TTO - Đánh giá để phát triển, đó là mục tiêu, là động lực. Cần tôn trọng và nhân rộng đánh giá ngoài từ những tổ chức độc lập.
Một nhóm chuyên gia độc lập vừa công bố kết quả xếp hạng 49 trường đại học Việt Nam. Người trong cuộc và những ai quan tâm có thể cảm nhận về công việc và đánh giá kết quả ở những góc nhìn khác nhau.
Đánh giá là công việc khó, đánh giá các trường đại học khó lắm và càng khó hơn khi các trường (trong nhóm 49 trường vừa được công bố xếp hạng) không đồng nhất về loại hình.
Có đại học quốc gia, có đại học vùng, có đại học địa phương; có đại học tự chủ và có đại học được bao cấp về mặt tài chính. Riêng tôi, ủng hộ việc làm đầu tiên do nhóm chuyên gia độc lập tiến hành, còn kết quả ư? Đúng đấy chứ, mức độ thì sao? Một phần, nhiều hơn thế...
Nhân đây, tôi xin có mấy ý kiến:
Việc làm của nhóm chuyên gia độc lập thể hiện tâm huyết của quý thầy cô trong nhóm. "Vạn sự khởi đầu nan", bộ GD-ĐT vì thế cần động viên.
Trong 49 trường đại học được công bố xếp hạng, một số lãnh đạo trường đưa ra những nhận định khác nhau.
Nhưng cái được nhất theo tôi, kết quả đánh già vừa công bố như một lời nhắc nhở các trường nhìn lại công tác dạy học, đào tạo, quản trị của mình để từ đấy xác định tầm nhìn, sứ mạng, chiến lược hành động.
Khảo sát, điều tra để đánh giá, xếp hạng thì ở nhiều quốc gia người ta làm từ lâu. Còn ở nước ta, những nghành - lĩnh vực khác, mấy năm gần đây đều có công bố xếp hạng như cải cách hành chính, chỉ số cạnh tranh...
Công tác kiểm định chất lượng giáo dục cũng đã và đang được triển khai. Đây là một nhiệm vụ của ngành giáo dục-đào tạo, việc đánh giá các cơ sở giáo dục đại học vì thế cần được làm, làm khách quan - độc lập - thường xuyên.
Qua đánh giá, với những trường đại học nằm trong tốp 5, 10... đó là sự ghi nhận và cũng là cách thức quảng bá thương hiệu thu hút người học, chiêu mộ người tài và còn để xuất khẩu giáo dục Việt Nam (tại sao không?).
Với những trường nằm trong tốp thấp, đó là sự cảnh báo: anh hãy thay đổi nếu muốn tồn tại!
Cần sớm cho ra đời từ 1-3 tổ chức chuyên đánh giá các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức này làm việc độc lập, kinh phí hoạt động từ ngân sách của các trường đại học và hoạt động dưới sự giám sát của quốc hội.
Bộ GD-ĐT phối hợp các bộ, ngành liên quan, lắng nghe ý kiến của các trường đại học để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá phù hợp với thực tế, đảm bảo yêu cầu để giáo dục đại học phát triển trong bối cảnh hội nhập.
Một số tiêu chí mà nhóm chuyên gia làm việc độc lập vừa công bố cần được tham khảo. Có thể thấy có những tiêu chí phải điều chỉnh, sửa đổi.
Chẳng hạn, cơ sở vật chất và quản trị ghép làm một là chưa lôgic, cơ sở vật chất là một nội dung của quản trị nhà trường.
Hay như ở tiêu chí GD-ĐT, cần có những chỉ số về giáo trình, kỹ năng của sinh viên, việc làm sau ra trường, hoạt động xã hội, trình độ công nghệ thông tin và ngoại ngữ của giảng viên - sinh viên...
Đánh giá để phát triển, đó là mục tiêu, là động lực. Đánh giá là một chức năng của quản lý. Tự đánh giá là lẽ đương nhiên nhưng sẽ khó toàn diện và sâu sắc do thiếu khách quan, tránh né...
Cần tôn trọng và nhân rộng đánh giá ngoài từ những tổ chức độc lập. Để công tác đánh giá các cơ sở giáo dục đại học đi đúng hướng, Bộ GD-ĐT sớm ban hành thông tư hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tham gia đánh giá.
Kết quả đánh giá cần được công khai, góp phần quan trọng thực hiện tốt Nghị quyết 29 của trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo.