Giáo dục

Chạy “tiêu chí phụ” để vào lớp 6

TTO - Năm thứ hai Hà Nội cấm thi tuyển vào lớp 6 đối với một số trường có nhu cầu đăng ký quá cao so với chỉ tiêu. Lọc từ hàng nghìn hồ sơ dự tuyển để lấy vài trăm chỉ tiêu đối với các trường vẫn là bài toán khó.

Nhận hồ sơ tuyển sinh lớp 6 ở một trường tại Hà Nội - Ảnh: Bình Minh
Nhận hồ sơ tuyển sinh lớp 6 ở một trường tại Hà Nội - Ảnh: Bình Minh

Vì vậy, nhiều trường phải đặt ra “tiêu chí phụ” để xét tuyển học sinh.

PGS Văn Như Cương, người sáng lập Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh, cho biết năm trước khi Hà Nội có quy định cấm các trường tổ chức thi, Trường Lương Thế Vinh cũng áp dụng hình thức xét tuyển.

Mặc dù khó có thể chọn được học sinh có chất lượng hơn so với hình thức thi nhưng Trường Lương Thế Vinh cũng đặt ra các tiêu chí chính để tuyển chọn như “điểm cuối kỳ các năm tiểu học đều được 10 đối với cả môn văn và toán”.

Kết quả số học sinh đạt đủ điều kiện này vượt quá chỉ tiêu mấy trăm em.

Chạy đua để được “cộng điểm ưu tiên”

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các trường THCS khác như Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Siêu, Marie Curie, Cầu Giấy...

Việc đưa ra các tiêu chí phụ lại là căn cứ chính để sàng lọc. Nhưng cũng chính vì điều đó mà cơn sốt tìm kiếm tiêu chí phụ bùng phát và càng nóng lên vào trước mùa tuyển sinh năm nay.

“Đầu năm học, ban phụ huynh đã ghi nguyện vọng của các cha mẹ muốn cho con vào các trường danh tiếng theo danh sách. Ban phụ huynh căn cứ vào điều kiện tuyển sinh của các trường năm trước để thông báo các giải thưởng, chứng chỉ các cháu cần có để có thể dự tuyển.

Cũng qua ban phụ huynh, chúng tôi liên hệ đăng ký cho con luyện thi, dự giải. Ví dụ các cháu có năng lực thì dự thi giải toán qua mạng, tiếng Anh qua mạng, thi kể chuyện, thi viết chữ đẹp...

Các cháu khác có thể tham gia các giải thể thao, văn nghệ cấp thành phố hoặc luyện thi để có các chứng chỉ tiếng Anh, chứng chỉ các khóa học kỹ năng mềm để có cơ hội dự thi những cuộc thi như thi hùng biện, tổ chức hoạt động khám phá khoa học, hoặc đơn giản chỉ tham gia các chương trình từ thiện có chứng chỉ” - vị phụ huynh có con học Trường tiểu học Quang Trung, Hà Nội cho biết.

Ở một trung tâm tiếng Anh tại Hà Nội, nhiều phụ huynh có con đang học lớp 5 đã chấp nhận nộp học phí 4-5 triệu đồng cho một đợt ôn tập cấp tốc chỉ để lấy chứng chỉ TOEFL Primary (chứng chỉ dành cho trẻ em) nhằm tăng sức nặng cho hồ sơ dự tuyển.

Tìm hiểu ở một điểm thi TOEFL Primary tại phố Giang Văn Minh, Hà Nội được biết đợt thi cuối cùng lấy chứng chỉ này sẽ diễn ra cuối tháng 5. “Số lượng thí sinh dự thi đông gấp đôi năm trước” - nhân viên tiếp nhận đăng ký của thí sinh cho biết.

Với tiêu chí tối đa 113 điểm, trong đó điểm đọc hiểu và điểm nghe phải đạt tối đa để vào được Trường THCS Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, nhiều phụ huynh phải cho con ôn luyện nhiều ca trong những ngày này.

“Lớp con tôi vừa mới tổng kết có 52 cháu, 100% số cháu đạt đủ điểm 10 hai môn tiếng Việt, toán trong năm năm học. Trong khi đến gần một nửa học sinh của lớp mong muốn dự tuyển vào các trường THCS đang quá tải nguồn tuyển nhưng không được tổ chức thi. Chúng tôi rất lo.

Con tôi có khá nhiều giải thưởng nhưng nhìn trên bình diện chung, có rất nhiều loại giải thưởng lạ được những học sinh khác “tích điểm” như thi Olympic tin học trẻ cấp quận, huyện, thành phố, thi IMAS, Kangaroo, thi kể chuyện bằng tiếng Anh, thi giai điệu Tuổi hồng...” - một phụ huynh có con học Trường tiểu học Lê Văn Tám, Hà Nội đang mong muốn dự tuyển vào hệ THCS của Trường Hà Nội - Amsterdam, cho biết.

