Sống khỏe

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Công nhân phải có khát vọng vươn lên

TTO - Đối thoại với gần 1.000 công nhân lao động của 11 tỉnh đồng bằng sông Hồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhắc nhở và bày tỏ mong muốn "công nhân, người lao động phải có khát vọng vươn lên”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Công nhân phải có khát vọng vươn lên - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thhoại với gần 1.000 công nhân, lao động 11 tỉnh đồng bằng sông Hồng sáng 20-5 tại Hà Nam - Ảnh: Đ.BÌNH

Phải tự bảo vệ mình bằng năng suất, chất lượng

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC nói ngắn gọn khi công nhân Phan Tuấn Anh (Công ty Honda Việt Nam) thắc mắc việc thay đổi cách thức trả lương tới đây, Chính phủ không can thiệp nên nếu có phát sinh, trả lương theo giờ thì ai sẽ giám sát để bảo vệ người lao động

Phát biểu với gần 1.000 công nhân, người lao động tại Hà Nam sáng 20-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Nhà nước sẽ tạo nhiều việc làm cho giới trẻ. Công nhân phải có tinh thần tự lập, tự cường nên cần tự nâng cao tay nghề, trình độ, nâng cao tính kỷ luật.

Sẽ tạo nhiều việc làm cho giới trẻ

Đối với doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị cần áp dụng mạnh mẽ khoa học, quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho công nhân. Thủ tướng nhấn mạnh nhân lực là nguồn nhân lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Với các bộ, ban, ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu phải giảm hơn nữa lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, cần chuyển mạnh sang lao động công nghiệp, dịch vụ.

"Muốn vậy phải có môi trường đầu tư tốt, mở nhiều doanh nghiệp để chuyển dịch cơ cấu tốt hơn. Các thiết chế công đoàn đều nằm ở địa phương vì thế các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) để xây dựng tốt, chăm lo tốt hơn cho người lao động", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Công nhân phải có khát vọng vươn lên - Ảnh 3.

Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đối thoại với người lao động sáng 20-5 tại Hà Nam - Ảnh: Đ.BÌNH

Lo lắng chuyện nhà ở, sức khỏe

Công nhân Phạm Thị Khuyên (Công ty Canon Bắc Thăng Long, Hà Nội) cho biết chị đã làm một năm, mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng.

"Để làm việc có năng suất cao thì cần yên tâm làm việc, nhưng vấn đề với công nhân ngoại tỉnh là nhà ở và trường học cho con. Hà Nội mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nên công nhân phải thuê nhà trọ, gửi con ở các trường tư thục nên đời sống rất khó khăn", chị Khuyên bày tỏ.

Mời chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung trả lời, Thủ tướng nói "Thủ tướng đã có quyết định về đầu tư xây dựng các thiết chế. Hà Nội đất không thiếu nên cần phải tính. Đây là câu hỏi thiết thực".

Theo ông Nguyễn Đức Chung, trong năm 2017, từ nguyện vọng của công nhân, TP đã xây 1 trường mầm non ở xã Kim Chung quy mô 300 cháu. Xây dựng thêm các nhà ở để cho công nhân thuê với giá 29.000 đồng/m2/tháng.

UBND TP đã giao UBND huyện Đông Anh mở thêm các trường và cuối năm nay sẽ có thêm 2 trường nữa.

Với nhà ở, phấn đấu trong tháng 8-2018 sẽ khởi công 1 số chung cư để bán 200-300 triệu đồng/căn hộ 35m2 ở phiá Bắc Thăng Long.

Thành phố cũng chỉ đạo để xây các thiết chế cho công nhân ở phía nam thành phố, tăng các tuyến xe buýt, lắp đặt wifi ở các khu nhà ở của công nhân.

