TTO - Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố báo cáo đánh giá tác động của mô hình VNEN. Theo đó "học sinh VNEN tự tin, sáng tạo hơn, biết quan tâm chia sẻ với người khác".
Hai học sinh đang ôn bài trong chương trình VNEN tại Trường tiểu học Tả Thanh Oai, Hà Nội - Ảnh: V.HÀ
Báo cáo cho biết VNEN được Bộ GD-ĐT Việt Nam triển khai vào năm 2011-2012 tại 6 tỉnh thành trên 3 khu vực Bắc, Trung, và Nam; bao gồm 48 lớp học.
"Sự đón nhận từ phía cộng đồng là rất lớn, tạo ra động lực để lãnh đạo Bộ GD-ĐT mở rộng VNEN trên phạm vi toàn quốc", báo cáo viết.
Theo báo cáo, so sánh giữa các hiệu trưởng của nơi thực hiện VNEN và nơi không thực hiện cho thấy 75% hiệu trưởng VNEN nhận thức rằng trường học truyền thống cần phải thay đổi, tỷ lệ này chỉ có 63% đối với hiệu trưởng trường không thực hiện VNEN.
Số liệu cũng cho thấy lợi thế của VNEN trong việc giúp học sinh xây dựng kỹ năng ứng xử và tạo lập quan hệ. Những kỹ năng này bao gồm chịu trách nhiệm về đồ dùng cá nhân của mình, quản lý thời gian và giữ lời hứa.
Học sinh VNEN có lợi thế trong kỹ năng xã hội, bao gồm sự tự tin, bảo vệ quan điểm của mình, biết chia sẻ, quan tâm tới anh chị em/bạn bè, quan hệ tốt với trẻ khác.
Các em cũng nhạy cảm hơn với nhu cầu tình cảm của những người khác, tôn trọng người lớn tuổi, giúp đỡ bạn bè trong các hoạt động trên lớp, cũng như có năng lực sáng tạo hơn so với học sinh trường truyền thống.
Đặc biệt, học sinh VNEN có kết quả học tập bằng hoặc tốt hơn so với học sinh trường truyền thống trong các bài kiểm tra Toán và Tiếng Việt theo mức độ chuẩn.
Cũng theo báo cáo, giáo viên được tập huấn về VNEN thông qua việc mô phỏng lớp học VNEN trong thực tế. Điều này giúp tạo ra sự hăng hái và năng lượng tích cực trong quá trình tập huấn.
Tuy nhiên báo cáo cũng chỉ ra khi nghiên cứu định tính bằng video cho thấy giáo viên gặp phải khó khăn trong việc hiểu cách áp dụng ở "mức độ cao" (hay mức độ thuần thục).
Việc thực hiện một số hoạt động còn khá khó khăn đối với giáo viên. Ví dụ, giáo viên cảm thấy khó khăn trong việc chấp nhận rằng học sinh học thông qua việc mắc lỗi, thay vì nói trước để tránh các em mắc lỗi.
Bản báo cáo nhấn mạnh nghiên cứu đánh giá này không phải là nghiên cứu đánh giá năng lực thực thi của Bộ GD-ĐT Việt Nam, WB, tổ chức GPE hay bất cứ một tổ chức nào.
"Những hoạt động mang tính phức tạp, như đổi mới giáo dục tại Việt Nam, là đa chiều và cần xem xét đánh giá thận trọng. Nghiên cứu đánh giá này chỉ thể hiện một phần nhỏ trong tổng thể này", báo cáo nêu.
Trên đây là báo cáo của Ngân hàng thế giới về VNEN. Bạn có đồng tình với báo cáo trên? Là giáo viên dạy VNEN/có con theo học VNEN, bạn đánh giá gì về báo cáo này? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN hoặc email tới tto@tuoitre.com.vn