Giáo dục

Nhiều trường trung học, mầm non đòi tăng quyền tự chủ

TTO - Nhiều trường trung học phổ thông, mầm non công lập kiến nghị cần tăng thêm quyền tự chủ để phát huy chất lượng đội ngũ giáo viên, học sinh, góp phần dân chủ hóa các hoạt động giáo dục.

Nhiều trường trung học, mầm non đòi tăng quyền tự chủ - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi hội thảo - Ảnh: ĐỨC TRONG

Các ý kiến trên được đưa ra tại hội thảo "Quyền tự chủ của cơ sở giáo dục - đào tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục" do Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam tổ chức ở Tây Ninh ngày 29-9.

Không cần đến 2-3 hiệu phó

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Quốc - hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (Tây Ninh) - nêu: "Tự chủ ở các trường phổ thông là một giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu về đổi mới ngành giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực bền vững, chất lượng cao". 

Theo ông, ở một số trường hợp nếu được tự chủ trong công tác cán bộ thì nhà trường không cần phải có từ 2-3 hiệu phó mà chỉ cần một hiệu trưởng nhưng vẫn điều hành tốt. Như vậy, bộ máy được tinh gọn, thu nhập của giáo viên sẽ được cải thiện và sử dụng lao động tốt hơn.

Còn bà Nguyễn Thị Hường - hiệu trưởng Trường tiểu học Sài Đồng (Hà Nội) - góp ý nên cho phép nhà trường tự chủ về nhân sự và cụ thể là tuyển chọn giáo viên. 

Theo bà, khi đã tự chủ được nhân sự, nhà trường sẽ cân đối được tỉ lệ giáo viên cơ hữu với giáo viên hợp đồng. Để quản lý tốt tuyển dụng, bà Hường cho rằng phải bổ sung tiêu chí về tuyển dụng.

"Tuyển dụng và sa thải phải đúng quy trình dân chủ và có tính đặc thù", bà Huệ nói. Bà cũng kiến nghị một số điều để cơ sở giáo dục tự chủ tốt hơn như xây dựng cơ chế khen thưởng, cho phép cho nhà trường chi phí các mục phát triển thương hiệu và hình ảnh. 

Bà đồng tình rằng tự chủ không có nghĩa là xóa bỏ quyền quản lý của nhà nước mà phải giám sát nghiêm.

TS Huỳnh Công Minh - nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cũng đồng tình với các ý kiến về việc tăng thêm quyền tự chủ cho các trường phổ thông và mầm non công lập. Ông cho rằng ý nghĩa lớn nhất của tự chủ trong nhà trường là để phát huy dân chủ, hạn chế tính chất tập trung.

Hành lang pháp lý chưa rõ ràng

Nhiều trường trung học, mầm non đòi tăng quyền tự chủ - Ảnh 2.

Ông Tạ Quang Sum, nguyên hiệu trưởng một trường THPT ở tỉnh Khánh Hòa, cho biết hiện nay giáo viên đang bị bội thực bởi những vấn đề đổi mới trong giáo dục - Ảnh: ĐỨC TRONG

Đại diện đoàn chủ tịch tại buổi hội thảo cho rằng với giáo dục đại học, vấn đề tự chủ đã có hành lang pháp lý nhưng ở bậc trung học phổ thông dân lập thì tự chủ giáo dục còn rất mới mẻ và hiện chưa có một văn bản pháp luật nào đề cập đến.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Hoa - hiệu trưởng Trường mầm non Nam Sài Gòn (TP.HCM), vấn đề tài chính trong trường công lập hiện nay là mức thu học phí đối với học sinh chậm hơn, thấp hơn so với hệ số lương của giáo viên. 

Vì vậy, bà Hoa đề xuất nếu quy định tự chủ trong trường công lập thì hành lang pháp lý phải hết sức chặt chẽ để không xảy ra những trục trặc, sai phạm.

TS Nguyễn Tùng Lâm - chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - cho rằng không nên nhầm lẫn giữa quyền tự chủ của hành vi cá nhân với quyền tự chủ của mỗi cơ sở giáo dục được Nhà nước trao cho. 

Khi được trao quyền tự chủ, lãnh đạo nhà trường có thể sáng tạo và linh hoạt trong phạm vi của quyền tự chủ đó. Ở các nước phát triển, hệ thống trường công lập chỉ được trao quyền tự chủ khi đã được kiểm định chất lượng giáo dục. 

Ông nêu thực trạng tự chủ trong nhà trường không đơn giản và trên thực tế hệ thống trường công vẫn đang hoạt động như thời bao cấp cả về con người, cơ chế, tiền lương và tài chính. Vì vậy, ông cho rằng phải xây dựng ngay hành lang pháp lý, đó mới là bước đi đầu tiên để trao quyền tự chủ cho nhà trường.

Theo đại diện Sở GD-ĐT Sóc Trăng tại buổi hội thảo, vấn đề tự chủ trong nhà trường đã có nghị định hướng dẫn nhưng nhà trường muốn tự chủ hoàn toàn thì trước hết phải tự chủ về tài chính.

Không có tự chủ về tài chính thì không thể tự chủ các vấn đề khác. Trong khi đó, nguồn thu của nhà trường hiện nay chỉ là học phí, điều này không đủ để nhà trường tự chủ.

TS Nguyễn Tùng Lâm bổ sung ngoài tài chính, tự chủ trong nhà trường gồm nhiều việc, từ con người, tổ chức, nội dung giảng dạy. "Mục đích cuối cùng của tự chủ là tăng cường chất lượng giáo dục", ông Lâm nhấn mạnh.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  264,335       1/568