Nhắc nhở việc xây dựng nhà ở cần có lộ trình, Thủ tướng cho biết đã vào thăm các khu trọ ở Đồng Văn, Duy Tiên (Hà Nam) và thấy dân làm nhà trọ sạch, an toàn nhưng giá chỉ 1 - 1,1 triệu đồng/tháng.

"Các địa phương nên xây dựng các khu nhà ở, phải xã hội hóa để xây dựng, quan trọng nhất vẫn phải sớm xây dựng hệ thống các nhà trẻ bằng xã hội hóa, không nên để công nhân gửi con ở các điểm ngoài công lập vì nhiều nguy cơ mất an toàn đối với trẻ", Thủ tướng nói.

Về vấn đề sức khỏe của người lao động, Thủ tướng nhấn mạnh việc khám chữa bệnh cho người lao động đã được pháp luật quy định, các cơ quan cần phải thực hiện nghiêm.

Một công nhân ở Thái Bình) nghẹn ngào cho biết việc người lao động bị chủ sử dụng lao động lừa, bỏ trốn khiến nhiều tháng không nhận được lương, không được đóng BHXH.

Ngay lập tức, Thủ tướng đề nghị bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho kiểm tra ngay và chỉ đạo BHXH tỉnh có biện pháp để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

"Luật BHXH có quy định, trong trường hợp đặc biệt thì nhà nước sẽ hỗ trợ để đóng thay doanh nghiệp phá sản, đóng bù cho người lao động", Thủ tướng nói.

Thích ứng với cách mạng 4.0

"Công nhân xuất thân từ nông thôn, rất ít người được đào tạo nghề. Công nhân muốn đi học để nâng cao tay nghề, thu nhập, nhưng thời gian và tiền bạc eo hẹp. Thủ tướng và Chính phủ có hỗ trợ gì?", một lao động ở Hải Dương hỏi.

"Không có tay nghề tốt thì khó có sản xuất tốt. Việc học tập nâng tay nghề là cần thiết và Chính phủ có chương trình hỗ trợ công nhân lao động học tập nâng cao tay nghề, với tinh thần nhà nước hỗ trợ bồi dưỡng tay nghề cho công nhân. Tiếp đó, Chính phủ cũng có quyết định để điều chỉnh, nâng mức hỗ trợ.

Hệ thống trường nghề của Bộ LĐ-TB&XH rất rộng, nhiều công nhân có ý chí thì với sự hỗ trợ của nhà nước thì tay nghề của công nhân sẽ nâng lên. Các cuộc thi tay nghề đều có nhiều công nhân Việt Nam đạt giải cao ở cả thi quốc tế", Thủ tướng trả lời.

"Công nghiệp 4.0 sẽ khiến lao động mất việc, Chính phủ có chính sách gì?", công nhân Đoàn Văn Cương (Nam Định) đặt câu hỏi.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cách mạng 4.0 thì lao động ở các doanh nghiệp giầy da, dệt may sẽ gặp thách thức. Nhưng thách thức lại đi với thời cơ.

Theo Phó thủ tướng, VN sẽ mở rộng thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đổi mới khoa học, phát huy sáng tạo của người lao động. Phó thủ tướng cho rằng phải nâng cao chất lượng nguồn lao động, để 1 công nhân có thể làm được nhiều hơn 1 nghề, để có thể chuyển đổi, thích ứng.

Sau phần giải đáp của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liền hỏi ngược lại công nhân là đã làm gì để chuẩn bị cho 4.0.

"Chúng tôi cố gắng học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học để sẵn sàng làm chủ thiết bị. Nâng cao tính kỷ luật", anh Đoàn Văn Cương trả lời.

Tại buổi đối thoại, Thủ tướng đã hỗ trợ 50 tỉ đồng từ ngân sách cho Quỹ "Học bổng Công đoàn Việt Nam"; trao 65 xuất học bổng cho công nhân để động viên, khích lệ công nhân, người lao động học tập, nâng cao trình độ; trao tặng 18 nhà "mái ấm công đoàn" cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn của 11 tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,316,322       3/877