Giáo dục

'Bố cứ bảo em phi thương bất phú, em phải làm sao?'

TTO - Chưa thi THPT quốc gia nhưng học trò tôi nhiều em ngổn ngang tâm sự, em thì lúng túng không biết mình thích gì, em thì bị cha mẹ ép theo nghề mình không muốn.

Bố cứ bảo em phi thương bất phú, em phải làm sao? - Ảnh 1.

Học sinh làm hồ sơ thi THPT quốc gia 2017 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tôi chủ nhiệm lớp 12 của một trường cấp ba ở một tỉnh lẻ. Sau buổi học, các trò thường nán lại nói chuyện với tôi về việc chọn ngành nghề.

Nhiều em vừa có tâm trạng hoang mang của lớp cuối cấp, vừa băn khoăn, lo lắng trong chọn nghề. Có em còn tỏ ra buông xuôi: "Bố em nói rồi, cứ chọn trường nào dễ xin việc làm nhất, thầy ạ".

Cũng có em dự định sẽ nộp hồ sơ vào trường sư phạm nhưng lại vấp phải sự phản đối kịch liệt của bố mẹ: "Sư phạm đang thất nghiệp đầy ra, có hâm mới đâm đầu vào".

Lại có một em học sinh hỏi: "Thầy khuyên em có nên theo ngành kinh tế để kế nghiệp bố mẹ hay không khi nguyện vọng của em là muốn theo ngành công nghệ thông tin?". Em còn nói rằng kể cả trung cấp hay cao đẳng thì bố mẹ vẫn muốn em học kinh tế.

Nghe tâm sự của em, đọc được nỗi lo lắng của em, tôi chỉ biết khuyên em cứ học rồi thuyết phục bố mẹ từ từ. 

Nhưng em than: "Lay chuyển được quan điểm của bố mẹ em đâu có dễ hả thầy? Dạo này bữa cơm nào bố mẹ em cũng lôi chuyện chọn ngành học ra để nói và lần nào bố cũng bảo là phi thương bất phú".

Một em khác mong muốn đi theo ngành điện tử, điện lạnh nhưng phải đối mặt với sự phản đối quyết liệt vì cha mẹ đã "nhắm" ngành y cho con rồi.

Kỳ thi THPT quốc gia chưa đến nhưng phụ huynh, học trò đều mang những tâm trạng lo lắng khác nhau. Tâm lý chung của phụ huynh là muốn con chọn ngành học sau này dễ kiếm việc làm. Chính tiêu chí xin việc làm được đặt lên hàng đầu khiến cho nhiều em điêu đứng.

Nghe tâm sự của học trò, những câu hỏi về việc có nên đi theo con đường mà bố mẹ vẽ sẵn không, hay những nỗi buồn, sự bất lực khi không thể trái ý bố mẹ - là người thầy, tôi cảm thấy nhói lòng.

Theo quan điểm của nhiều phụ huynh thì con cái đang còn ở độ tuổi bồng bột, nông nổi nên cha mẹ muốn con có cái nhìn thực tế hơn về tương lai. Có thể cha mẹ hiểu biết, nhìn xa trông rộng về chuyện ngành nào dễ xin việc làm nhưng đứa con mới biết chúng thực sự yêu ngành gì, thế mạnh ở ngành nào.

Nghe những tâm sự của các em, tôi cũng lúng túng không kém. Muốn đồng hành cùng các em, muốn ủng hộ các em nhưng tôi không thể quyết định thay học trò được - nhất là nhiều em không thể trái ý bố mẹ.

Mủi lòng khi nhìn thấy con đường của các em đi chông chênh, gập ghềnh như trên cây cầu nghiêng ngả. Từ những tiếng thở dài năm cuối cấp ấy, các em rất cần sự cảm thông của mẹ cha và sự đồng hành của thầy cô. 

Nhưng thử hỏi được bao nhiêu phụ huynh chấp nhận cho con đi học nghề?

Mẹ hứa sẽ cho con tự chọn ngành... Mẹ hứa sẽ cho con tự chọn ngành...

TTO - Tôi có con đang học lớp 12, mấy ngày nay rất bức bối vì chuyện đăng ký hồ sơ thi của con. Bất ngờ đọc tin học sinh nhảy lầu tự tử vì áp lực học, nước mắt cứ tuôn rơi.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  178,633       10/643