TTO - Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày của TP Đà Nẵng khoảng 920-930 tấn và hầu hết được xử lý bằng chôn lấp. Trong khi đó bãi rác Khánh Sơn dự kiến sẽ không còn chỗ chứa, phải đóng cửa từ năm 2020...
Bãi rác Khánh Sơn hiện đang chôn lấp rác theo công nghệ cũ và sẽ quá tải, đóng cửa vào năm 2020 - Ảnh: NGÔ QUANG
Đây là thông tin được ông Lê Quang Nam, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP Đà Nẵng, đưa ra tại hội thảo xúc tiến đầu tư dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn (gọi tắt là bãi rác) do UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng 29-5.
Theo Sở Tài nguyên - môi trường TP Đà Nẵng, hiện tổng lượng rác sinh hoạt mỗi ngày của TP từ 920-930 tấn, thu gom đạt 94-95% (khoảng 315.000 tấn/năm). Hiện rác thải sau khi được thu gom qua các công đoạn sẽ chuyển lên bãi rác Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu để chôn lấp.
Tuy nhiên, bãi rác Khánh Sơn diện tích 32,4ha với 5 hộc chôn lấp rác thải không nguy hại gần 14 hecta (hoạt động từ tháng 1-2007) đến năm 2020 sẽ hết diện tích chôn lấp, phải đóng cửa bãi rác.
"Do chôn lấp rác nên tỉ lệ phân loại, tái chế, tái sử dụng rác thải chưa cao dẫn đến giảm tuổi thọ bãi rác, tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời bãi rác Khánh Sơn gần khu vực dân cư nên ảnh hưởng đến đời sống người dân, nơi đây thường xuyên là 'điểm nóng' về môi trường" - ông Nam nhìn nhận.
Theo ông Nam, mục tiêu xử lý chất thải sinh hoạt của TP Đà Nẵng đến năm 2020 phải thu gom, xử lý 95% lượng rác. Trong đó 72% được tái chế, tái sử dụng. Riêng năm 2020 thu gom 100% rác và 80% tái chế. Vì vậy cần phải xây dựng một bãi rác công nghệ cao, công suất tối thiểu 1.000 tấn/ngày, có thể mở rộng trong tương lai để giảm thiểu nguy hại môi trường.
Theo ông Nam, có hai địa điểm tiềm năng được xác định để làm bãi rác mới. Một là mở rộng diện tích bãi rác Khánh Sơn hiện có thêm 25,7 ha làm bãi rác mới. Hai là đóng cửa bãi rác Khánh Sơn, dời về địa điểm gần 120 ha vùng núi xã Hòa Nhơn.
Địa điểm bãi rác mới Khánh Sơn được bao quanh bởi núi, đường giao thông có sẵn, cách TP 11km, diện tích mở rộng là khu vực đang khai thác mỏ, nhưng TP có thể thu hồi giấy phép. Song, vấn đề của phương án này là quy mô bãi rác nhỏ và việc ô nhiễm nước, xử lý nước thải hiện nay cần phải giải quyết để mở rộng quy mô bãi rác.
Bãi rác mới ở Hòa Nhơn bao quanh là đất đồi, núi nhưng khoảng cách từ trung tâm TP đến đây là 20km. Tuy nhiên, có nhiều đường tiếp cận bãi rác, như đường tránh Nam Hải Vân, quốc lộ 14B và đường Hoàng Văn Thái.
Song gần bãi rác có các làng nông thôn nhỏ nên việc giải tỏa, tái định cư cho dân cũng phải được đặt ra. Địa điểm này nằm tương đối cao trên đồi và các dòng nước ngầm trong khu vực chảy ra sông, cung cấp nước uống cho TP Đà Nẵng nên cần phải giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm từ việc rò rỉ nước thải từ rác.
"Hiện TP đang tìm kiếm một giải pháp chất lượng cao, lâu dài và bền vững cho quản lý rác thải và bãi rác thải mới để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Dự án cơ sở xử lý rác và xây dựng bãi rác, thành phố xác định đầu tư theo hình thức hợp tác công tư" - ông Nam cho biết.