TTO - Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết vẫn đang 'tiếp tục kiểm tra' dấu hiệu sai phạm với các cán bộ, lãnh đạo có liên quan vụ tuyển dư hàng trăm giáo viên.
Cô giáo Nguyễn Thị Bình nói trong nước mắt từ tháng 5-2017 đến nay chị đã bị cho nghỉ việc, không lương - Ảnh: TRUNG TÂN
Ngày 12-3, UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã gặp gỡ 208 giáo viên để thông báo thông tin mới nhất vụ việc chấm dứt hợp đồng lao động với các giáo viên này.
Tại cuộc gặp, bà Ngô Thị Minh Trinh - phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk - cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng đối với các giáo viên "không đủ điều kiện xét tuyển mà UBND huyện Krông Pắk đã ban hành (công văn 323 ngày 6-3)".
Đề nghị tỉnh tuyển bổ sung
Theo đó, "để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người lao động theo quy định và để ổn định an ninh trật tự tại địa phương, yêu cầu huyện Krông Pắk báo cáo, đề xuất cụ thể với UBND tỉnh để xét tuyển bổ sung với các giáo viên đã có hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế nhưng không còn vị trí việc làm để tuyển dụng".
Tỉnh cũng chỉ đạo huyện Krông Pắk phối hợp với Sở Nội vụ để chuẩn xác số liệu, tổng hợp, phân loại hợp đồng lao động theo từng nhóm để dự kiến biện pháp giải quyết phù hợp theo quy định và thực tiễn. Đồng thời rà soát nội dung công văn 323 để có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế và quy định hiện hành.
Trao đổi với báo chí sáng cùng ngày, bà Trinh cho biết huyện đang rà soát lại các loại hợp đồng để có văn bản báo cáo, đề xuất tham mưu với tỉnh. Theo bà Trinh, đến nay ngoài 83 chỉ tiêu sắp xét tuyển thì huyện còn khoảng 150 biên chế viên chức giáo dục, nhưng theo tinh thần tinh giản nên số này chỉ còn 75 biên chế.
Vì vậy, trong số 208 giáo viên hợp đồng các môn học không có chỉ tiêu xét tuyển đang bức xúc, huyện sẽ rà soát, đề nghị tỉnh tuyển bổ sung, giải quyết phần nào công ăn việc làm cho giáo viên. Việc xét tuyển nếu được phê duyệt cũng làm đúng quy định theo các đối tượng được tuyển đặc cách, đại trà...
Trước đó, chiều tối 11-3, UBND tỉnh đã ký văn bản hỏa tốc chỉ đạo việc tạm dừng quyết định mà UBND huyện Krông Pắk đã ban hành. Ông Nguyễn Hải Ninh - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk - cho biết văn bản do ông ký ban hành sau cuộc họp khẩn với Huyện ủy, UBND huyện Krông Pắk vào sáng cùng ngày.
Liên quan 3 nhiệm kỳ chủ tịch huyện
Những hợp đồng lao động do ông Nguyễn Sỹ Kỷ ký với giáo viên - Ảnh: TRUNG TÂN
Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, ông Phan Xuân Lĩnh - chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk - cho biết ủy ban vẫn đang tiếp tục kiểm tra dấu hiệu sai phạm đối với các cán bộ, lãnh đạo huyện Krông Pắk liên quan việc tuyển dư hơn 600 giáo viên.
Theo ông Lĩnh, việc tuyển thừa giáo viên liên quan đến ba nhiệm kỳ. Trong đó, nhiệm kỳ ông Nguyễn Sỹ Kỷ - phó Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên chủ tịch giai đoạn 2011-2016 và ông Y Suôn Byă - chủ tịch đương nhiệm - là chủ yếu.
Tính đến tháng 11-2015, UBND huyện Krông Pắk đã ký hợp đồng với 588 giáo viên và 80 nhân viên trường học.
Ông Nguyễn Sỹ Kỷ đã bị Ủy ban kiểm tra ra quyết định cảnh cáo về mặt Đảng do không thực hiện theo tinh thần kết luận của Thanh tra tỉnh về tuyển dụng dư giáo viên.
"Hiện Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thành lập tổ kiểm tra để xác minh theo đơn tố cáo đối với ông Y Suôn Byă, cả việc ông này liên quan đến tuyển dôi dư giáo viên" - ông Lĩnh nói.
Phóng viên từng liên lạc nhưng ông Kỷ nói không còn làm ở Krông Pắk nên không trả lời. Ngày 12-3, phóng viên thêm nhiều lần liên lạc với ông Kỷ nhưng ông không trả lời.
Giáo viên từng khởi kiện
Ngày 17-10-2013, ông Nguyễn Sỹ Kỷ ký quyết định hợp đồng lao động đối với thầy giáo Nguyễn Ánh Dương (32 tuổi) về dạy môn hóa tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai. Đến tháng 1-2017, do "kinh phí hạn chế", nhà trường giảm lương còn 1 triệu đồng/tháng nên anh Dương không chấp nhận.
Khi đó, anh Dương và bốn giáo viên đã khởi kiện "tranh chấp tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế" giữa các giáo viên này với Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai.