TTO - Thông tin này được GS Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS nhà nước chia sẻ tại lễ trao danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, chức danh GS, PGS tại Trường Đại học Lâm nghiệp ngày 5-4.
GS.TSKH Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn phó giáo sư cho một giảng viên của Trường ĐH Lâm nghiệp - Ảnh: NGỌC HÀ
"Có điều khá thú vị, cách đây gần một năm, Sứ quán Lào, Chính phủ Lào có đề nghị Bộ GD- ĐT và hội đồng chức danh GS của Việt Nam - dù chúng ta chưa khá gì, còn nhiều khiếm khuyết lắm - từng bước tư vấn để giúp Lào xây dựng quy trình xem xét, bổ nhiệm GS cho Lào. Tôi nghĩ đó là điều tuyệt vời"- GS Nhung chia sẻ.
Theo GS Nhung, về tài chính, Việt Nam có thể "không giúp được các bạn Lào như người khác", nhưng chúng ta "dựa lưng vào nhau" và những kinh nghiệm như vậy giúp cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2017, hội đồng chức danh GS cơ sở tại Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam có 16 ứng viên đạt chuẩn GS, PGS. Trong đó, có 14 giảng viên của Trường ĐH Lâm nghiệp VN đạt tiêu chuẩn chức danh PGS.
Đặc biệt, toàn bộ các ứng viên này đều được công nhận đạt chuẩn GS, PGS ngay trong đợt đầu tiên, không có ai nằm trong danh sách 94 hồ sơ phải rà soát lại.
GS Nhung đánh giá các ứng viên từ hội đồng cơ sở tại Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam có chất lượng tốt.
Khi tham dự trực tiếp một buổi seminar, chính GS Nhung cũng rất ấn tượng với trình độ tiếng Anh của ứng viên tại hội đồng. Ngoài ra, nhiều công trình khoa học của ứng viên có tầm cỡ quốc tế.
ĐH Lâm nghiệp đạt chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục
Cũng trong ngày 5-4, Trường ĐH Lâm nghiệp đã chính thức được trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục từ
Phát biểu tại buổi lễ, GS Trần Văn Chứ - hiệu trưởng nhà trường cho biết với đội ngũ cán bộ khoa học về lâm nghiệp đông nhất cả nước, trường hoàn toàn có thể nghiên cứu độc lập, sáng chế, phát minh nhiều, ứng dụng và chuyển giao thành công vào sản xuất.
Mặc dù với đặc thù nghề nghiệp khó khăn, sức hút kém, đối tượng chủ yếu là con em nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, điểm đầu vào thấp, điều kiện kinh tế khó khăn, song các thế hệ thầy, trò đều đã nỗ lực cố gắng vượt lên.
"Sinh viên Trường ĐH lâm nghiệp tốt nghiệp hàng năm có trên 88% đã tìm được việc làm (trong đó 67% có việc làm đúng nghề sau năm thứ nhất). Cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp từ trường có tư chất tốt, chuyên môn và kỹ năng đáp ứng với xã hội. Chúng tôi trả lời xã hội bằng chính thứ hạng đã được kiểm định" - GS Chứ nhấn mạnh..