TTO - Theo phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, do 'còn thiếu báo cáo của các sở ngành liên quan' nên đến nay tỉnh chưa có phương án đối với các giáo viên hợp đồng bị dôi dư.
Giáo viên hợp đồng có nguy cơ mất việc ở Krông Pắk, Đắk Lắk vẫn đang chờ phương án xử lý của tỉnh - Ảnh: Trung Tân
Liên quan vụ hơn 500 giáo viên dôi dư tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) có nguy cơ mất việc, ông Nguyễn Tuấn Hà, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã yêu cầu các sở ngành liên quan gửi báo cáo, tham mưu hướng xử lý.
Theo ông Hà, hiện nay các sở ngành như GD-ĐT, Nội vụ, Tài chính... đã có văn bản, báo cáo tham mưu theo lĩnh vực của mình để giải quyết vụ hơn 500 giáo viên dôi dư. Chỉ duy nhất Sở Tư pháp chưa có văn bản báo cáo, tham mưu hướng xử lý đối với số hợp đồng nêu trên.
Cụ thể, trong số 578 giáo viên dôi dư tại huyện Krông Pắk thì có 208 người không đủ điều kiện thi tuyển vì không có chỉ tiêu biên chế năm 2017. UBND huyện Krông Pắk đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng đối với các giáo viên này. Sau đó UBND tỉnh yêu cầu tạm dừng để tìm giải pháp hợp lý, nhân văn hơn.
Đến nay huyện Krông Pắk cũng đã tập hợp 208 hợp đồng của các giáo viên này để gửi tỉnh, kèm theo đó là đề xuất hướng xử lý.
Trong 208 hợp đồng nêu trên được phân chia nhiều loại, do UBND huyện ký hoặc do các hiệu trưởng tự nhận. Theo đó, tùy vào ngành, lĩnh vực, các sở ngành có tham mưu để có hướng giải quyết thấu đáo về biên chế, tài chính, chỉ tiêu từng môn...
"Riêng Sở Tư pháp phải có báo cáo về tính pháp lý từng loại hợp đồng huyện ký và hiệu trưởng tự ký. Sau đó Sở Tư pháp cũng phải có ý kiến tham mưu cách thức giải quyết đối với từng loại hợp đồng nêu trên.
Do hiện nay còn thiếu báo cáo của các sở ngành liên quan nên tỉnh chưa tổ chức họp bàn, thống nhất theo các ý kiến, đề xuất được nên chưa có thông tin cụ thể về phương án đối với các giáo viên hợp đồng" - ông Hà nói.
Trong khi đó, nguồn tin báo Tuổi Trẻ xác nhận Viện Kiểm sát nhân dân huyện Krông Pắk đã có văn bản gửi Công an huyện đề nghị thụ lý điều tra dấu hiệu hình sự đối với ông Phan Xuân Hạnh, nguyên hiệu trưởng Trường THCS Ea Phê (xã Ea Phê, Krông Pắk), về hành vi nhận 210 triệu đồng để "chạy việc".
Ông Hạnh có hành vi nhận 210 triệu đồng của cô B.T.T.L. để "chạy biên chế" giáo viên tại trường này. Sau khi bị phát giác, tố cáo, ông Hạnh đã trả lại tiền cho cô L.. Hiện ông Hạnh đã bị cách hết mọi chức vụ trong Đảng, chức hiệu trưởng, về làm giáo viên tại Trường THCS Ea Phê.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, lãnh đạo Công an huyện Krông Pắk xác nhận đã từng tiếp nhận để điều tra dấu hiệu hình sự đối với ông Phan Xuân Hạnh vào tháng 7-2017.
"Tuy nhiên khi liên hệ với bị hại thì người này nói chỉ yêu cầu Huyện ủy xử lý nghiêm ông Hạnh về mặt Đảng, chính quyền để lấy lại tiền đã đưa chứ không yêu cầu công an vào cuộc. Vì bị hại từ chối cung cấp thông tin, bằng chứng nên Công an huyện không có cơ sở để tiến hành điều tra" - vị này thông tin.