Giáo dục

Cô Hạnh và nỗi trăn trở Gò Khôn

TTO - 'Tôi không nhớ mình từng xin những gì nữa. Các em cần gì thì tôi xin thôi', cô Hạnh tâm sự.

Cô Hạnh và nỗi trăn trở Gò Khôn - Ảnh 1.

Không chỉ giúp đỡ vật chất, cô Hạnh còn thường xuyên hướng dẫn bài vở cho trò ngoài giờ học chính - Ảnh: TRẦN MAI

Tôi vẫn còn trăn trở với Gò Khôn. Phòng học còn tạm bợ, trò thiếu thốn nhiều thứ lắm. Tôi sẽ tiếp tục hướng những tấm lòng đến nơi này

Cô giáo Phùng Thị Mỹ Hạnh

"Tôi thấy bọn trẻ ở trường cần biết mùi vị Tết trung thu như thế nào. Thế là tôi đi quyên góp từ các chị buôn bán nhỏ quanh trường, chi bộ, quỹ đoàn...mua bánh kẹo. Lân thì mượn của trường khác. Đó là lần đầu tiên bọn trẻ ở trường biết Tết trung thu là thế nào".

"Và đó cũng là Tết trung thu đáng nhớ nhất đời tôi".

Cô giáo Phùng Thị Mỹ Hạnh (33 tuổi, giáo viên Trường tiểu học & THCS Ba Giang, xã Ba Giang, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) khởi đầu câu chuyện bằng cái Tết trung thu khiến đáy mắt trẻ vùng hun hút núi này rạng rỡ.

Các em cần gì là giúp

Người dân và đồng nghiệp đã quen hình ảnh cô Hạnh từ dưới xuôi lên, trên xe chở lỉnh kỉnh vật dụng học tập hay thức ăn, quần áo vừa xin được cho trò. Quà về đến Quảng Ngãi là cô Hạnh xuống núi chở ngược lên. Hình ảnh ấy thấm vào trong đáy mắt non cao. 

"Tôi không nhớ mình từng xin những gì nữa. Các em cần gì thì tôi xin thôi. Có nhiều khi tôi nấu bữa cơm cho nhà, nghĩ đến các em, lại nấu một nồi đầy rồi mang đến trường chia cho bọn trẻ. Chắc mỗi em được một miếng ngon thôi. Biết là ít nhưng bản thân mình cũng khỏi áy náy" - cô Hạnh kể.

Dạy học ở Ba Giang có đôi lúc phải chờ trò đến lớp. Thầy cô sốt ruột quá thì đi ngược vào làng đón trò. Bởi có những làng trò thức dậy từ 5h, ra đến điểm chính cũng đã 9h30. Cô Hạnh nói vui rằng: "Dạy học ở vùng cao, giáo viên thường "đứng núi này trông núi nọ" lắm. Nhìn núi này chờ học trò đến rồi lại trông qua núi kia đợi".

Cách trở của núi rừng tỉ lệ thuận với nguy hiểm. Giáo viên cùng phụ huynh dựng lều tạm, vận động trò ở lại. Những túp lều như bay theo gió đại ngàn không đủ che ấm cho trò. 

Cô Hạnh sau khi được sự đồng ý của trường đã kêu gọi thêm nhóm thiện nguyện Facebook Quảng Ngãi và nhóm thiện nguyện Đà Nẵng tận dụng một cơ sở xây dựng dang dở làm nhà bán trú cho trò. Mỗi năm, cô Hạnh lại "đi xin" sửa sang thêm để chỗ ở của trò thêm khang trang.

Trường tiểu học & THCS Ba Giang bây giờ cũng không còn cảnh sân trường đầy cỏ, cây dại, mưa xuống như ruộng vào vụ cấy nữa. Thay vào đó là một sân trường lót gạch thật đẹp. Đó là tâm huyết mà cô Hạnh đã kêu gọi, vận động các mạnh thường quân chung tay tạo sân chơi cho trò. 

Cô Hạnh bảo: "Mình là cầu nối, còn các mạnh thường quân mới là quan trọng nhất, đồng tiền họ gửi đến cho mình, phải làm sao cho xứng đáng. Công trình đẹp mà giá càng rẻ càng tốt".

Đến nhà bán trú cho đồng nghiệp

Chớm đông, cô Hạnh cùng những người bạn lên điểm trường ở thôn Gò Khôn. Công tác ở Trường tiểu học & THCS Ba Giang nhiều năm nhưng cô Hạnh chưa lên điểm trường này bởi nằm thăm thẳm trong lòng núi. Đó là chuyến đi của năm 2016. 

Dù đã được cảnh báo trước về độ khó khăn của điểm trường này nhưng chuyến đi ấy đã khiến cô Hạnh và bạn hữu nhớ đời. Chỉ cách trung tâm xã 6km thôi nhưng sau trận mưa rừng diễn ra trước đó hai ngày, đoàn phải cột xích vào bánh xe để đi, được một đoạn thì bỏ xe lại và lội bộ.

Vào đến trường, thầy cô "bám trụ" dạy chữ ở đây lọ mọ từ dưới gầm nhà văn hóa thôn bước ra chào đoàn. Nhà bán trú cũ bị hỏng, thế là thầy cô đành tá túc tạm ở đó. Đi đứng phải khom lưng. Cô Hạnh không để ý, đầu lãnh trọn cú va vào sàn nhà. 

"Thầy cô ở đây đã sống như vậy để dạy chữ. Thật không thể hình dung được, nguy hiểm đủ bề. Trên đó lại rất lạnh. Gió thốc từ bốn hướng chịu sao nổi. Mà quan trọng là thầy cô ở dưới gầm nhà văn hóa, cái cảm giác đó nghẹn lắm, tủi thân" - cô Hạnh trải lòng.

Sau chuyến đi, cô giáo Hạnh trở về và viết trên Facebook của mình. Một mạnh thường quân đã đóng góp 10 triệu đồng để làm nhà ở tạm cho thầy cô. Một mạnh thường quân khác ở Hà Nội đồng ý giúp cô Hạnh xây phòng cho đồng nghiệp với chi phí 135 triệu đồng. 

Nhận được tiền chưa kịp mừng thì mùa mưa kéo đến. Dự tính ban đầu sẽ làm xong ba phòng bán trú trong hai tháng. Nhưng riêng vận chuyển vật liệu đã hết thời gian này. Bốn tháng mới làm xong được dãy nhà bé nhỏ. "Thế là đồng nghiệp không còn lạnh, không còn tủi thân dưới gầm sàn nhà nữa" - cô Hạnh trải lòng.

Tình cảm cho giáo dục miền núi

Thầy Phạm Tiến Dũng - phó hiệu trưởng Trường tiểu học & THCS Ba Giang - tâm sự: "Từ điểm trường lẻ đến điểm chính, quần áo, sách vở cho trò đều có bóng dáng của cô giáo Hạnh. Với một xã miền núi đặc biệt khó khăn như Ba Giang, lũ trẻ cần rất nhiều thứ. Mỗi năm cô Hạnh lại có thêm cho bọn trẻ những bất ngờ thiết thực. Cô Hạnh là một giáo viên được cả đồng nghiệp, phụ huynh và học trò yêu quý. Những gì cô Hạnh làm đủ để nói lên tình cảm của cô dành cho giáo dục miền núi".

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  179,802       2/601