Giáo dục

Ngày ra trường, cánh cửa của tôi đóng lại vì đâu?

TTO - Trong khi bạn bè hăm hở làm hồ sơ thì tôi rơi nước mắt. Tôi không biết phải làm cách nào để bảo vệ ước mơ của mình. Ba mẹ không cho phép tôi được 'sai'.

Ngày ra trường, cánh cửa của tôi đóng lại vì đâu? - Ảnh 1.

TS. Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM, tư vấn ngành nghề cho học sinh tại chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2018 ở Tiền Giang - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ngay từ nhỏ, tôi rất thích trở thành cô giáo dạy toán. Tôi hồ hởi chờ đợi cái ngày được mặc áo dài, được đứng trên bục giảng, được mỗi ngày ở bên những cô cậu học sinh nghịch ngợm, đáng yêu của mình. 

Nhưng ba mẹ tôi lại nghĩ khác. Mẹ bảo tôi viển vông, giáo viên thất nghiệp đầy ra. Ba còn cố thuyết phục tôi bằng những thống kê về thất nghiệp hàng năm nếu tôi theo ngành sư phạm. 

Bất lực, tôi chỉ biết cãi cùn: "Dù không được dạy ở cấp III hay cấp II, con sẵn sàng dạy mầm non còn hơn làm ngành khác". 

Nói vậy nhưng tôi đã không thể bảo vệ được ước mơ của mình. Ba mẹ không cho phép tôi được "sai". Để rồi, ba mẹ định hướng cho tôi thi vào ngành quản trị kinh doanh của một trường đại học. 

Tôi nhớ mẹ bảo: "Con đăng kí vào trường nào cũng được, miễn là thuộc lĩnh vực kinh tế". Nghĩa là mẹ đã "gạch sổ" ngành sư phạm đầu tiên với hàng tá "tấm gương to như cái thúng mà con còn chưa sáng mắt ra à?" (theo lời mẹ nói).

Trong khi bạn bè hăm hở làm hồ sơ thì tôi chỉ biết thở dài. Tôi đạp xe đi nộp hồ sơ mà mắt ươn ướt. Tôi không biết phải làm cách nào để bảo vệ ước mơ của mình. Chỉ biết rằng khi đó, tôi cảm thấy như mình vừa để mất một điều gì đó - rất lớn!

Thực tế, ba mẹ muốn tôi thi vào ngành kinh tế bởi đơn giản một lý do to đùng: bác tôi là giám đốc. Mẹ vẫn "tiêm" vào đầu tôi mỗi ngày bằng việc nói về chỗ đứng của tôi ở công ty ấy nhờ cái bóng của bác. 

Trong bữa ăn, lúc nào mẹ cũng bảo tôi cố gắng học để sau này nhờ bác xin việc cho. Khi đó tôi đã lờ mờ nhận ra, tương lai của mình đã đặt vào tay người khác. Nghĩa là đến con đường đi của mình, tôi cũng chẳng thể lựa chọn.

Năm đó tôi thi trượt và năm sau thi lại, may mắn đỗ. Nói là may mắn nhưng không hiểu sao tôi không vui. Cuối cùng thì 4 năm đại học cũng trôi qua trong cảm giác chán nản, hụt hẫng. Có lúc tôi muốn vứt bỏ những gì mình đang có để bắt đầu lại nhưng ba mẹ đã không để cho tôi một cánh cửa nào, kể cả khép hờ.

Rồi ngày tôi nhận tấm bằng trung bình khá, mẹ chép miệng: "Thôi, trung bình khá cũng được, miễn là đúng chuyên ngành kinh tế". 

Nhưng bất ngờ có chuyện không hay, do đấu đá nội bộ trong công ty nên bác tôi mất chức. "Thế là tay trắng rồi", mẹ đã nói như thế. Rồi mẹ quay ra mắng tôi nếu đỗ ngay từ năm đầu, học xong có phải đã có việc làm ngay không? 

Khi đó tôi không nói gì nhưng cảm giác như trút được một áp lực lớn.

Dù sau đó tôi thất nghiệp một thời gian nhưng tôi cảm giác thấy được sống là chính con người mình. Vì đặt quá nhiều hy vọng vào "cánh cửa" là bác tôi nên khi không đạt được, mẹ cũng buồn lắm. Còn ba không nói gì. Có lần ba nói với tôi: "Tại ba nhầm lẫn, ba cứ nghĩ có việc làm là tất cả".

Sau đó, nhờ ba thuyết phục và có lẽ nhìn tôi nằm nhà thất nghiệp, mẹ cũng sốt ruột. Cuối cùng, mẹ đã đồng ý để tôi đi học nghiệp vụ sư phạm và may mắn xin được vào dạy hợp đồng tại một trường cấp ba.

Qua câu chuyện của mình, tôi chỉ mong các bậc cha mẹ hãy tôn trọng quyết định của con. Đừng vì những "cánh cửa", những "tấm vé" mà người lớn nỡ đẩy con đi đường con không thích. 

Loài cây thường chỉ hợp với một thứ đất, một khí hậu riêng, bởi thế chẳng thể phát triển, chẳng thể xanh tốt, đơm hoa kết trái nếu như cái cây ấy phải sống trong vùng đất không phù hợp.

Mẹ hứa sẽ cho con tự chọn ngành... Mẹ hứa sẽ cho con tự chọn ngành...

TTO - Tôi có con đang học lớp 12, mấy ngày nay rất bức bối vì chuyện đăng ký hồ sơ thi của con. Bất ngờ đọc tin học sinh nhảy lầu tự tử vì áp lực học, nước mắt cứ tuôn rơi.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  178,710       14/619