Giáo dục

VNEN đã điều chỉnh để phù hợp với giáo dục Việt Nam

TTO - Xung quanh báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về tác động của dự án VNEN tại VN, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với bà TRẦN THỊ MỸ AN, chuyên gia cao cấp của WB.

VNEN đã điều chỉnh để phù hợp với giáo dục Việt Nam - Ảnh 1.

Một tiết học theo mô hình trường học mới VNEN tại một trường tiểu học ở Hà Nội - Ảnh: V.H.

Theo bà An (phụ trách dự án VNEN tại VN), VNEN kế thừa các phương pháp giáo dục hiện đại trên thế giới và điểm mạnh của giáo dục phổ thông ở VN. VNEN cũng có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn giáo dục VN.

* Theo WB, những ưu điểm thấy rõ ở học sinh học mô hình VNEN tại VN so với quốc gia đã thực hiện mô hình này như thế nào?

- Khi xây dựng mô hình trường học mới (EN) ở Colombia, các chuyên gia đã nghiên cứu và kế thừa những phương pháp dạy học tiên tiến của thế giới. 

EN gắn kết cộng đồng vào công tác giáo dục một cách có ý nghĩa; thúc đẩy tính chủ động và tương tác, hợp tác giữa học sinh với học sinh; học sinh với giáo viên, nhà trường và gia đình, cộng đồng. 

Đây là những điểm mạnh mà VNEN đã tiếp thu và phát huy rất tốt. Nhiều chuyên gia giáo dục quốc tế cũng có nhận định những phương pháp giáo dục VNEN có nhiều điểm chung với phương pháp dạy học ở trường học các nước tiên tiến như Úc, Mỹ, Singapore...

* Những khó khăn, hạn chế khi thực hiện VNEN ở VN, theo bà, là do đâu?

- Bất cứ đổi mới giáo dục nào thì yếu tố giáo viên vẫn là quan trọng nhất. Giáo viên cần được bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nhận thức để hiểu được chính xác và đáp ứng được các yêu cầu dạy học mới. 

Ngoài ra, họ phải được hỗ trợ kịp thời trong cả quá trình dạy học để có thể tự tin thực thi sự thay đổi hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế điều này không phải lúc nào cũng được lý tưởng như thế.

Kinh phí hoạt động giáo dục hạn chế cũng là một nguyên nhân, vì thay đổi phương pháp dạy học cũng đòi hỏi có các nguyên vật liệu cho việc dạy và học, thay vì chỉ dạy "chay" - học "chay" trên sách và trong lớp.

* Thời gian qua, tại nhiều địa phương có phản ứng khá dữ dội việc thực hiện VNEN. Điều này có mâu thuẫn với những đánh giá tích cực của báo cáo?

- Bất cứ sự thay đổi nào đều có những phản ứng nhất định, không chỉ đối với đổi mới trong ngành giáo dục.

Trên thực tế, số trường thôi không thực hiện VNEN chiếm tỉ lệ rất nhỏ, phần lớn là trường THCS vì họ tham gia VNEN giai đoạn sau, nên công tác chuẩn bị cho giáo viên chưa được bài bản. 

Thông tin chúng tôi nhận được là hầu hết các trường tiểu học tham gia VNEN vẫn tiếp tục triển khai bình thường.

Kết quả mà báo cáo rút ra hoàn toàn khoa học, chính xác, dựa trên số liệu thu được. Tuy nhiên, số trường VNEN bây giờ đã mở rộng hơn rất nhiều so với thời điểm kết thúc dự án, nên phạm vi nghiên cứu của báo cáo mới gói gọn trong gần 1.500 trường tiểu học thụ hưởng trực tiếp từ dự án. 

Vì thế, muốn tìm hiểu chính xác hiệu quả VNEN ở các trường tham gia sau này thì cần có nghiên cứu quy mô lớn hơn.

Ngoài ra, phương pháp dạy học là hoạt động chuyên môn của nhà trường. Các trường hợp tác với gia đình trong quá trình giáo dục trẻ là cần thiết. 

Tuy nhiên, việc lấy ý kiến để phụ huynh quyết định nhà trường có được tiếp tục đổi mới phương pháp sư phạm (trong trường hợp này là VNEN) thì không khoa học.

Các nhà quản lý giáo dục nên lắng nghe ý kiến của học sinh và giáo viên nhiều hơn. Họ mới chính là chủ thể của quá trình dạy và học.

​Mô hình VNEN là một bước chuyển cần thiết ​Mô hình VNEN là một bước chuyển cần thiết

TTO - GS.TSKH Đỗ Đức Thái - Tổng chủ biên chương trình bộ môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nhận định như thế, nhưng cũng cho rằng “VNEN chỉ nên là bước quá độ tiến đến chương trình giáo dục phổ thông mới”.

* Theo trao đổi với các chuyên gia VNEN, mô hình này có thể thực hiện linh hoạt trong điều kiện VN, kể cả trong tình hình sĩ số học sinh/lớp đông?

- Hoàn toàn chính xác.

Theo tôi, nếu lấy lý do lớp đông, cơ sở vật chất thiếu thốn hay năng lực giáo viên hạn chế để trì hoãn đổi mới giáo dục là có tội với trẻ em chúng ta.

Cần cởi trói tư duy cho giáo viên và học sinh, chúng ta mới phát huy được tinh thần sáng tạo trong nhà trường khi triển khai đổi mới.

Giáo dục VN cần phải đổi mới là điều hiển nhiên. Còn gặp khó khăn ở đâu, do đâu thì cần phải nhận diện nguyên nhân chính xác và sửa chữa điều đó, thay vì đổ lỗi cho khó khăn và trì hoãn sự đổi mới.

Phải thay đổi phương pháp mới có sức ép, buộc các đầu tư cho giáo dục phải thích nghi theo, từ quy mô lớp, chuẩn giáo viên đến trang thiết bị, cơ sở vật chất, phương thức quản lý hay nguồn lực đóng góp của xã hội.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  199,699       3/1,121