Sống khỏe

Bỏ việc lương cao đi bảo tồn thú biển

TTO - Về nước sau kỳ du học thạc sĩ Chevening, Anh, Vũ Long sớm từ bỏ công việc ổn định trong ngành dầu khí để theo đuổi tiếng gọi nơi hoang dã.

Bỏ việc lương cao đi bảo tồn thú biển - Ảnh 1.

Vũ Long (giữa) tìm hiểu tập quán chôn cất cá heo dạt vào Hòn Heo (Kiên Lương, An Giang) - Ảnh: T.A.THƠ

Đến nay đã năm năm kể từ ngày anh và nhóm cộng sự gắn bó với thú biển cùng ngư dân khu vực phía Nam.

Vừa nghiên cứu tại bộ môn sinh thái - sinh học tiến hóa Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), Vũ Long (30 tuổi) vừa điều hành Mạng lưới thú biển VN, kết hợp các chuyến khảo sát với hướng dẫn sinh viên thực địa, trả lời những câu hỏi về cá heo, cá voi, dugong (cá cúi, bò biển), hải cẩu...

Trong bối cảnh ngư nghiệp VN đang chịu các chế tài như thẻ vàng của Liên minh châu Âu, bảo tồn thú biển còn là nghĩa vụ và cam kết quốc tế. Đứng ngoài luật chơi toàn cầu, không chỉ nghề đánh cá mà các sản phẩm từ nuôi trồng thủy sản cùng chịu thiệt hại.

Nghiên cứu sinh VŨ LONG

Từ những cái chết "oan"

Dưới ánh nắng vùng biển Phú Quốc (Kiên Giang), ba nhà sinh học người Việt và Malaysia chia nhau ngồi bên mạn thuyền, mũi tàu, phóng tầm mắt dõi tìm cá heo. Khi đã xác định mục tiêu, tàu đổi hướng, tiến gần đến để nhận diện loài, xác định vị trí tọa độ, lấy thông tin môi trường.

"Trong điều kiện nghiên cứu VN, nhóm chủ yếu khảo sát theo tuyến bằng thuyền (phương pháp truyền thống). Từ năm 2017, nhóm hợp tác với ĐH bang San Francisco và Công ty Bio-Waves (Hoa Kỳ) thử nghiệm hệ thống thu sóng âm dưới nước để khảo sát thú biển, là một trong nhiều hướng tiếp cận mới của khoa học hải dương" - Vũ Long cho biết.

Quá trình khảo sát vùng biển từ Hà Tiên đến Rạch Giá cách bờ 20km, nhóm nghiên cứu thống kê có bảy bầy cá heo, trong đó có ba bầy cá heo Irrawaddy (Orcaella brevirostris) mà người dân thường gọi cá nược Minh Hải, được xếp vào diện nguy cấp trong Sách đỏ quốc tế.

Mặc dù tần suất bắt gặp khá cao nhưng thật khó tìm ra công trình nghiên cứu khoa học quốc tế nào về cá heo, cá voi ở VN. Sự hiểu biết của người dân và đơn vị quản lý địa phương về thú biển còn rất hạn chế, dẫn đến tình trạng ngư dân thiếu hiểu biết, vô tình đánh bắt hoặc dùng ngư cụ có tính hủy diệt gây những cái "chết oan" lên quần thể thú biển gần bờ.

Theo thống kê sơ bộ của Mạng lưới thú biển, khu vực Kiên Giang có chín loài thú biển trên khoảng 30 loài đang hiện diện tại VN.

Hi vọng vào các nhà khoa học trẻ

TS Vũ Ngọc Long cho biết đã đến lúc thế hệ nhà khoa học trẻ với ngoại ngữ giỏi, mạnh dạn triển khai các phương pháp tiếp cận mới như ứng dụng công nghệ thông tin điều tra đa dạng sinh học, theo dõi đàn, tập tính loài, sinh thái... "Viện Hải dương học Nha Trang cũng có một số bộ sưu tập và nghiên cứu bài bản nhưng chỉ ở mức đại cương chung chung về đa dạng sinh học. Thật sự, tôi chưa thấy ai đam mê, lăn lộn với ngư dân và nghiên cứu chuyên sâu như Vũ Long" - TS Vũ Ngọc Long nhận xét.

Thử thách lớn, phần thưởng lớn

Mặc dù khá đơn độc trên hải trình bảo tồn thú biển, Vũ Long kiên trì quan điểm: "Thử thách lớn thì phần thưởng lớn. Những nghiên cứu mà nhóm đang thực hiện là tiên phong, tạo tiền đề cho nghiên cứu sinh thái bảo tồn thú biển ở VN. Nhiều dữ liệu xuất phát từ nghiên cứu này đã được công bố trên tập san khoa học quốc tế như Science".

"Sau khi du học Anh về, tôi nhảy vào nghiên cứu cho một trung tâm về phát triển an toàn và môi trường dầu khí ở quận 9 với lương khởi điểm khi đó là 1.000 USD nhưng tính chất công việc không phù hợp với định hướng phát triển bản thân. Ai cũng mơ ước được giàu. Nhưng định mệnh có lẽ yêu cầu tôi làm việc này để đóng góp được điều gì đó cho xã hội" - Long tâm sự.

Từng hướng dẫn Vũ Long tại Viện Sinh thái học miền Nam, TS Vũ Ngọc Long, nguyên viện trưởng, chia sẻ: "Bảo tồn thú biển đòi hỏi kinh phí rất lớn, phải có tàu biển chuyên ngành để quan sát hiệu quả, cần hợp tác quốc tế để hỗ trợ phương tiện nghiên cứu đáy biển...

Thế hệ chúng tôi gần như bất lực về vấn đề đó, chưa làm được. Con đường Vũ Long đi mặc dù hay, táo bạo những vẫn hơi muộn so với tình hình bảo tồn ở VN. Tuy nhiên với lòng đam mê thật sự, tôi hi vọng thế hệ nhà khoa học trẻ tập hợp lại, kết nối chính quyền địa phương và quỹ khoa học quốc tế phối hợp hành động".

Để mở rộng phạm vi hoạt động của nhóm nghiên cứu thú biển, Vũ Long đang xúc tiến thành lập Trung tâm nghiên cứu bảo tồn loài quý hiếm (CCES) trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN (VUSTA).

Nhiệm vụ chính của trung tâm là điều tra hiện trạng, tư vấn, lập kế hoạch bảo tồn loài nguy cấp và cảnh quan sinh thái. Ví dụ, "nghiên cứu, ứng dụng các mô hình quản lý sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, chẳng hạn thuyết phục ngư dân gắn thiết bị phát tín hiệu vào lưới để xua đuổi cá heo (dựa vào sóng âm gây khó chịu), tránh tình trạng cá heo mắc lưới chết oan" - Long chia sẻ.

Hiểu biết để không làm hại động vật hoang dã Hiểu biết để không làm hại động vật hoang dã

TTO - Các chuyên gia nước ngoài đã gửi gắm điều này đến những ai còn tin rằng uống mật gấu, uống sừng tê giác chữa bá bệnh, ăn vi cá mập bổ béo và tốt cho sức khỏe...

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,364,922       1/259