TTO - Đại diện một số trường đại học, cao đẳng cho rằng đề xuất đổi 'học phí' thành 'giá dịch vụ đào tạo' của Bộ Giáo dục - đào tạo là không cần thiết.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tên gọi "giá dịch vụ đào tạo" được đề xuất trong Luật giáo dục đại học sửa đổi là bao gồm phí dịch vụ đào tạo, dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác... - Ảnh: VIỆT DŨNG
Cũng có ý kiến cho rằng dùng từ nào không quan trọng, quan trọng là người đứng đầu ngành giáo dục sẽ đưa ra những quyết sách nào để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Theo TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, trong dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đại học nên bỏ chữ 'thu giá' đi.
"Từ 'thu giá' đã bị chỉ trích nhiều mà không hiểu sao trong dự thảo lại đưa vào? Chỉ cần sửa lại câu: "Mức thu giá dịch vụ đào tạo được xác định theo quy định tại điều 105" thành "Giá dịch vụ đào tạo được xác định theo quy định tại điều 105" là rõ nghĩa", ông nói.
Ông Tùng cũng nhấn mạnh: "Ai cũng hiểu rằng chất lượng giáo dục đại học của nước ta chưa cao, trong khi chi phí (cost - giá) để đào tạo một sinh viên đại học của Việt Nam hiện thuộc loại thấp nhất thế giới.
Ai cũng hiểu rằng tiền ít thì không thể nâng cao chất lượng đào tạo được. Và thực tế hiện nay, ngân sách nhà nước không kham nổi việc bao cấp toàn bộ cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng nữa.
Đặc biệt khi giáo dục đại học công lập của nước ta đang chiếm tới gần 90%.
Không ai bằng lòng với chất lượng giáo dục đại học thấp như hiện nay nhưng không có tiền. Trong bối cảnh đó, cần đi theo hướng nào? Đây là câu hỏi hết sức then chốt. Việc trả lời câu hỏi này quyết định chính sách phát triển giáo dục đại học.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy chỉ có hai giải pháp. Một là phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập, thu hút đầu tư của xã hội và của nước ngoài. Hai là "tư thục hóa trường công" (hiểu theo nghĩa các trường công hoạt động chủ yếu bằng học phí của người học - chứ không phải bán trường công cho tư nhân).
Giải pháp thứ nhất áp dụng xem như đã thất bại vì số sinh viên các trường tư thục gần 20 năm qua vẫn duy trì ở mức 10-15% và không thể cao hơn. Nên nhà nước chọn giải pháp thứ hai để cải thiện chất lượng đào tạo. Các cơ quan quản lý nhà nước không dùng cụm từ "tư thục hóa trường công", và dùng cụm từ "giá dịch vụ đào tạo" áp dụng cho các trường công gây tranh cãi như hiện nay.
Quan điểm giáo dục đại học sẽ tiến tới thu phí người học theo quan điểm tính đúng, tính đủ đã được nêu trong nhiều nghị quyết của Đảng và chính phủ. Giáo dục đại học tại Việt Nam được xem là một dạng dịch vụ đặc biệt, hiểu theo nghĩa sẽ không còn sự hỗ trợ trực tiếp của nhà nước (trừ học bổng tín dụng cho người nghèo, học bổng cho sinh viên tài năng và chi phí đào tạo theo đặt hàng, đầu tư cho một số ngành đặc thù như an ninh, quốc phòng…).
Phần định nghĩa trong Luật Phí và Lệ phí nói rằng phí là khoản thu của nhà nước cho dịch vụ công theo danh mục được quy định trong luật này.
Một số người cho rằng những gì không nằm trong danh mục này không được gọi là phí nữa, nói đến "phí" là thuộc lĩnh vực "công", còn những gì không nằm trong danh mục phí và lệ phí thì không được gọi là "phí". Vậy là đã hiểu không đúng luật.
Trong Luật Phí và Lệ phí cũng ghi rõ phí được hiểu như vậy là hiểu "trong luật này", không nói là trong mọi hoạt động kinh tế xã hội phải hiểu như vậy, và cũng không cấm dùng từ "phí" với nghĩa khác trong các lĩnh vực khác.
Ví dụ ĐH FPT là trường tư thục, không thuộc đối tượng áp dụng của Luật Phí và Lệ phí nên vẫn dùng từ học phí và không ai băn khoăn về chữ "phí" ở đây cả.
Từ ngữ không quan trọng, quan trọng là chính sách hiện nay xem giáo dục đại học như một dạng dịch vụ và hướng đến việc tính đúng, tính đủ, có nghĩa học phí sẽ được tính theo cách tính giá dịch vụ.
Thời gian tới nhiều khả năng các trường đại học công lập sẽ có mức học phí cao hơn nhiều so với hiện nay. Việc cần làm là Bộ GD-ĐT phải giải thích cho người học hiểu rõ sự thay đổi này.
Theo tôi, trong việc này Bộ GD-ĐT không cần phải thay đổi từ ngữ làm gì vì từ "học phí" đã có từ xưa đến nay rồi và cũng chẳng có luật nào yêu cầu phải từ này đi cả.
Bộ có thể định nghĩa lại "học phí" rõ ràng hơn trong các văn bản, nêu rõ từ nay học phí sẽ được xác định theo cách xác định giá dịch vụ để đảm bảo tính đúng, tính đủ để người học hiểu rõ vấn đề".
ThS Nguyễn Đăng Lý - hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, nêu quan điểm: Việc Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đưa ra thuật ngữ "giá dịch vụ đào tạo" như thể hiện trong Dự thảo Luật Giáo dục đại học là không sai nhưng nếu sử dụng khái niệm này để thay "học phí" là không đúng.
Việc sử dụng khái niệm "học phí" (cũng đã được quy định trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục) vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục.
Theo tôi hiểu, việc Bộ trưởng Bộ GD-ĐT muốn thay đổi khái niệm "học phí" vì với Luật Phí và Lệ phí hiện nay và mức trần của nhà nước, muốn thay đổi mức thu học phí sẽ khó khăn hơn vì bị ràng buộc nhiều khoản theo luật này.
Việc chuyển thành "giá dịch vụ đào tạo" áp dụng theo Luật giá để dễ dàng thay đổi mức thu học phí phù hợp với đặc điểm của ngành. Nhưng thực ra, tôi cho rằng đây chỉ là sự đánh tráo khái niệm, việc này chỉ làm dư luận phản ứng.
Bởi vì lúc này người ta không quan tâm đến việc sử dụng từ ngữ vì trên thế giới đều dùng từ "học phí" nên đề xuất thay đổi từ ngữ không để làm gì.
Điều mọi người đang quan tâm là với tư cách bộ trưởng Bộ GD-ĐT, người đứng đầu ngành giáo dục sẽ đưa ra những quyết sách nào để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Nếu thời gian tới Bộ GD-ĐT muốn tạo cơ chế, xây dựng chính sách mới để các trường đại học công lập được thu học phí cao hơn, linh hoạt hơn thì chỉ cần giải thích rõ cho người học hiểu rằng chi phí đơn vị đào tạo (giá dịch vụ đào tạo) học phí và các chi phí cơ sở đào tạo cung cấp, từ đó xác định mức thu tưng ứng, tính đúng, tính đủ.