nỗi đau mất cha của các con chưa nguôi trong lòng của những đứa trẻ, điều bất hạnh lại liên tục đến với gia đình cơ cực ấy một lần nữa, khi phát hiện ra mẹ của em cũng mang căn bệnh vô phương cứu chữa này...

Do vậy để cho chị em của Vũ được theo đuổi ước mơ đó là được tiếp tục đến trường thì rất cần sự chung tay giúp đỡ “Kết nối những tấm lòng” của các tổ chức, cá nhân và 
các nhà hảo tâm”.

Nói về bức thư này, thầy Ánh tâm sự trong trường có rất nhiều học sinh khó khăn. Nhưng khó đến mức tận cùng là câu chuyện của cậu học trò Lê Tấn Vũ (lớp 9B) ba mẹ qua đời vì ung thư, chỗ dựa duy nhất là người chú cũng mới qua đời.

Dù hơn hai năm qua 54 giáo viên trong trường mỗi tháng trích tiền lương hỗ trợ 540.000 đồng, có học bổng gì cũng nghĩ đến Vũ đầu tiên nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa thể đủ cho bốn chị em Vũ vượt qua khó khăn. Các em cần những “đợt sóng” lớn hơn để đưa chị em Vũ đến tương lai tươi sáng hơn.

“Tôi viết bức thư là thay mặt cho toàn trường kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ không chỉ em Vũ mà còn cho cả bốn chị em. Sự giúp đỡ này không chỉ vật chất mà còn cả về tinh thần, có như thế các em mới vượt qua được những mất mát của những đứa trẻ thiếu đi chỗ dựa của cha mẹ từ thuở bé” - thầy Ánh nói.

Hết năm học này, Vũ sẽ vào lớp 10 nên giáo viên trong trường càng lo lắng hơn. Hôm đó sau buổi thi hóa cuối kỳ, cô Nguyễn Thị Mai Linh, giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, đến nhà thăm hỏi động viên em Vũ ôn thi.

Với cô Linh, Vũ như người con chung của trường. Mọi thông tin về cuộc sống của Vũ cô phải nắm bắt để thông báo cho ban giám hiệu rõ để can thiệp kịp thời.

Đôi mắt trìu mến dành cho cậu học trò nhút nhát, cô Linh tâm tình: “Mình phải quan tâm động viên Vũ để em thấy dù không có tình thương của cha mẹ nhưng vẫn còn nhiều người quan tâm đến em. Năm sau Vũ không còn là học sinh của trường nữa nhưng ban giám hiệu vẫn duy trì trích tiền lương hỗ trợ em. Làm công tác ở vùng biển đảo nên thầy cô ở trường luôn tâm niệm ngoài dạy chữ còn phải quan tâm chia sẻ khó nhọc cùng trò”.

TRẦN MAI
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  205,526       4/858