TTO - Na Uy sẽ yêu cầu Mỹ tăng gấp đôi số binh sĩ thủy quân lục chiến đồn trú tại nước này trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Nga, quốc gia láng giềng phía đông của họ.
Các quân nhân Mỹ thuộc lực lượng thủy quân chiến tới Na Uy tham gia huấn luyện tại Stjordal tháng 1-2017 - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, khoảng 330 binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ dự kiến sẽ rút khỏi Na Uy vào cuối năm nay sau khi được điều động tới Na Uy vào tháng 1-2017 để tham gia huấn luyện chiến đấu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt mùa đông.
Họ cũng là những quân nhân nước ngoài đầu tiên được điều động tới Na Uy, quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kể từ Thế chiến thứ 2.
Đợt đồn trú đầu tiên của các quân nhân Mỹ này đã từng khiến Matxcơva hết sức khó chịu. Chính quyền của tổng thống Vladimir Putin cho rằng động thái đó sẽ khiến quan hệ song phương giữa Nga và Na Uy tồi tệ hơn, đồng thời cũng làm gia tăng căng thẳng ở sườn phía bắc của khối NATO.
Ngoại trưởng Na Uy, bà Ine Eriksen Soereide, cho rằng quyết định đề nghị Mỹ điều động thêm binh sĩ đồn trú tại Na Uy không có nghĩa là sẽ có một căn cứ quân sự thường trực tại nước này, và việc đó cũng không nhắm vào Nga.
"Không có căn cứ quân sự Mỹ nào trên lãnh thổ Na Uy", bà Eriksen Soereide nói, đồng thời cho biết đề xuất tăng thêm quân nhân Mỹ đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi tại quốc hội.
Theo đó kể từ năm 2019 Na Uy sẽ đề nghị Washington điều động 700 binh sĩ thủy quân lục chiến, so với 330 người như hiện tại. Mặc dù bà Ngoại trưởng Na Uy tuyên bố yêu cầu điều động thêm này không nhằm vào Nga, song số quân nhân Mỹ được điều động thêm cũng sẽ đồn trú tại khu vực gần với biên giới Nga hơn là khu vực trung tâm của Na Uy.
Đại sứ quán Nga tại Oslo vẫn chưa có bình luận gì sau động thái này.