Giáo dục

Nghề giáo khó đến nỗi cô không thể trò chuyện với trò?

TTO - Tôi thật sự ngỡ ngàng lúc đọc bài về cô học trò bật khóc khi giáo viên chỉ giảng bài mà không nói chuyện với lớp. Càng đau lòng hơn khi đọc các bình luận dưới bài.

Nghề giáo khó đến nỗi cô không thể trò chuyện với trò? - Ảnh 1.

Dạy học đối với tôi là sự không ngừng san sẻ yêu thương - Ảnh: M.L.

Nhiều bình luận nói là em học sinh này đòi hỏi quá nhiều, khi đến lớp giáo viên lo "chạy bài liên tục" còn cháy giáo án lấy thời gian đâu mà chuyện trò tương tác. Có bạn nêu: nghề giáo giờ khó quá, nói "hớ" một tiếng là "mang họa"...

Tôi tha thiết muốn sẻ chia với em học sinh trong bài là: Cô cảm ơn con! Chính lời con nói, những giọt nước mắt của con khiến cô cảm thấy con đường mình chọn, cách mình đang làm là hoàn toàn đúng.

Với 20 năm giảng dạy môn văn, qua các sự kiện liên quan đến nhà giáo gần đây, tôi thiết nghĩ người giáo viên ngoài năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm, cần phải biết cách tương tác hiệu quả, "làm bạn" thật sự với học sinh.

Công việc này cần được duy trì hằng ngày, hằng giờ bằng tất cả nhiệt tình và tâm huyết. Có lẽ nhiều bạn ngoài ngành và cả đồng nghiệp sẽ không tin là tôi làm được điều này.

Trong từng tiết dạy, tôi luôn vừa giảng bài vừa "chèn" trực tiếp các câu chuyện đạo đức, thời sự vào từng phần nhỏ của bài. Khi dạy bài tục ngữ với câu "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - Cái nết đánh chết cái đẹp", tôi đem chuyện các cô dự thi hoa hậu nhưng ít kiến thức vào làm ví dụ.

Tôi dẫn câu trả lời sai của các thí sinh, giải thích sơ qua rằng các bạn ấy đã chưa chú trọng nâng cao kiến thức... Tôi để các học sinh tự đưa ra kết luận: có cô khi đi thi hoa hậu chỉ chú ý vẻ đẹp hình thức nên đã rớt. Đó là minh chứng cho câu tục ngữ các em đang học.

Khi dạy Chí Phèo, tôi kể câu chuyện các thanh niên vì thiếu kiềm chế, thiếu hiểu biết rơi vào con đường nghiện ngập, ngáo đá, đi cướp giật; chuyện những người tù hoàn lương được cộng đồng đón nhận...

Điều tôi viết có thể có bạn chưa tin, cho rằng tôi "ảo tưởng năng lực" hoặc dạy tư thục nên được quyền điều chỉnh bài mình dạy. Thế nhưng, là giáo viên ở vào thời điểm này, nếu không chịu khó lắng nghe, không tương tác tốt với học trò cũng đồng nghĩa với việc tự đẩy mình xa dần các em.

Nghề giáo - ngành giáo dục giờ đây cũng cần PR để nâng cao uy tín và giá trị. Thế nên mỗi giáo viên ngoài năng lực sư phạm phải biết cách tương tác hiệu quả, "làm bạn" thật sự với học sinh. 

Và công việc này cần được làm bằng tất cả nhiệt tình yêu trẻ, tích cực làm mới chính mình theo kiểu "nước chảy đá mòn, kiến tha lâu đầy tổ". 

Vừa rồi, trong tiết dạy về "Đoạn văn nghị luận" của lớp 8, tôi lấy đề tài "Lòng bao dung" đang được đăng trên diễn đàn báo Tuổi Trẻ ra làm luyện tập. Tiết học vừa không nhàm chán, vui lại là dịp để thầy trò gần gũi nhau hơn. 

Chốt lại bài viết, tôi xin chia sẻ lời chúc của một em học sinh: "Con cảm ơn cô! Không có sự giúp đỡ và dạy bảo của cô 20 năm trước chắc con cũng không có ngày hôm nay. Nhân dịp sinh nhật cô, con xin cảm ơn cô về những gì cô đã làm cho con và nhiều thế hệ học trò!

Thật là ấn tượng và thú vị về phương pháp dạy văn như dạy ngoại khóa của cô. Không quá gò bó theo giáo trình nhưng lại giúp học sinh hiểu được học văn quan trọng như thế nào cho cuộc đời của học sinh sau này, học văn là học làm người".

Em học trò này tên Lương Văn Nga, hiện là giám đốc kinh doanh Công ty đa quốc gia Tada, cũng là cậu trò nghèo ngày xưa tôi từng vận động lớp 10A33 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi đóng học phí cho em tiếp tục đến lớp.

Vậy đó, dạy học với tôi là sự không ngừng san sẻ yêu thương!

Học sinh bật khóc vì Học sinh bật khóc vì 'cô không nói gì ngoài giảng bài'

TTO - 'Em mong muốn cô nói chuyện với lớp dù chỉ một lần vì ngoài giảng bài ra, cô không nói gì cả', một học sinh ở TP.HCM bật khóc khi kể về cô giáo.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  181,582       1/786