Sống khỏe

Chất vấn là cơ hội cùng nhau thảo luận giải quyết vấn đề

TTO - “Chất vấn tại Quốc hội không chỉ là phiên họp truy vấn, đặt trách nhiệm, mà là cơ hội cho cả người được chất vấn, các đại biểu Quốc hội và cử tri để cùng nhau thảo luận giải quyết vấn đề”.

Chất vấn là cơ hội cùng nhau thảo luận giải quyết vấn đề - Ảnh 1.

Theo chương trình, bốn bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn (từ trái sang): Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà - Ảnh: PHƯƠNG HOA - CHÍ QUỐC - VIỆT DŨNG - NG.KHÁNH

Nếu việc tiếp công dân, đối thoại với dân từ cấp xã, phường đến cấp huyện, tỉnh, thành phố được tổ chức một cách chu đáo, thấu đáo hơn thì những giọt nước mắt như của cử tri Thủ Thiêm sẽ không phải dồn nén, không rơi nhiều như thế

Bà NGUYỄN THANH HẢI (trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội)

Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - bà Nguyễn Thanh Hải chia sẻ như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ trước thềm phiên chất vấn tại Quốc hội. Bà Hải nói:

- Kỳ chất vấn này có sự thay đổi về hình thức tổ chức, mỗi đại biểu chỉ hỏi một câu trong vòng một phút. Ý kiến cử tri thì nhiều vấn đề nhưng với một phút cần chuyển tải rất ngắn gọn, đúng vấn đề. 

Đại biểu nêu vấn đề không chỉ cho bộ trưởng hiểu, cho các đại biểu, cho cử tri gửi gắm đến mình mà cho cả các cử tri trên toàn quốc cũng hiểu được vấn đề. Do đó yêu cầu đại biểu rất cao trong việc chuẩn bị câu hỏi để chất vấn.

Chất vấn là cơ hội cùng nhau thảo luận giải quyết vấn đề - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thanh Hải - trưởng Ban Dân nguyện Quốc hộ

Thấy được những giọt nước mắt của cử tri

* Qua các kỳ chất vấn, bà đánh giá các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã chuyển tiếp được ý kiến của cử tri ở mức độ nào và các bộ trưởng, lãnh đạo ngành đã trả lời ra sao?

- Việc lựa chọn các bộ trưởng để chất vấn căn cứ trên kiến nghị của cử tri, tổng hợp từ 63 đoàn ĐBQH. 

Trước kỳ họp này, Ban Dân nguyện đã tổng hợp được 120 vấn đề, ngoài ra còn những vấn đề khác từ thảo luận kinh tế - xã hội, kiến nghị từ các đoàn ĐBQH, các đại biểu gửi tới. 

Như vậy, vấn đề chất vấn đã dựa trên tổng thể những kiến nghị bức xúc nhất, nóng nhất của cử tri. Các ĐBQH là kênh quan trọng nhất chuyển tiếp ý kiến cử tri qua những cuộc tiếp xúc. 

Khi gặp gỡ như vậy thì ngoài thông tin, các đại biểu còn nắm bắt được cả tâm tư, cảm xúc, thậm chí cả những giọt nước mắt kìm nén của cử tri bao nhiêu lâu, như chúng ta đã thấy ở cuộc tiếp xúc với cử tri Thủ Thiêm (TP.HCM) vừa rồi.

Vì thế ở các kỳ chất vấn, tôi rất kỳ vọng vào sự chuyển hóa những tâm tư, nguyện vọng của cử tri từ các đại biểu, một cách sinh động, quyết liệt nhất. 

Cần nhìn nhận qua những đợt chất vấn trước đây, các đại biểu đã làm được tích cực điều này. Trước những kỳ chất vấn gần đây, việc tiếp xúc cử tri với các đại biểu cũng đa dạng hơn, nhiều nhóm vấn đề, đối tượng.

* Vậy với các bộ trưởng, trong những kỳ họp vừa qua bà đánh giá thế nào khi vẫn còn hiện tượng né vấn đề, trả lời vòng vo, "để lại trách nhiệm cho nhiệm kỳ sau"?

- Những kỳ họp qua có rất nhiều vấn đề mà đại biểu chất vấn trên kiến nghị của cử tri đã được các bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện, hứa hẹn giải quyết hoặc nêu ra những khó khăn mà chưa thể giải quyết. 

Việc trả lời chất vấn sẽ có nhiều tác dụng, thứ nhất là thể hiện bản lĩnh của bộ trưởng nắm vấn đề của ngành mình như thế nào, giải quyết vấn đề ra sao. Vì bộ trưởng đang trả lời không chỉ cho đại biểu chất vấn mà cho cử tri toàn quốc.

Vấn đề rất quan trọng nữa là qua các phiên chất vấn tại Quốc hội có thể chia sẻ với cử tri, đại biểu về những khó khăn, thuận lợi trong giải quyết việc mà cử tri nêu. 

