Sống khỏe

Chăm sóc da mụn

Da bị mụn không được chăm sóc và điều trị đúng cách sẽ để lại nhiều hậu quả: Dát thâm, sẹo lõm, sẹo lồi, sẹo quá phát...

Chăm sóc da mụn - Ảnh 1.

Mụn trứng cá thường xuất hiện ở da nhờn, kèm theo đó là nổi mụn comedones (đầu đen hoặc trắng) ở vùng mặt và thông thường còn có thể xuất hiện ở cổ, vai, ngực và lưng. Trong các trường hợp bị mụn vừa và nặng, da trở nên ửng đỏ với sự phát triển của các nốt sần gây viêm nhiễm và mụn mủ, đồng thời có thể dẫn đến vết thâm hoặc để lại sẹo. Mụn không chỉ ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ mà nó còn tác động rất lớn đến tâm lý căng thẳng, khó chịu kéo dài.

Da mụn và nguyên nhân

Trứng cá là bệnh của nang lông tuyến bã thường gặp ở tuổi dậy thì cho đến 30-40 tuổi, với tổn thương đa dạng: Nhân, sẩn, mụn mủ, cục, nang trứng cá. Nguyên nhân của bệnh khá phức tạp, có liên quan đến nhiều yếu tố như nội tiết, tiêu hóa, vai trò của vi khuẩn trên da... Có 4 cơ chế chính gây ra mụn trứng cá:

- Sự tăng tiết bã nhờn: Sự hoạt động của tuyến bã có liên quan với các hormon, đặc biệt là testosteron.

- Sừng hóa cổ nang lông tuyến bã: Sự sản xuất quá mức chất bã nhờn kết hợp với dầy sừng cổ nang lông gây ứ đọng chất bã.

- Vi khuẩn P.acnes: Vi khuẩn này có khả năng phân hủy lipid, giải phóng các acid béo tự do gây viêm mạnh.

- Phản ứng viêm: Chất bã bị ứ đọng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, các vi khuẩn tiết ra các men lipase, hyarulonidase, protease,... có khả năng gây viêm. Phản ứng viêm hình thành nên các nhân trứng cá, sẩn, mụn mủ, cục, nang.

Cách chăm sóc da bị mụn

* Một số nguyên tắc chăm sóc da mụn

- Tất cả các sản phẩm dành cho da mụn không có các hoạt chất làm tăng sinh nhân mụn.

- Các sản phẩm làm sạch nhẹ, không gây kích ứng da, không có cồn hoặc rất ít cồn.

- Nên dùng các sản phẩm có hoạt chất chống viêm và làm se da mặt, làm giảm hiện tượng sừng hóa, dung nạp tốt.

* Cách chăm sóc

- Dùng kết hợp thuốc điều trị mụn với các sản phẩm có tính giảm tiết bã nhờn, chống viêm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Dùng thuốc đúng liều, đủ thời gian, tái khám theo lịch hẹn.

- Dùng các sản phẩm giữ ẩm cho da.

- Các sản phẩm dành cho da mụn thường ở dạng gel, thể sữa, dầu hoặc nước, không có chất béo trong thành phần.

- Tẩy tế bào chết 1-2 lần/ tuần.

- Vệ sinh hằng ngày bằng sữa rửa mặt 2 lần/ngày.

- Tránh nắng bằng cách dùng kem chống nắng cho da nhờn hoặc che chắn kỹ.

- Sử dụng khẩu trang đúng tiêu chuẩn khi đi ngoài đường để tránh bụi bẩn cho da.

Các sai lầm thường gặp trong chăm sóc da mụn

- Nặn mụn: Việc nặn mụn có thể gây chảy máu, viêm lan rộng, dát thâm và sẹo lõm.

- Dùng thuốc không đúng: Tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc không đúng loại, không đủ thời gian làm cho mụn không được kiểm soát.

- Không dùng kem chống nắng và kem giữ ẩm: Da mụn cũng cần được chăm sóc để cung cấp đủ độ ẩm và hạn chế tác động của ánh sáng mặt trời.

- Lạm dụng sữa rửa mặt kiểm soát dầu: Sữa rửa mặt có tính tẩy mạnh làm da bị tổn thương có thể gây ra nhiều mụn hơn./.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,188,110       1/901