TTO - “Muốn xây dựng quê hương đất nước thì học sinh phải hiểu thế mạnh, đặc điểm từng vùng miền. Qua những chuyến đi, học sinh sẽ vừa khám phá các vùng đất vừa khám phá được bản thân....
Học sinh lớp 11/3 thuyết trình đề tài “Triều cường” sau khi được nhà trường cho đi trải nghiệm tại ĐBSCL - Ảnh: Như Hùng |
Vì thế, nhà trường đã xây dựng một dự án lớn trong học tập trải nghiệm cho học sinh toàn trường để đảm bảo trong ba năm THPT, các em sẽ trải nghiệm được cả ba miền: Bắc, Trung, Nam” - cô Hoàng Thị Minh Liên, hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nhân Văn (TP.HCM) cho biết.
Với ý tưởng như vậy, trong năm học 2015-2016 Trường THCS-THPT Nhân Văn đã bắt đầu cho học sinh khối 12 trải nghiệm một tuần thực tế tại các tỉnh miền Trung và mới đây, từ ngày 4 đến 9-4-2016 học sinh khối 10, khối 11 của trường đã cùng thầy cô trải nghiệm thực tế, học tập tại các tỉnh ĐBSCL.
Kết quả sáu ngày đi thực tế trải nghiệm đã khiến học sinh khối 10, khối 11 hình thành được 20 dự án, trong đó 13 dự án được nhà trường chọn để mở gian hàng cho học sinh giới thiệu về các dự án của mình.
Các dự án rất đa dạng, từ những dự án mang tính xã hội và gây ấn tượng mạnh như: Xâm nhập mặn ở ĐBSCL, Những phận đời lênh đênh... đến những dự án có tính kinh tế cao như: Độc đáo chợ nổi Cái Răng; Dừa; Quà tặng thiên nhiên rừng ngập mặn... Và có cả những dự án mang tính khoa học như: Con thuyền không máy, Triều cường.
“Đi chín tỉnh miền Tây Nam bộ, em gặp những trái dừa teo lại, không còn cơm dừa, những đồng lúa xác xơ, sém nắng, người dân bỏ làng bỏ xã đi và những phận đời nghèo khổ, những vùng đất nứt toạc ra vì hạn mặn... Cả nhóm em đều xót xa, thương người dân và nhận ra mình lớn lên thế nào khi học trải nghiệm” - Vũ Thy Huyền Trân, học sinh lớp 11/2, kể về ý nghĩ thôi thúc các em tìm tòi để cho ra đời dự án “Xâm nhập mặn ở ĐBSCL”.