Giáo dục

Tiếp tục học lệch giờ, người kêu hợp lý, kẻ than trời

TTO - TP.HCM thống nhất tiếp tục thực hiện lệch ca, lệch giờ trong thời gian tới. Nhiều người ủng hộ, nhưng cũng có không ít ý kiến băn khoăn.

Tiếp tục học lệch giờ, người kêu hợp lý, kẻ than trời - Ảnh 1.

Cảnh ùn tắc giao thông vào giờ tan học trước cổng trường ở TP.HCM vào chiều 5-10 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Từ năm học 2006-2007 đến nay, ngành giáo dục TP.HCM đã bố trí giờ học như sau: bậc mầm non: 7h30 vô học - 16h ra về; bậc tiểu học: 7h vô học - 16h45 ra về; bậc THCS: 7h15 vô học - 17h15 ra về; bậc THPT: 7h vô học - 17h30ra về".

Việc điều chỉnh này được đánh giá là chấp nhận được và nên tiếp tục thực hiện.

Giải tỏa bớt kẹt xe

Ông Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, cho biết ông nhận thấy từ khi triển khai đề án đến nay, việc học lệch ca, lệch giờ đã giải tỏa bớt tình trạng ùn tắc giao thông.

"Ví dụ, con tôi học Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), trên cùng đoạn đường Nguyễn Bỉnh Khiêm có thêm Trường THPT Trưng Vương, THCS Võ Trường Toản, nếu học sinh vào ra cùng một lúc thì chắc chắn kẹt cứng", ông nói. 

"Đối với đề nghị xử phạt phụ huynh đậu xe trái với quy định thì các trường phải phối hợp với các cơ quan chức năng khác. Bên cạnh đó, các trường nên mở cổng trường vào giờ đưa đón và sắp xếp chỗ đậu xe cho phụ huynh. Nên mở thêm các cổng phụ cho từng khối lớp, tránh việc học sinh ồ ạt ra từ một cổng chính", ông thêm.

TS Dư Phước Tân - trưởng phòng nghiên cứu quản lý đô thị Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhận định: "Việc điều chỉnh lệch giờ học giữa các bậc được thực hiện vào năm 2007 theo quan điểm không gây xáo trộn giờ giấc quá lớn của các khối học sinh, đồng thời tạo thuận lợi cho phụ huynh đưa đón con em. 

Do vậy, giữa các bậc học được ngành giáo dục cố gắng duy trì chênh nhau khoảng 15 phút là chấp nhận được".

Lợi người này, bất lợi cho người khác

Tiếp tục học lệch giờ, người kêu hợp lý, kẻ than trời - Ảnh 2.

Nguồn: Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Ông Nguyễn Văn Khanh - phụ huynh ngụ tại Q.Tân Bình, nói việc học lệnh giờ "trước mắt thì tạm ổn, nhưng về lâu về dài không ổn". 

"Phải tính phương án lâu dài, như nâng cao chất lượng các phương tiện đưa đón học sinh. Học lệch ca, lệch giờ có thể giải quyết một phần cho bài toán kẹt xe, nhưng lại có hệ lụy là nhiều phụ huynh phải "ăn cắp" giờ làm việc để đón con.

Chúng tôi cũng khá lo lắng về vấn đề an toàn khi con sử dụng phương tiện giao thông công cộng, vì nhiều xe không đưa học sinh về tận nhà được. Có một lần con của bạn tôi đứng ở điểm trả học sinh, có hai thanh niên lạ mặt lại gần nói: "Bố cháu nhờ hai chú đến đón cháu". May mắn là cháu nhanh trí gọi điện thoại cho bố", ông chia sẻ.

Ông Lê Hoài Trung - phó giám đốc thường trực Sở Nội vụ TP.HCM, thì băn khoăn: "Giờ ra về của bậc mầm non là 16h, bậc tiểu học là 16h45, tức là trước khi cán bộ - công chức tan tầm. Như ở cơ quan tôi quy định 17h cán bộ - công chức mới tan sở thì làm sao chúng tôi kịp giờ đón con.

Vì vậy, tôi đề nghị Sở GD-ĐT TP quy định khung giờ thế thôi, còn từng nhà trường phải tính toán để quyết định giờ vào học, giờ ra về cho phù hợp".

Thầy Bùi Thành Đức - hiệu phó Trường THCS Lữ Gia, Q.11, cũng cho rằng lệch ca, lệch giờ có mặt lợi cho người này và mặt bất lợi cho người khác.

"Lệch giờ thuận lợi cho số đông phụ huynh đưa đón con khi họ có thời gian làm việc phù hợp với lịch học của con và giảm kẹt xe, nhưng bất lợi cho nhiều phụ huynh khi phải đón con em sớm hơn giờ tan ca", ông nói. 

Tuy nhiên thầy Đức cho biết dưới góc độ cá nhân, ông ủng hộ đề xuất tiếp tục thực hiện lệch giờ, lệch ca. Ông cũng ủng hộ việc xử phạt phụ huynh đậu xe trái quy định: "Phụ huynh phải tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, nhà trường cần bố trí nơi đậu xe đúng quy định và trật tự, an toàn cho phụ huynh".

Nhiều ý kiến cho rằng có những con đường cấm ôtô dừng, đậu, nhưng trên thực tế phụ huynh vẫn vô tư dừng, đậu xe để đưa đón con đi học. Đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông phải phạt thật nặng những trường hợp này, tránh việc vi phạm nhiều lần thành thói quen.

Bên cạnh đó, khuyến khích các đơn vị trường học sử dụng xe đưa đón học sinh của Trung tâm Vận tải hành khách công cộng TP.HCM nhằm giảm áp lực sử dụng xe máy vào các giờ cao điểm cũng như hạn chế tai nạn và góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  262,866       2/1,292