Giáo dục

Vào trường đánh giáo viên, phụ huynh sẽ nhận 'quả đắng'

TTO - Khi phụ huynh hành xử côn đồ, bạo lực với thầy cô, chính phụ huynh sẽ nhận 'quả đắng' mình gieo.

Vào trường đánh giáo viên, phụ huynh sẽ nhận quả đắng - Ảnh 1.

Nhiều bạn đọc tiếp tục ý kiến sau vụ phụ huynh vào trường hành hung khiến một nữ giáo sinh ở Nghệ An suýt sẩy thai.

Mai Thi (Huế):

Xin phụ huynh đừng "đối đầu" với người thầy

Câu chuyện là lát cắt buồn của giáo dục khi mà vai trò, vị thế của người thầy bị hạ thấp và nghề giáo đang bị đánh giá là nghề nguy hiểm. Cho phép tôi được gọi phụ huynh trên là "cá biệt".

Cá biệt bởi cách hành xử đi quá giới hạn cho phép với những người vẫn ngày ngày dạy dỗ, chăm sóc, uốn nắn con cái họ. Và cá biệt bởi chính họ đang là tấm gương xấu xí cho con trẻ noi theo.

Khi phụ huynh hành xử côn đồ, bạo lực với thầy cô như thế, tôi nghĩ chính phụ huynh sẽ nhận "quả đắng" mình gieo. Bởi lẽ mọi phương pháp giáo dục trẻ của thầy cô và nhà trường bị phụ huynh soi xét dưới cái nhìn thiếu thiện cảm; môi trường giáo dục liên tục gánh lấy những mối nguy hiểm, rủi ro rình rập, không ai dám chắc thầy cô vẫn tâm huyết với nghề, hăng say giáo dục đạo đức học sinh.

Khi nhiệt huyết bị lấn át bởi nỗi lo, lòng hăng say bị nhấn chìm bởi nỗi sợ hãi từ áp lực của phụ huynh và dư luận xã hội thì sự lảng tránh nhiệm vụ "dạy người" rất dễ manh nha. Điều đó cực kỳ nguy hại bởi chúng ta không chỉ cần một lớp trẻ giỏi về kiến thức mà còn mong các con lớn lên làm những con người tử tế.

Mà biểu hiện đầu tiên của sự tử tế chính là biết tôn trọng, yêu kính thầy cô. Điều này rất khó thành hiện thực khi chính phụ huynh lại là "tấm gương mờ" dạy trẻ dùng bạo lực ứng phó với bạo lực và đối xử với người thầy như kẻ "bán chữ" không hơn không kém!

Bởi vậy, để ngăn chặn mầm mống bạo lực có nguy cơ lan rộng và bảo vệ danh dự, nhân phẩm của người thầy, cần tuyên truyền và nhân rộng cách ứng xử văn hóa trong cộng đồng nói chung và môi trường giáo dục nói riêng.

Giáo dục trẻ không phải là nhiệm vụ của riêng nhà trường. Giáo viên cần hơn ai hết sự thấu hiểu, đồng hành của phụ huynh trong hành trình chông gai - "dạy người".

Bởi vậy, xin phụ huynh đừng "đối đầu" mà hãy "đối thoại" với người thầy!

Phan Thị Mộng Tuyền (Gò Vấp, TP.HCM):

Nguyên nhân cốt lõi từ giáo dục

Sự việc xảy ra đối với ngành giáo dục và nguyên nhân cốt lõi cũng từ giáo dục mà ra. Thông thường, khi nói đến giáo dục ai cũng quay về giáo dục gia đình trước rồi mới đến giáo dục nhà trường và sau đó là giáo dục xã hội.

Vai trò của Nhà nước, quản lý ngành vô cùng quan trọng trong việc đưa ra những chính sách phù hợp cho sự phát triển chung của ngành. Trong đó, đảm bảo cung cấp kiến thức thiết thực cho xã hội, đồng thời giữ vững các giá trị đạo đức truyền thống như "tôn sư trọng đạo", "kính trên nhường dưới" hoặc "thương người như thể thương thân" cần được bảo tồn và phát huy.