Vì có những vấn đề được chất vấn nhưng các bộ trưởng chưa giải quyết được không hẳn là do chủ quan mà do nhiều nguyên nhân khách quan từ nguồn lực, sự phối hợp giữa các bộ ngành với nhau, với địa phương hoặc hành lang pháp lý chưa cho phép.

Tôi cho rằng chất vấn không chỉ là truy trách nhiệm bộ trưởng, hay ép bộ trưởng phải giải quyết trong một thời gian nào đó mà quan trọng là qua cuộc chất vấn thì vấn đề chất vấn sẽ được làm rõ như thế nào, nguyên nhân không giải quyết được là do đâu. 

Ví dụ tới đây chắc chắn đại biểu sẽ chất vấn bộ trưởng Bộ GTVT về vấn đề BOT, việc đặt trạm rồi đổi tên trạm thu phí thành thu giá, vị trí đặt trạm... 

Và các bộ trưởng cũng như đại biểu, cử tri không nên coi cuộc chất vấn chỉ là chất vấn mà đó là cơ hội để cùng nhau làm rõ, giải quyết vấn đề.

Chất vấn là cơ hội cùng nhau thảo luận giải quyết vấn đề - Ảnh 4.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm (bìa phải) chia sẻ với cử tri Thủ Thiêm - Ảnh: TỰ TRUNG

Sẽ có nghị quyết giám sát lời hứa

* Trả lời Tuổi Trẻ về câu chuyện tại Thủ Thiêm, bà nói cảm thấy xót xa vì những giọt nước mắt của cử tri Thủ Thiêm đã phải trải qua thời gian quá dài mới đến được với các ĐBQH... Theo bà, sẽ phải làm gì để ý nguyện cử tri có thể đến được với Quốc hội sớm hơn nữa?

- Tôi nghĩ đại biểu thì cũng là người dân và do dân bầu ra, giữa đại biểu và dân không bao giờ có khoảng cách, chúng ta có đầy đủ các cơ chế để cử tri tiếp xúc với đại biểu, vấn đề là thực hiện nó như thế nào. 

Từ câu chuyện Thủ Thiêm và nhiều nơi khác trên cả nước, tôi nghĩ quan trọng hơn cả là làm sao để những sự việc được giải quyết từ những ngày đầu, từ địa phương, từ cơ sở sẽ giảm phần bức xúc, giảm phần nóng. 

Nếu việc tiếp công dân, đối thoại với dân từ cấp xã, phường đến cấp huyện, tỉnh, thành phố được tổ chức một cách chu đáo, thấu đáo hơn thì những giọt nước mắt như của cử tri Thủ Thiêm sẽ không phải dồn nén, không rơi nhiều như thế.

Hiện nay, việc giải quyết sự việc khi mới nhen nhóm ở nhiều địa phương chưa được coi trọng và vấn đề này Ban Dân nguyện đã kiến nghị trong nhiều báo cáo giám sát, ở kỳ họp này chúng tôi lại tiếp tục kiến nghị trong báo cáo trước kỳ chất vấn. 

Công tác tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp là vô cùng quan trọng. Bản thân các ĐBQH hay đoàn ĐBQH có chức năng tiếp công dân nhưng lại không có thẩm quyền giải quyết. 

Vì vậy, một nguyên lý căn bản của việc nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân là tiếp công dân phải nâng cao với thẩm quyền giải quyết. 

Phải siết chặt việc thanh tra công vụ đối với người đứng đầu các cơ quan hành chính về việc tiếp và giải quyết khiếu nại của công dân, từ cấp xã trở lên.

* Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều chương trình giám sát, nhận nhiều báo cáo từ các đoàn ĐBQH chuyển lên. Nên chăng có cả cơ chế ngược lại là khi có những vụ việc nóng như Thủ Thiêm, BOT, Sào Khê (Ninh Bình)... thì Quốc hội sẽ chủ động giám sát trước?

- Điều này là rất đúng, hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đang có những chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề này. Về nguyên tắc là việc giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thực hiện theo Luật giám sát của Quốc hội. 

Nhưng ngoài ra còn có quy định giám sát ở mức linh hoạt, không cần theo kế hoạch với những vấn đề mới, nóng, diễn ra giữa hai kỳ họp mà không nằm trong chuyên đề, kế hoạch giám sát.

Hiện có nhiều ủy ban của Quốc hội đã chủ động xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chủ động tổ chức những phiên giải trình tại ủy ban hoặc tổ chức các đoàn giám sát. 

Một số vụ việc thời gian qua như liên quan tới việc phong giáo sư, xây công trình xâm hại di tích Tràng An (Ninh Bình) hay vụ 500 giáo viên bị mất việc ở Đắk Lắk..., các ủy ban đều có báo cáo và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền chứ không đợi kiến nghị từ cử tri.

