TTO - 26 năm trước, các bác sĩ VN với sự hỗ trợ của chuyên gia Đài Loan đã thực hiện ca ghép thận đầu tiên ở VN. VN đã đi chậm hơn thế giới trong kỹ thuật ghép tạng 20 năm, nhưng các ca ghép đầu tiên này đã mở ra cơ hội sống cho hàng ngàn người bệnh.
Họp chuẩn bị ca ghép thận đầu tiên, tháng 2-1992 tại Học viện Quân y. Người ngồi thứ hai bên trái là GS Chue Shue Lee - Ảnh: NVCC
Đóng góp trong hành trình này có các y bác sĩ và nhiều người hiến tạng...
Đã 26 năm trôi qua, nhưng giáo sư (GS) Đỗ Kim Sơn - nguyên giám đốc Bệnh viện Việt Đức, thành viên của êkip ghép thận đầu tiên tại VN năm 1992 - vẫn nhớ như in tên người được ghép thận đầu tiên: anh Nguyễn Mạnh Đ., một đại úy quân đội mắc chứng suy thận mãn, còn người hiến thận là em ruột của anh.
Kỷ niệm đẹp
Trong ca ghép đầu tiên này, các GS đầu ngành của Bạch Mai, Việt Đức, ĐH Y Hà Nội, Bệnh viện T.Ư quân đội 108, Bệnh viện 103 và Học viên Quân y đều tham gia, thiết bị y tế thì là "liên hiệp quốc" vì bệnh viện nào có gì mang đến thứ đó để đóng góp.
Êkip lấy thận từ người hiến bao gồm chuyên gia người Đài Loan, GS Đỗ Kim Sơn và một bác sĩ quân đội; êkip ghép thận cho anh Đ. là chuyên gia Đài Loan và bác sĩ Tôn Thất Bách, giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cùng một số người khác.
"Khi những mũi khâu cuối cùng hoàn tất, thận của người em được ghép vào cơ thể anh Đ., chỉ vài phút sau chúng tôi nhìn thấy giọt nước tiểu đầu tiên, đã có hi vọng quả thận hoạt động được trong cơ thể mới, cả êkip đều xúc động, reo lên và vỡ òa sung sướng. Đó là một kỷ niệm đẹp" - GS Sơn nói.
Theo GS Sơn, để có ca ghép đầu tiên năm 1992 là một chặng đường rất dài và đã có nhiều GS, bác sĩ VN đã chuẩn bị về khoa học.
Từ những năm 1970-1976, GS Tôn Thất Tùng, khi ấy đang giữ trọng trách ở Bệnh viện Việt Đức, đã cử những bác sĩ trẻ, trong đó có ông Sơn đi học về ghép tạng ở Pháp, nhưng chiến tranh và những khó khăn thời hậu chiến khiến các bác sĩ phải tạm dừng giấc mơ khoa học và cũng là giấc mơ cứu người.
Mãi đến năm 1988, một bệnh nhân VN được chuyển đi ghép thận ở Cuba không thành công đã thúc giục GS thiếu tướng Lê Thế Trung, tổng chỉ huy của ca ghép thận đầu tiên năm 1992, tổ chức êkip đi học và mời chuyên gia nước ngoài hỗ trợ VN thực hiện những ca ghép thận đầu tiên.
Khi những mũi khâu cuối cùng hoàn tất, thận của người em được ghép vào cơ thể anh Đ., chỉ vài phút sau chúng tôi nhìn thấy giọt nước tiểu đầu tiên, đã có hi vọng quả thận hoạt động được trong cơ thể mới
GS ĐỖ KIM SƠN
Năm 2017, Tổ chức Kỷ lục VN trao bằng xác nhận kỷ lục ca ghép thận đầu tiên tại VN cho GS-TSKH Lê Thế Trung và cố GS Chue Shue Lee. Người đứng giữa nhận bằng là GS Lê Trung Hải - con trai GS Trung - Ảnh: NVCC
Tại sao không?