Từ đó, thế hệ được đào tạo khi lớn lên họ sẽ biết phải dạy con như thế nào và nhà trường chỉ đóng vai trò cung cấp bổ sung kiến thức cũng như bảo tồn các giá trị đạo đức kể trên.

Nhưng trên thực tế, một thời gian dài chính sách giáo dục nước nhà vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém và sai sót, trong đó có những quy định làm "trói tay" nhà giáo.

Ngoài ra, chương trình đào tạo chỉ chú trọng số lượng mà bỏ quên chất lượng. Các trường học thi đua hơn nhau về mặt thành tích mà quên đi yếu tố thực tài.

Tại lớp học, nhiều giáo viên chỉ chú trọng dạy các môn tự nhiên mà quên hoặc cố tình quên đi các môn dạy làm người, trong đó có môn đạo đức…

Nguyễn Hoàng Chương (Lâm Đồng):

Lập lại an ninh trường học

Câu chuyện cô giáo quỳ gối ở Bến Lức (Long An) chưa kịp lắng xuống, dư luận lại bàng hoàng khi hay tin phụ huynh vào trường hành hung cô giáo (xảy ra tại Trường mầm non Việt - Lào, TP Vinh, Nghệ An).

Không chỉ tại Trường mầm non Việt - Lào mà tại nhiều cơ sở giáo dục, khi có kẻ đến gây rối, lãnh đạo đơn vị rất lúng túng. Nhiều bảo vệ trường học chưa thể ngăn cản hành vi hành hung, báo cáo lên chính quyền địa phương để được trợ giúp thì "má đã sưng".

Hơn lúc nào hết, vấn đề an ninh trường học cần được lập lại và đặt lên hàng đầu.

Đánh cô vì con bầm chân

Trước đó khoảng 8h sáng ngày 22-3, bà Phan Thị Nghĩa là phụ huynh của bé T.P.Đ.K. (học sinh lớp 5 tuổi E Trường mầm non Việt - Lào, TP Vinh, Nghệ An) đưa con đến lớp. Cho rằng giáo sinh P.T.H. (21 tuổi) đánh con mình ở buổi học trước để lại vết bầm ở cẳng chân bên trái của bé nên bà Nghĩa đã hành hung cô H. dù cô liên tục van xin mình đang có thai.

Tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe Nghệ An, qua thăm khám và siêu âm, bác sĩ kết luận bệnh nhân H. có hiện tượng bóc tách nhẹ, biểu hiện dọa sảy thai.

Làm việc với công an sau khi vụ việc xảy ra, bước đầu bà Nghĩa thừa nhận có đánh, bắt cô H. quỳ khiến cô này bị dọa sảy thai. Bà cũng bị cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ điều tra.

Ngày 26-3, Công đoàn Giáo dục Việt Nam có công văn đề nghị Công an TP Vinh, Công an phường Trung Đô, Nghệ An điều tra, xác minh vụ việc phụ huynh đánh giáo viên tại Trường mầm non Việt - Lào. Nếu có đủ dấu hiệu phạm tội, đề nghị khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật.

Công đoàn giáo dục Việt Nam cũng đề nghị các đơn vị sớm có giải pháp xử lý và biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn học đường để các thầy giáo, cô giáo yên tâm công tác.

"Tôi bị đánh, bắt quỳ xin lỗi phụ huynh và học trò" 'Tôi bị đánh, bắt quỳ xin lỗi phụ huynh và học trò'

TTO - 'Đánh tôi xong, bà N. yêu cầu nếu quỳ xin lỗi thì tha, nếu không đập cho chết. Tôi quỳ xuống trước mặt phụ huynh và cháu bé, nói cô xin lỗi cháu', theo lời cô H. - đang thực tập tại Trường mầm non Việt - Lào.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  181,493       1/786