Vấn đề mà tôi băn khoăn là rà soát kiến nghị sau giám sát, đây là chuyện triền miên qua các kỳ họp Quốc hội khi việc rà soát xem vấn đề đưa vào nghị quyết đã thực hiện được đến đâu. 

Đặc biệt là chưa có cơ chế xử lý đối với những người có trách nhiệm nhưng không thực hiện những kiến nghị sau giám sát đó, kể cả với các bộ trưởng. 

Tới đây Quốc hội sẽ có một nghị quyết, "quét" tất cả những "lời hứa" tại nghị trường từ trước tới nay, thống kê xem có bao nhiêu vấn đề được nêu và được thực hiện và sẽ công bố. 

Đây sẽ là một sức ép để các bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện nghiêm túc vấn đề đã hứa, đã được giao.

Cơ hội nào cho các vấn đề nóng ngoài dự kiến?

* Kỳ họp này có những sự việc rất nóng như chuyện đội vốn 36 lần ở dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình), việc tàu Trung Quốc vào đánh bắt hải sản cách bờ biển Đà Nẵng 30 hải lý mà Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm nêu... Cơ hội nào để những vấn đề này xuất hiện tại phiên chất vấn?

- Qua các phiên họp, nhiều vấn đề đã được nêu lên, tôi thấy rất vui là các ĐBQH có tính tranh luận rất cao, qua tranh luận nhiều vấn đề được làm rõ cho người đang tranh luận và nghe cuộc tranh luận đó.

Tôi tin rằng những vấn đề mà Quốc hội đánh giá là nóng và cần thiết thì sẽ đưa vào nghị quyết kỳ họp, các cơ chế đều đã có.

3746986 3(read-only)

* Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng): Tôi quan tâm ngành giáo dục nhất!

Với kỳ họp có nhiều nội dung nóng và được dư luận quan tâm như kỳ họp này thì tôi cho rằng không phải là thách thức, mà nếu bộ trưởng biết tận dụng thì đây cũng là cơ hội cho chính bộ trưởng để chia sẻ cho đại biểu cũng như cử tri cả nước hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý ngành của bộ mình.

Tôi cho rằng 4 bộ trưởng mà Quốc hội chọn ra để chất vấn kỳ này đều là những bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực nóng bỏng.

Tuy nhiên, tôi vẫn quan tâm ngành giáo dục nhất bởi giáo dục là quốc sách hàng đầu, trong thời gian qua có nhiều vấn đề của ngành này như bạo hành trẻ em mầm non, những hành vi chưa chuẩn mực của giáo viên, phụ huynh học sinh...

Đây là những vấn đề xã hội đang rất quan tâm bởi liên quan mật thiết tới từng người, từng gia đình.

Đây là ngành đào tạo con người, khác biệt với tất cả các ngành khác. Một sản phẩm làm ra mà bị lỗi thì có thể bỏ đi rồi làm cái khác, nhưng con người thì không thể bỏ đi được mà cần phải có biện pháp giáo dục.

3765355 3(read-only)

* Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Tôi sẽ chất vấn vấn đề BOT

Cá nhân tôi với tư cách là đại biểu của một tỉnh miền Trung thì tôi quan tâm các nội dung của ba ngành hiện đang nóng nhất trong xã hội đó là giao thông, giáo dục - đào tạo và tài nguyên - môi trường.

Đối với Bộ GTVT, tôi đề nghị bộ trưởng Bộ GTVT giải thích rõ vì sao lại có chuyện thời gian thu phí của bộ đề ra so với thời gian thu phí mà kiểm toán đã làm việc lại có sự chênh lệch hàng trăm năm? Thứ hai là vì sao trên quốc lộ mà lại cho đặt trạm BOT với hình thức mở rộng?

Đối với Bộ GD-ĐT, tôi rất quan tâm vấn đề vì sao liên tục cải cách, rồi liên tục thay đổi các hình thức thi cử, chương trình sách giáo khoa nhưng hiệu quả chưa cao, điều đó gây nên nỗi lo lắng cho người dân.

Vấn đề khác là chế độ chính sách cho giáo viên, đặc biệt là đối với giáo viên mầm non còn gây rất nhiều khó khăn, bất cập mà tôi đề nghị bộ trưởng phải trả lời.

Rồi hiện nay đang nổi lên vấn đề bạo lực học đường, tình yêu nghề, mến trẻ của giáo viên xuống cấp, rồi chất lượng giáo dục có những nỗi lo lắng mà cử tri hết sức quan tâm... Những điều này tôi muốn biết bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ xử lý như thế nào?

Đối với Bộ TN-MT, tôi muốn đặt câu hỏi vì sao tình trạng khiếu nại, tố cáo về đất đai chiếm đến 75% tổng số khiếu nại, tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng? Việc xử lý các vấn đề này cũng như câu chuyện ô nhiễm môi trường như thế nào?

THÁI BÁ DŨNG ghi

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,407,467       6/1,152