Nỗi lo của phụ huynh truyền áp lực sang giáo viên. Một số giáo viên các trường tiểu học ở quận Hoàn Kiếm, Đống Đa cho biết những ngày này phải tắt máy vì nhiều phụ huynh năn nỉ xin “xác nhận” học sinh có năng khiếu thể thao, tham gia đội tuyển dự thi các cấp. Không xác nhận thì khó xử, xác nhận thì nhiều khi không chính xác.

Tiêu chí phụ cũng sắp... bão hòa

Năm 2015, nhiều trường có nguồn dự tuyển lớn đã xây dựng phương án tuyển sinh bằng phỏng vấn trực tiếp, trắc nghiệm chỉ số IQ, EQ, chỉ số vượt khó... nhưng đều bị bác. Bởi với phương án này, chắc chắn dấy lên làn sóng luyện thi để làm bài thi trắc nghiệm theo hình thức mới (thay cho việc ôn luyện các môn văn hóa trước đây).

Tuy vậy với hình thức sàng lọc tuyển sinh theo tiêu chí phụ là giải thưởng các môn năng khiếu, giải thưởng trong các kỳ thi văn hóa, văn nghệ, thể thao các cấp thì cũng không tránh được việc phụ huynh chạy khắp nơi để con “có giải”.

Đi kèm theo đó là những nghi ngại về tiêu cực “chạy giải”, về sự ưu tiên bất thường của nhiều nhà trường đối với một số học sinh khi xếp cho các em trong đội tuyển dự các cuộc thi như trên.

Hà Nội hiện có 6-7 trường THCS tuyển sinh lớp 6 trong tình huống phải sàng lọc kỹ từ hàng nghìn hồ sơ chỉ để lấy 200-300 chỉ tiêu cho lớp 6.

Trường Marie Curie đưa ra phương án ưu tiên học sinh có giải nhất, nhì, ba, khuyến khích trong các kỳ thi Olympic tin học, tiếng Anh, toán, các kỳ thi IMAS, ưu tiên học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế...

Nhưng theo ông Nguyễn Xuân Khang, chất lượng đầu vào của năm 2015 khi trường phải xét tuyển bằng việc sàng lọc hồ sơ không bằng việc xét tuyển qua một kỳ thi tuyển gắt gao. Nhưng năm nay trường tiếp tục phải tuyển sinh theo giải pháp này vì không còn cách nào khác.

PGS Văn Như Cương cũng nhận xét: “Lứa học sinh tuyển vào trong bối cảnh “bỏ thi” năm trước chất lượng sụt hẳn. Chúng tôi phải mất vài tháng để bồi dưỡng lại kiến thức bị hổng của các cháu”.

Việc này rõ nhất ở lứa học sinh lớp 6 Trường Hà Nội - Amsterdam năm trước. Một số giáo viên trường này cho biết: “Mải chạy theo giải để đủ tiêu chí xét tuyển, rất nhiều học sinh bị thiếu những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất”.

Nhiều người lo ngại phụ huynh có cả một năm cho con rong ruổi sưu tập giải thưởng thì kiến thức cơ bản còn hổng nữa.

Bà Lê Kim Anh - hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội, một trường có áp lực rất lớn trong việc tuyển sinh lớp 6 - cho biết: “Trước đây chúng tôi sử dụng kỳ thi làm thước đo để sàng lọc, tuyển sinh thì nay không được thi mà “thước đo” đó được chuyển cho các trường tiểu học đánh giá học sinh. Nếu các trường tiểu học làm nghiêm túc thì chất lượng chính xác, không nghiêm túc thì chất lượng không thực chất”.

Ban hành danh mục các cuộc thi để xét tiêu chí phụ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Đại, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết nhằm hạn chế tình trạng phụ huynh để con lơ là việc học, chạy đua theo các cuộc thi để có “giải”, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành danh mục các cuộc thi mà các trường được phép căn cứ để xét tiêu chí phụ trong việc tuyển sinh.

Theo đó, những học sinh chạy theo các kỳ thi tùy tiện để có giải thưởng sẽ không được tính là tiêu chí phụ trong xét tuyển.

Tuy vậy, không phải trường nào cũng công bố công khai các tiêu chí phụ nên nhiều phụ huynh không biết và ngay trong thời điểm này, khi chỉ còn khoảng hai tuần nữa tới kỳ tuyển sinh lớp 6, sự hoang mang càng khiến họ mang con đi “thử nghiệm” ở nhiều ca ôn tập, cuộc thi.

VĨNH HÀ (chuhongvan@tuoitre.com.vn)
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  205,495       3/857