Giáo dục

Sinh viên nên yêu hay cứ cắm đầu vào học?

TTO - Tình yêu trên giảng đường để lại nhiều kỉ niệm đẹp, giúp sinh viên trưởng thành hơn sau này song cũng có những rủi ro. Sinh viên nên làm sao?

Sinh viên nên yêu hay cứ cắm đầu vào học? - Ảnh 1.

Hơn 500 sinh viên trường ĐH Kinh Tế TP.HCM tham gia hội thảo trong không khí vui vẻ - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Trong 4 năm đại học, bạn đã từng yêu ai chưa? Theo bạn, khi yêu sinh viên cần lưu ý những gì?... Những câu hỏi tưởng dễ mà khó đã làm 'nóng' buổi hội thảo tâm lý - kĩ năng với chủ đề Thời sinh viên yêu hay không yêu tại Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM.

Đã yêu thì phải "chất"

TS tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, chia sẻ tuổi sinh viên nên yêu vì tình yêu khi còn ngồi trên ghế giảng đường sẽ để lại nhiều kỉ niệm đẹp và giúp chúng ta trưởng thành hơn sau này.

Liệu yêu có làm ảnh hưởng đến việc học? "Sẽ không nếu hai người quen nhau biết cách quản lý thời gian. Hai bạn có thể học bài cùng nhau nếu học chung ngành, có thể đọc sách hoặc tham gia các hoạt động xã hội cùng nhau", TS Hiếu nói.

Cũng theo TS Hiếu, nếu không có nhiều thời gian ở bên nhau, các bạn hãy "đầu tư" cho mỗi lần gặp mặt. Không phải lúc nào cũng dắt nhau đi trà sữa hay cà phê, các bạn có thể đổi gió bằng cách đi xem phim, sở thú, công viên để tạo mới lạ. 

Ngay cả những tin nhắn cũng nên chăm chút chứ không chỉ là những nội dung lặp lại hằng ngày như chúc ngủ ngon, đang làm gì hay ăn cơm chưa?

Tạo được "chất" những khi ở bên nhau, các bạn sẽ hạnh phúc với khoảng thời gian yêu đương có hạn khi nhiệm vụ chính của sinh viên là học tập.

Nhiều sinh viên thắc mắc mình "không đến nỗi nào" nhưng sao vẫn FA (Forever Alone - từ của giới trẻ chỉ tình trạng chưa có người yêu)?

Theo TS Hiếu, có thể do sinh viên ấy ít tiếp xúc với các "mầm gấu" ("đối tượng" tiềm năng). Giải pháp đưa ra là mở rộng các mối quan hệ bằng cách đi dự sinh nhật bạn bè, sinh hoạt ở câu lạc bộ, đi mùa hè xanh hay đi dự hội thảo… 

"Đã ế và muốn có người yêu thì tuyệt đối không được ôm máy tính", TS Hiếu lưu ý.

Thứ hai, có thể do các bạn trẻ đưa ra quá nhiều tiêu chuẩn cho người yêu. Thứ ba, do các bạn không có kĩ năng làm quen, bắt chuyện. 

"Đôi khi chỉ cần một tin nhắn, một câu nói cũng có thể giúp hai người vượt qua e ngại ban đầu. Các bạn có thể tìm "cớ bắt chuyện", như nhờ vả, hỏi thăm một chuyện gì đó", TS Hiếu tư vấn.

Chia tay văn minh

Sinh viên nên yêu hay cứ cắm đầu vào học? - Ảnh 2.

TS Hiếu lưu ý sinh viên chia tay cần phải văn minh - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Nhiều bạn trẻ sau khi chia tay đã làm những chuyện dại dột cho bản thân hoặc phạm phải những sai lầm khó sửa.

Bạn T.H., 22 tuổi - ĐH KHXH&NV TP.HCM, chia sẻ sau khi chia tay người yêu, bạn đau khổ đến độ dùng lưỡi lam rạch tay, rạch ngực nhiều đường đến nỗi suýt nhập viện. "Giờ nhớ lại mình vẫn thấy ớn", T.H cho biết.

TS Hiếu cho rằng nguyên tắc quan trọng nhất khi chia tay là không được làm đối phương quá sốc vì dễ làm người ấy có những phản vệ tâm lý bất thường. 

Thay vào đó, các bạn nên dần dần cho đối phương biết về nguy cơ chia tay, về mối quan hệ đang rạn nứt để một khi xảy ra sẽ dễ dàng để cả hai chấp nhận hơn.

Khi chia tay, nhất định không được hành hạ bản thân, ngược lại phải yêu mình hơn vì qua mối tình đó bạn hiểu bản thân hơn, có thêm kinh nghiệm sống và định hình rõ hơn mẫu người có thể cùng bạn đi đến hết cuộc đời.

Không nên trốn tránh nỗi buồn mà hãy cho phép bản thân được buồn, được khóc trong một khoảng thời gian rồi bạn sẽ vượt qua. Sau đó hãy tiếp tục yêu đời, mở rộng mối quan hệ để có thể tiếp xúc với thêm những "mầm gấu" khác.

Hi vọng buổi hội thảo sẽ giúp cho sinh viên có thêm kĩ năng hạn chế gặp rủi ro trong tình yêu, biết cách nhìn người để trao niềm tin, biết cách nuôi dưỡng tình yêu, dám đối diện với nỗi đau và biết cách chia tay an toàn"

TS tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

Bàn vấn đề tình dục trước hôn nhân, TS Hiếu khuyên các bạn sinh viên phải biết giữ an toàn cho bản thân khi yêu. Đặc biệt không cho phép người yêu ghi âm, ghi hình để phòng trường hợp về sau bị đe dọa hay uy hiếp.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  181,651       2/786