Theo GS Phạm Mạnh Hùng (nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên trưởng phòng nghiên cứu khoa học của Học viện Quân y thời điểm ấy), năm 1990, nhờ một người Pháp mang nửa dòng máu Việt làm ở một hãng dược phẩm, ông và GS Lê Thế Trung mới tiếp cận được với GS Chue Shue Lee, người Đài Loan, lúc đó làm tổng thư ký Hội ghép tạng châu Á.
Khi mời GS Chue Shue Lee đến VN, GS Hùng đã dẫn ông ấy đi tham quan các bệnh viện lớn lúc bấy giờ ở VN và hỏi ông ấy một câu: "Liệu VN có thể tiến hành ghép thận được không?".
Khác với nhiều chuyên gia nước bạn đều trả lời không được trước đó, GS Lee nói: "Tại sao không?".
GS Lee chính là một trong những người thực hiện ca ghép thận đầu tiên ở Đài Bắc. Ông nói chắc nịch: "Chuẩn bị đi, hai tháng sau tôi sẽ sang ghép cho ông ca đầu tiên". Do không đủ thời gian chuẩn bị nên 4 tháng sau đó, ca ghép thận đầu tiên tại VN mới diễn ra vào ngày 4-6-1992 như đã nói ở trên.
Cũng theo GS Hùng, thời điểm đó các bác sĩ đã chọn được 3 cặp cho - nhận thận để ghép. Người cho phải có huyết thống với người nhận. Ba cặp này có một người là đại úy Đ. - được ghép đầu tiên, một anh lái xe (người cô ruột cho thận) và một cô giáo (người mẹ cho thận).
Ông Lee quyết định sẽ thực hiện ghép thận cho ba bệnh nhân này trong ba ngày liên tiếp. Ba ca ghép đều thành công nhưng không mỹ mãn vì thời gian sống sau đó của bệnh nhân không lâu.
Hơn 6 tháng sau, GS Hùng đã mời ông Lee ghép thận cho ba ca nữa nhưng cả ba ca sau cũng thành công mức độ vì một ca tử vong sau ghép 2-3 tuần ngay tại bệnh viện do biến chứng của thuốc, hai bệnh nhân còn lại cũng tử vong sau đó vài tháng.
Ba lý do quan tâm người hiến tạng
Ông Hùng cho biết ông nhớ mãi lần tiễn GS Chue Shue Lee ra sân bay Nội Bài về nước, ông Lee cứ dặn đi dặn lại ông: "Ông nhớ nhé, 90% thời gian ông phải quan tâm đến người cho thận và chỉ dành 10% để quan tâm đến người nhận thận".
Cho đến tận ngày hôm nay, GS Hùng vẫn thấy lời dạy của GS Lee rất chí lý. Vì sao? Vì người cho thận là người hi sinh sức khỏe của mình để cứu người khác.
Thứ hai là, nếu không quan tâm đến người cho, chọn quả thận cho không tốt thì ca ghép sẽ không thành công. Thứ ba là, để tránh trường hợp đến phút chót lên bàn mổ mà người hiến tạng thay đổi quyết định.
Từ sáu ca ghép thận đầu tiên của GS Lee, các bác sĩ VN đã hình dung được bước đường đi trong ghép thận và hình thành nên quy chế về vấn đề ghép thận sau này.
Ca ghép thận đầu tiên của y bác sĩ Việt Nam
Tháng 7-1993, GS Trung, GS Hùng và y bác sĩ trong Học viện Quân y đã thực hiện ca ghép thận cho anh Lê Thanh Nghiêm, 33 tuổi ở Tuy Hòa, người cho thận là chị ruột của anh - bà Lê Thị Như, 42 tuổi.
Đây là ca ghép thận đầu tiên do các bác sĩ VN thực hiện mà không có sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài. Hiện anh Nghiêm đã 59 tuổi và bà Như đã 68 tuổi. Cả hai đều sống khỏe mạnh.
Đây là ca thành công mỹ mãn nhất cho đến ngày hôm nay. Bệnh nhân đã sống được 25 năm. Sau khi được ghép thận anh Nghiêm còn sinh được một bé gái.
_________
Kỳ tới: Những người không bình thường