Sống khỏe

Bé 7 tháng phải bỏ nhãn cầu vì nhỏ sữa mẹ chữa loét giác mạc

TTO - Các bác sỹ Bệnh viện Mắt T.Ư đã phải bỏ nhãn cầu bên trái để tránh bệnh lan sang mắt còn lại của em bé 7 tháng tuổi ở Sơn La, sau một tuần bé được nhỏ sữa mẹ chữa loét giác mạc.

Bé 7 tháng phải bỏ nhãn cầu vì nhỏ sữa mẹ chứa loét giác mạc - Ảnh 1.

Bác sỹ khám cho bé tại Bệnh viện Mắt T.Ư. Hiện tình trạng của bé đã ổn nhưng mắt trái của bé sẽ không còn nhìn thấy gì nữa (ảnh: BVCC)

Bác sỹ Vũ Quế Anh (Khoa Mắt Trẻ em, Bệnh viện Mắt T.Ư) cho hay bệnh nhân là em bé 7 tháng tuổi ở Sơn La vào viện hôm 31-5 vừa qua trong tình trạng rất nặng: giác mạc bị loét, thủng, phòi ra ngoài mắt.

Theo lời kể của gia đình, bé bị đau mắt, mắt sưng đỏ và gia đình đã chữa bằng cách dùng sữa mẹ nhỏ vào mắt, đồng thời mua thuốc tự điều trị cho bé trong vòng một tuần. 

Thấy bệnh không khỏi mới đưa đi Bệnh viện và bệnh viện tuyến dưới đã nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Mắt T.Ư do tình trạng bệnh quá nặng.

"Tôi không khẳng định tình trạng của bé là do sữa mẹ, nhưng việc bé đau mắt và không được điều trị kịp thời trong thời gian quá dài đã dẫn đến tình trạng này", bác sỹ Quế Anh nói.

Theo vị bác sĩ này, sữa mẹ khi ở trong cơ thể mẹ ở trong tình trạng sạch, nhưng khi ra bên ngoài thì sữa có thể nhiễm khuẩn, sữa cũng không có các dược chất để có thể điều trị chứng viêm loét giác mạc nên bệnh đã tiến triển nặng.

"Chúng tôi đã phải tiến hành điều trị cho tình trạng của bé đỡ hơn và ngày 5-6 đã phải bỏ nhãn cầu mắt trái của bé để tránh bệnh lan sang mắt phải. Sau khi bỏ nhãn cầu thì mắt trái của bé không còn nhìn thấy gì nữa", bác sỹ Quế Anh cho biết.

Bác sỹ cũng cho hay từng đã có những bệnh nhi được "chữa" bằng cách nhỏ sữa mẹ vào mắt và phải đến bệnh viện.

Tuy nhiên các trường hợp này mới được nhỏ sữa mẹ trong 2-3 ngày thấy bệnh không tiến triển, gia đình đưa bé đến bệnh viện ngay, nhưng bé ở Sơn La thì thời gian để quá dài dẫn đến tình trạng bệnh quá nặng và phải bỏ nhãn cầu mắt trái. 

San sẻ dòng sữa mẹ San sẻ dòng sữa mẹ

TTCT - Hiểu được sự quý giá của sữa mẹ, ngày càng có nhiều “mẹ sữa” chia sẻ sữa của con mình cho những em bé khác. Không ít những em bé mới sinh dị ứng sữa ngoài, sinh non, mồ côi, mẹ đẻ mổ… đã bú những giọt sữa đầu tiên từ những người mẹ xa lạ.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,372,896       1/571