Sống khỏe

Tranh chấp chung cư nhiều vì dân... mất niềm tin

TTO - Ông Trần Ngọc Chính, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng nguyên cớ khiến tranh chấp chung cư kéo dài, lan rộng hiện nay là do cư dân cảm thấy bị bội tín.

Tranh chấp chung cư nhiều vì dân... mất niềm tin - Ảnh 1.

Trần Ngọc Chính, chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - Ảnh: VIỆT DŨNG

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo Thủ tướng về tình trạng tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân chung cư. Theo đó, đến nay có 108 dự án tại 43 địa phương xảy ra tranh chấp.

Trong số này chiếm nhiều nhất là các tranh chấp phí bảo trì phần sở hữu chung (chủ đầu tư không, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần cho ban quản trị…) và tranh chấp về diện tích sở hữu chung, riêng (nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, diện tích cho thuê… ).

Còn lại là các tranh chấp liên quan tới chất lượng công trình, phí dịch vụ quản lý vận hành, hợp đồng mua bán, thủ tục cấp giấy chứng nhận sở hữu căn hộ…

Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Chính - chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - về tình hình trên.

* Theo ông, những tranh chấp khiến cư dân chung cư bức xúc phổ biến là gì?

- Khi ký hợp đồng mua bán, họ bỏ ra số tiền lớn nhưng khi nhận nhà lại nhận được một sản phẩm không hoàn hảo, không như giao kèo. Đó có thể là chất lượng công trình kém, diện tích thiếu, công năng không đầy đủ, tiện ích thiếu hoặc không có…

Nghiêm trọng hơn thì là sai phạm về thiết kế, về kiến trúc, quy hoạch hay an toàn phòng cháy chữa cháy đe dọa tới tính mạng… Họ bị bội tín so với vật chất và niềm tin họ bỏ ra nên việc phản ứng là điều rất dễ lý giải.

* Đó là tranh chấp dân sự, nhưng sao họ không đưa ra tòa?

- Thứ nhất, nếu ra tòa sẽ rất kéo dài, mệt mỏi và kết quả thường không như mong đợi vì người dân không có đủ kiến thức, thời gian, tiền bạc để "cắp tráp" đi hầu tòa. Nếu cư dân chọn con đường này, người ta thường ví von là "chờ được vạ thì má đã sưng".

Thứ hai, tranh chấp chung cư thường không phải là một chủ thể mà hầu hết là tập thể, có khi từ vài người, vài chục đến vài trăm người cùng lúc. Để hội đủ điều kiện kéo cả trăm người ra tòa thưa kiện là điều không khả thi trong thực tế.

Ngoài ra, cư dân chọn căng băngrôn, diễu hành vừa là cách dễ hô hào, dễ làm, gây sức ép với chủ đầu tư về mặt áp lực hình ảnh, đám đông, cũng là cách để lôi kéo sự chú ý của truyền thông và đánh động đến các cấp quản lý.

Về khách quan, đó là việc không nên làm, dễ đẩy tới bức xúc mà vô tình có hành vi vi phạm pháp luật, còn đơn giản nhất thì đó là một hình ảnh xấu xí không nên có của một đô thị văn minh.

* Phải chăng người dân phản ứng như vậy vì họ không còn nhiều niềm tin vào sự giải quyết hiệu quả và thấu đáo của cơ quan quản lý?

- Cơ quan chuyên ngành về xây dựng chủ yếu là nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách về quản lý vĩ mô, quản lý nhà nước. Trách nhiệm chủ đầu tư mới là chủ yếu.

Rất nhiều tranh chấp xuất phát từ sự cố tình vi phạm của chủ đầu tư. Họ vi phạm ngay từ đầu hoặc trong quá trình xây dựng. Khi thì bớt xén công năng, tiện ích, khi thì thay đổi thiết kế, điều chỉnh quy hoạch để bớt chi, tăng thu…

* Ông đánh giá thế nào về vai trò của chính quyền thời gian vừa qua trong những vụ tranh chấp?

- Rất mờ nhạt. Khi xảy ra tranh chấp, dễ nhận thấy đại diện chính quyền địa phương thường có mặt chỉ để giải quyết an ninh trật tự nhất thời hoặc làm "trung gian hòa giải".

Việc giải quyết thấu đáo nguyên cớ là hầu như không có. Có thể vì lý do chức năng, thẩm quyền không đủ, cũng có thể là do trách nhiệm còn kém. Vì thế theo tôi, cần xác lập lại vai trò của chính quyền địa phương trong tranh chấp chung cư.

Dự án, công trình ở địa bàn của địa phương, cư dân mua nhà cũng là công dân của địa phương đó. Bản thân chính quyền phường, xã, quận, huyện được giao quản lý nhà nước về mọi mặt an ninh trật tự, kinh tế- xã hội, đời sống văn hóa, tinh thần… của địa phương mình.

Việc vi phạm của chủ đầu tư, phản ứng của cư dân là những biểu hiện cụ thể, sinh động nhất của đời sống ở địa bàn. "Ông" không quản lý địa bàn, cư dân của "ông" thì quản lý ai, cái gì nữa?

Chính quyền phường, xã đến quận, huyện, tỉnh, thành phố cần sát sao hơn nữa trong việc giám sát các chủ đầu tư vi phạm. Xảy ra tranh chấp thì chính quyền phải phân định rõ ai đúng, ai sai, sửa sai như thế nào, cam kết về nội dung sửa, tiến độ hoàn thành ra sao và giám sát việc thực thi điều đó.

Ông Nguyễn Văn Đính, phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam:

Giữ phí bảo trì là trái luật

Theo quy định, chủ đầu tư dự án chung cư phải bàn giao phí bảo trì chung cư cho ban quản lý chung cư chứ không được giữ lại. Chủ đầu tư nào chây ì giữ lại là đang làm trái quy định của Luật nhà ở.

Để hạn chế tranh chấp liên quan đến quỹ bảo trì chung cư cần quy định chặt hơn, vẫn giao cho ban quản trị quản lý tài chính quỹ bảo trì nhưng trách nhiệm bảo trì, duy tu các chung cư phải giao cho chủ đầu tư thực hiện. Vì thực tế không phải ban quản lý tòa nhà nào cũng đủ năng lực để tự thuê một đơn vị bảo trì độc lập bên ngoài về thực hiện công tác bảo trì các tòa chung cư.

Không thể để chủ đầu tư vô can bởi khi xảy ra sự cố thì cư dân vẫn tìm đến chủ đầu tư để đòi hỏi quyền lợi.

Quy định hiện hành đang giao cho các ban quản trị chung cư quyền được chọn đơn vị quản lý, vận hành, quản lý tòa nhà nhưng khi bán căn hộ cho cư dân, chủ đầu tư thường cam kết trong hợp đồng sẽ có đơn vị này, đơn vị kia quản lý vận hành tòa nhà, nhưng sau đó chủ đầu tư không có quyền quyết định nên họ đã buông luôn dự án cho cư dân.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng):

Cưỡng chế truy thu

Luật nhà ở 2014 đã quy định sau khi ban quản trị chung cư được thành lập 7 ngày thì chủ đầu tư phải chuyển quỹ bảo trì cho ban quản trị. Văn bản quy định pháp luật có hết rồi, vấn đề là các địa phương phải tổ chức thực hiện nghiêm.

Theo quy định thông tư 02/2016/TT-BXD, trường hợp chủ đầu tư cố tình chây ì, không chuyển trả quỹ bảo trì chung cư cho các ban quản lý tòa nhà thì các địa phương có quyền tiến hành biện pháp cưỡng chế để truy thu.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,190,502       27/672