TTO - Các nước và vùng lãnh thổ ở châu Á đổ tiền cho việc học hành của con em mình nhiều hơn cả phương Tây, xuất phát từ kỳ vọng giáo dục tốt sẽ có tương lai tốt.
Học sinh ở châu Á thường được cha mẹ chi nhiều tiền hơn cho việc học từ nhỏ tới lớn - Ảnh: Reuters
Đầu tháng 9 là thời điểm đa số các trường trên thế giới bắt đầu năm học mới. Câu chuyện về chi tiêu giáo dục lại được nói đến nhiều nhất trong cuộc khảo sát của Ngân hàng HSBC.
Hong Kong đứng đầu
Cuộc khảo sát này nằm trong loạt nghiên cứu Giá trị của giáo dục (Value of education) do HSBC thực hiện trên gần 8.500 bậc phụ huynh thuộc 15 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là những người có con cái từ 23 tuổi trở xuống đang học từ tiểu học cho tới đại học.
Họ được yêu cầu ước tính số tiền chi ra mỗi năm cho học phí, sách vở, đi lại và chỗ ở ở các cấp bậc học tập.
Kết quả cho thấy phụ huynh ở Hong Kong là những người chi nhiều tiền nhất cho giáo dục của con cái với trung bình 132.161 USD (khoảng 3 tỉ đồng) cho một trẻ từ tiểu học đến hết đại học. Con số trung bình của 15 nước được khảo sát là 44.221 USD.
Châu Á là khu vực chiếm 6/10 vị trí trong top 10 quốc gia/vùng lãnh thổ chi trung bình số tiền lớn nhất cho giáo dục theo thang đo trên. Xếp ngay sau Hong Kong là Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE, 99.378 USD), Singapore (70.939 USD).
Trung Quốc xếp thứ sáu với 42.892 USD. Malaysia và Indonesia lần lượt có thống kê tương ứng là 25.479 USD và 18.422 USD. Phụ huynh ở Mỹ trong khi đó chi 58.464 USD cho chi phí giáo dục con em ở trường, còn Úc ít hơn với 36.402 USD. Pháp xếp chót trong 15 địa điểm khảo sát với 16.708 USD.
Nguồn: HSBC - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Chú trọng học thêm
Trong nghiên cứu của HSBC, các bậc cha mẹ ở châu Á đa số lạc quan về tương lai của con em. 85% phụ huynh Ấn Độ và 78% phụ huynh Trung Quốc tự tin con mình sẽ có một công việc thật tốt. Ngược lại, chỉ 36% cha mẹ ở Pháp nghĩ vậy.
Kỳ vọng có vẻ xuất phát lớn từ sự đầu tư. Một thực tế rằng học sinh châu Á được thừa nhận là những người học rất giỏi, đặc biệt ở các lĩnh vực như toán, khoa học và đọc hiểu. Bên cạnh đầu tư chính phủ và giáo viên, một nguyên nhân không nhỏ là phụ huynh châu Á rất chú trọng vào việc đầu tư cho con cái học thêm nhằm giúp đứa trẻ nổi bật hơn các bạn.
Theo một đúc kết của tổ chức nghiên cứu giáo dục độc lập EdSurge, các hộ gia đình châu Á dùng khoảng 15% thu nhập cho các dịch vụ giáo dục bổ sung, vượt xa so với 2% đối với các gia đình ở Mỹ.
Đối với người châu Á, tiền giáo dục cho con cái đứng đầu mức độ quan tâm, xếp trên các chi phí khác. Ví dụ đối với người Mỹ, ngoài các chi phí bắt buộc như thức ăn, nhà ở, y tế thì họ dùng 12% nguồn tiền để mua xe hơi, xe tải, nhiên liệu.
Công ty phân tích thị trường Global Industry Analysts ước tính ngành dạy thêm/dạy kèm toàn cầu có giá trị khoảng 200 tỉ USD vào năm 2020, và khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng ở mức 10,7% trong vòng 10 năm tới, theo Financial Times.
Hiện tính riêng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong, hơn 70% học sinh cấp II có người dạy kèm.
Tốn kém là thế, nhưng châu Á không được đánh giá cao ở việc tính toán kế hoạch cho con em. Theo khảo sát của HSBC, 74% phụ huynh lấy thu nhập hằng ngày của họ làm chi phí đầu tư cho việc học tập của con cái, trong khi hơn 1/5 những người được khảo sát thậm chí không để ý tới số tiền họ chi ra.
Theo MarketWatch, để tránh cảm giác nặng nề khi đầu tư quá nhiều vào trường lớp, các bậc cha mẹ nên chủ động tạo một kế hoạch hẳn hoi ngay từ đầu về những khoản sẽ chi từ lúc sinh nở cho đến khi con em hoàn tất đại học.
Indonesia có chi phí trường công thấp nhất
Theo khảo sát, phụ huynh có con em học trường công do chính phủ hỗ trợ sẽ tốn ít chi phí hơn học trường tư.
Đơn cử ở Hong Kong, chi phí cho các trường công là 96.735 USD, nhưng tính riêng trung bình ở các trường tư thì con số này lên tới 211.371 USD.
Để so sánh, học sinh trường công ở Mỹ trung bình "tiêu tốn" của cha mẹ 39.544 USD, còn trường tư là 74.112 USD.
Indonesia được xem là nơi có chi phí trường công rẻ nhất với trung bình 7.892 USD.